Thành kiến trong thị trường việc làm với phụ nữ Hồi giáo

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Một nghiên cứu được công bố vào tháng 6 bởi LedBy Foundation đã chỉ ra sự phân biệt đối xử và thành kiến ​​đối với phụ nữ Hồi giáo trong quá trình tuyển dụng cho các công việc thuộc nhiều lĩnh vực.

Mặc dù là nha sĩ được đào tạo qua trường lớp, nhưng việc theo đuổi nghề với Lubna Aamir, 28 tuổi, vẫn là một giấc mơ.

Năm 2018, sau khi học ngành nha và đi thực tập vài năm, Aamir bắt đầu xin việc tại các phòng khám nha khoa trên khắp Ấn Độ qua email và trực tiếp gửi hồ sơ. Cô đã ứng tuyển hơn 20 phòng khám nhưng không nhận được phản hồi dù thành tích học tập tốt. "Tôi đạt điểm xuất sắc và có kỳ thực tập tại một trường cao đẳng chính phủ nổi tiếng trong ngành. Tôi có hồ sơ tốt, nhưng không nhận được bất kỳ phản hồi nào", Aamir nói.

Người Hồi giáo chiếm gần 14% tổng số 1,35 tỷ dân của Ấn Độ nhưng không có đại diện tương đương trong các lĩnh vực nhà nước và tư nhân. Cộng đồng này cũng đứng cuối trong các nhóm xã hội của Ấn Độ về giáo dục và việc làm. Năm 2006, một hội đồng Tư pháp phát hiện ra rằng ít hơn 8% người Hồi giáo làm việc trong khu vực chính thức so với mức trung bình toàn quốc là 21%.

Theo điều tra dân số năm 2011, tỷ lệ phụ nữ Hồi giáo làm việc là dưới 15%, trong khi con số này ở đạo Hindu là hơn 27%. Với phụ nữ theo đạo Phật và Cơ đốc, con số tương ứng lần lượt là 33% và 31%.

Phụ nữ Hồi giáo và khăn trùm đầu

Trong một xã hội phân cực sâu sắc, phụ nữ Hồi giáo ngày càng bị gạt ra ngoài lề xã hội. Theo các chuyên gia, họ đứng ở giao điểm của sự khác biệt về giới tính và tôn giáo, điều này làm tăng đáng kể khả năng chịu thành kiến từ các nhà tuyển dụng.

Theo Apoorvanand, một học giả và nhà hoạt động có trụ sở tại thủ đô New Delhi, thành kiến vẫn luôn tồn tại, nhưng với sự thống trị của đảng BJP (đảng của người Hindu) và Rashtriya Swayamsevak Sangh (tổ chức theo chủ nghĩa dân tộc của người Hindu có ảnh hưởng lớn tại Ấn Độ), mọi người đang muốn loại trừ người Hồi giáo khỏi tất cả các lĩnh vực kinh tế.

Đối với phụ nữ Hồi giáo, phần lớn vấn đề đến từ khăn trùm đầu (hijab).

Sau nhiều lần bị từ chối, Aamir nhận ra rằng vấn đề tôn giáo khiến cô gặp bất lợi. Nếu không phải là một người Hồi giáo, Aamir cảm thấy mọi thứ sẽ khác. Trong cuộc phỏng vấn tại một trong những chi nhánh của chuỗi phòng khám nha khoa lớn nhất ở Ấn Độ, Aamir được hỏi về cuộc sống và niềm tin cá nhân.

Aamir nói: "Tôi trả lời tất cả những gì họ hỏi. Cuối cuộc phỏng vấn, tôi được hỏi về vấn đề khăn trùm đầu". Người phỏng vấn đã hỏi Aamir có sẵn sàng bỏ khăn trùm đầu nếu được làm việc tại phòng khám hay không. Cô từ chối và bị đánh trượt. Không thể làm việc lâm sàng, Aamir chuyển sang làm phân tích dữ liệu y tế cao cấp trong một công ty tin sinh học tập nghiên cứu ung thư.

Trong khi đó, Shaila Irfan, 32 tuổi, giáo viên tại một trong những chuỗi trường trung học tiếng Anh lớn nhất New Delhi, cũng được hỏi rằng đội khăn trùm đầu có thực sự cần thiết không.

Irfan kể lại: "Họ lịch sự yêu cầu tôi bỏ khăn trùm đầu vì học sinh và giáo viên không thoải mái với nó". Tuy nhiên, cô lựa chọn nghỉ việc và bắt đầu tìm việc mới. Khi tham gia phỏng vấn, Irfan vẫn được hỏi có thể bỏ khăn trùm đầu không. Cô không được tuyển dụng vì từ chối thực hiện điều đó.

Thành kiến trong tuyển dụng

Một nghiên cứu được công bố vào tháng 6 bởi LedBy Foundation đã chỉ ra sự phân biệt đối xử và thành kiến đối với phụ nữ Hồi giáo trong quá trình tuyển dụng cho các công việc thuộc nhiều lĩnh vực.

Nghiên cứu nhấn mạnh thành kiến tuyển dụng thái quá đối với phụ nữ Hồi giáo ngay cả khi họ có đủ trình độ cho công việc. Tổ chức LedBy đã tạo hai bản lý lịch có trình độ như nhau, khác biệt duy nhất là tên và tôn giáo: Habiba Ali theo đạo Hồi và Priyanka Sharma theo đạo Hindu.

Trong hơn 10 tháng, hồ sơ theo đạo Hindu nhận được 208 phản hồi, trong khi hồ sơ theo đạo Hồi chỉ nhận được 103. Các nhà tuyển dụng tỏ ra thân thiện hơn với ứng viên đạo Hindu. Hơn 41% nhà tuyển dụng liên lạc với Sharma qua các cuộc gọi điện thoại, trong khi chỉ 12,6% làm như vậy với Ali.

Nghiên cứu tương tự "Trở thành người Hồi giáo tại nơi làm việc" của tập thể nữ quyền Parcham có trụ sở tại Mumbai, cho thấy ngay cả ở các thành phố đô thị như New Delhi và Mumbai, người Hồi giáo vẫn tiếp tục phải đối mặt với định kiến trong nhiều lĩnh vực. "Nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận những cách khác nhau mà phân biệt đối xử loại trừ người Hồi giáo khỏi lực lượng lao động. Phụ nữ bị thiệt thòi nhiều hơn".

Năm 2018, Sabah Khan, 28 tuổi đến từ thành phố Lucknow ở bang Uttar Pradesh (miền bắc Ấn Độ), ứng tuyển vị trí nhân sự tại một số công ty ở New Delhi sau khi có kinh nghiệm làm việc ba năm. Một công ty truyền thông hàng đầu của Ấn Độ ở ngoại ô New Delhi đã mời cô đến phỏng vấn với giám đốc nhân sự.

Khan không đội khăn trùm đầu, và được người phỏng vấn nhận xét không giống một người Hồi giáo. Cô phớt lờ điều đó và quyết định tập trung vào cuộc phỏng vấn, nhưng câu hỏi tiếp theo là liệu gia đình có cho phép cô đi làm hay không. "Tôi đã mong chờ bà ấy nói về công việc của tôi", Khan nói và lưu ý rằng lúc đó cô đã biết mình không được chọn.

Nguồn: www.aljazeera.com

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.