Theo các chuyên gia, hiện chưa có thiết bị kiểm tra nhanh nào có thể phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu và kim loại nặng trong thực phẩm. Ảnh minh họa.
Trong khi đó, các loại kit test kiểm tra nhanh những loại thực phẩm cũng được các nhà phân phối đưa ra thị trường với rất nhiều lựa chọn, giá dao động từ 370.000 đến 670.000 đồng/bộ. Theo đó, bộ test kiểm tra nhanh dư lượng thuốc trừ sâu trong hoa quả có giá 620.000 đồng/hộp 10 test; kiểm tra nhanh hàn the giá 399.000 đồng/hộp 50 test; kiểm tra nhanh formol giá 445.000 đồng/hộp 20 test; kiểm tra nhanh nitrat giá 440.000 đồng/hộp 20 test; kiểm tra methanol trong rượu giá 470.000 đồng/hộp 10 test; kiểm tra chất bảo quản giá 410.000 đồng/hộp 20 test; kiểm tra phẩm màu trong thực phẩm, giá 550.000 đồng/hộp 20 test; kiểm tra chất tẩy trắng giá 370.000 đồng/hộp 20 test…
Ngoài ra, nhiều đơn vị phân phối còn bán nguyên bộ kiểm tra ATVSTP được chứa trong vali chuyên dụng, bao gồm tất cả các test và dụng cụ, giá dao động từ 10,3 đến 11 triệu đồng/bộ, tùy đơn vị phân phối.
2. Dù các nhà phân phối quảng cáo về công dụng và lợi ích của những sản phẩm này mang lại để có thể kiểm tra hầu hết các loại rau quả, thực phẩm, nhằm bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, tuy nhiên, không phải không có vấn đề nảy sinh. Chị Châu Thúy Dung, ngụ tại quận 3 (TPHCM), đã bỏ 4,5 triệu đồng ra để đầu tư cho sản phẩm máy đo ATVSTP với hy vọng có thể đặt niềm tin vào thiết bị này. Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng sử dụng, chị Dung chia sẻ: “Lúc đầu mua về, cả nhà ai cũng hào hứng, đi chợ hoặc mua trái cây ngoài đường là mang máy ra đo, nhưng càng đo càng sợ, loại thực phẩm nào cũng vượt các thông số độc hại. Khẩu phần trong bữa ăn gia đình vì thế cũng “nghèo” dần, chỉ còn trung thành với một số thực phẩm. Nhiều khi nản không buồn lấy máy đo nữa”.
Chị Huỳnh Anh (Q.12, TPHCM) thì phân tích: “Ai cũng mong muốn được ăn và được sử dụng những thực phẩm an toàn, tuy nhiên việc bỏ ra vài trăm nghìn tới vài triệu đồng mua dụng cụ để thử mớ rau, con cá thì chỉ những gia đình có điều kiện mới làm được, còn những người là viên chức hoặc lao động như chúng tôi thì không có chi phí để làm những chuyện đó. Ngoài ra, nếu chưa biết thì nhắm mắt ăn đại, có thiết bị thử rồi, cái nào cũng “né”, chưa chết vì các chất độc hại trong thực phẩm thì cơ thể đã thiếu chất, suy kiệt”.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực ATVSTP, hiện chưa có thiết bị kiểm tra nhanh nào có thể phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu và kim loại nặng trong thực phẩm. Ngoài ra, nitrat thường có trong hầu hết loại thực phẩm và chỉ những mẫu có nitrat vượt quá ngưỡng mới nguy hại cho sức khỏe của người dùng, các thiết bị phát hiện nhanh độc chất (như các test kiểm tra nhanh, giấy phát hiện hàn the trong giò chả...) chỉ có ý nghĩa “gợi ý” về chất lượng, độ an toàn của thực phẩm. Muốn kiểm tra định lượng xem mức độ nguy hại như thế nào thì phải đến các phòng thí nghiệm.