pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thận trọng với tác dụng phụ của các thuốc điều trị thủy đậu
Trong quá trình điều trị thủy đậu, nhiều loại thuốc khác nhau có thể được chỉ định để làm giảm các triệu chứng, cải thiện tiên lượng bệnh và rút ngắn thời gian điều trị.
Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng thuốc điều trị thủy đậu bệnh nhân cũng có những nguy cơ nhất định phải đối mặt với các tác dụng phụ do thuốc gây ra với sức khỏe. Vì vậy, nắm được các tác dụng phụ của thuốc giúp phát hiện sớm và dự phòng các tác dụng không mong muốn do thuốc gây nên.
Tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị thủy đậu thường dùng hiện nay:
1. Thuốc điều trị thủy đậu nhóm kháng virus
Các thuốc điều trị thủy đậu nhóm kháng virus được sử dụng để ngăn chặn sự nhân lên của virus trong cơ thể, giúp giảm nhẹ các biểu hiện của bệnh và rút ngắn thời gian mắc bệnh. Trong đó, Acyclovir là loại thuốc điều trị thủy đậu nhóm kháng virus thường được dùng nhất hiện nay.
Những biểu hiện tác dụng phụ khi sử dụng Acyclovir làm thuốc điều trị thủy đậu cũng thay đổi nhiều tùy thuộc vào đường sử dụng thuốc mà bệnh nhân được chỉ định. Nếu sử dụng thuốc bằng đường uống dưới dạng viên nén, bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng nôn hoặc buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng hoặc các rối loạn thần kinh như chóng mặt, buồn ngủ, lẫn lộn, ảo giác,...
Nếu bệnh nhân sử dụng Acyclovir dưới dạng bôi tại chỗ để điều trị thủy đậu thì cảm giác bỏng rát tại vị trí bôi là tác dụng phụ thường gặp nhất do thuốc.
2. Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt
Trong điều trị bệnh thủy đậu, Paracetamol rất thường được sử dụng để giảm đau và hạ sốt cho bệnh nhân.
Với liều điều trị thông thường, Paracetamol là thuốc khá lành tính và rất ít gây tác dụng phụ. Nhưng nếu sử dụng liều cao thì thuốc có thể gây nên các tổn thương cho gan (do thuốc được chuyển hóa ở gan). Trong trường hợp nặng khi sử dụng với liều quá lớn Paracetamol trong thời gian ngắn (lớn hơn 10g/24h), thuốc thậm chí có thể gây nên tình trạng hoại tử tế bào gan ở người bệnh và có thể dẫn đến tử vong.
Do đó, khi sử dụng Paracetamol để giảm đau và hạ sốt cho bệnh nhân thủy đậu, ta không nên lạm dụng thuốc mà chỉ nên sử dụng thuốc khi bệnh nhân sốt cao trên 38,5 độ C và các biện pháp hạ nhiệt vật lý như lau mát, cởi bỏ bớt quần áo không có hiệu quả. Đồng thời cũng cần thận trọng khi sử dụng Paracetamol để điều trị thủy đậu cho các bệnh nhân có chức năng gan suy giảm (viêm gan virus, xơ gan,...).
>> Đáng lo ngại với các ca tử vong do ngộ độc paracetamol!
3. Thuốc bôi ngoài da xanh methylen
Nhìn chung, khi bôi xanh methylen ngoài da vào vị trí của các nốt phỏng nước trong điều trị bệnh thủy đậu hầu như rất ít hoặc không có tác dụng phụ nào đáng kể trên bệnh nhân. Thường thì bệnh nhân sẽ có thể chỉ cảm thấy khó chịu đôi chút vì thuốc có màu xanh nên khi bôi lên da nhìn sẽ khám nhem nhuốc.
4. Tác dụng phụ của thuốc kháng histamin
Các thuốc kháng histamin H1 được sử dụng để ngăn chặn tác dụng của histamin lên các thụ thể H1 của nó, từ đó giúp giảm các tác dụng do sự phóng thích histamin gây nên, đặc biệt là giảm ngứa. Vì thế, nó thường được dùng để làm giảm ngứa cho bệnh nhân trong điều trị thủy đậu.
Những tác dụng phụ của thuốc kháng histamin hay gặp nhất kể đến như buồn ngủ, ngủ gà, hoa mắt, kém tập trung,... vì thế thuốc cần thận trọng khi sử dụng cho các bệnh nhân phải làm việc trong môi trường tập trung cao độ. Các tác dụng phụ khác của thuốc cũng có thể mắc phải như khô miệng, bí tiểu tiện,... Và những tác dụng phụ này thường sẽ tăng khi bệnh nhân sử dụng rượu.
Trên đây là thông tin cơ bản về các tác dụng phụ thường gặp nhất của một số các thuốc điều trị thủy đậu thường dùng hiện nay. Để hạn chế các tác dụng phụ của thuốc, bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ sau khi đã thăm khám và chẩn đoán bệnh đầy đủ.