Thư gửi mẹ từ tuyến đầu chống dịch Covid-19

27/09/2021 17:30

Nghe tin con gái xung phong ra tuyến đầu chống dịch tại bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19, mẹ tôi ngất lên ngất xuống, bởi lo con mảnh khảnh, lại xuất gia chay tịnh từ nhỏ, biết có đủ sức để đảm đương công việc không?


Nhà có hai anh em, đều xuất gia từ nhỏ. Tôi được nuôi dưỡng trong môi trường Học viện nên theo chí nguyện Thầy tổ, chuyên tâm nghiên cứu Kinh điển, làm người đưa đò kế tục tâm nguyện giáo dục, nuôi dưỡng tâm Bồ đề cho thế hệ mai sau. Em tôi xuất gia theo Sư bà Bảo Thắng học châm cứu, kế tục sứ mệnh cứu đời. Sau em tôi học thêm Tây y, ngõ hầu tiếp cận nhiều phương pháp hiện đại, chuyên sâu về chữa bệnh thân thể.

Em tôi thường nói: “Con gái giống Ba, con trai học Mẹ”. Mà cũng đúng, ba tôi là bác sĩ giỏi đang tham gia tuyến đầu chống dịch, em rất muốn đi theo con đường phụng sự giống Ba. Mẹ thì chăm lo mái ấm gia đình, giữ gìn nề nếp gia phong và làm cô giáo trường làng.

Nay em gái học theo chí nguyện của ba, mẹ vừa mừng vừa lo. Mừng con gái nối gót chân ba, xung phong theo tiếng gọi của đất nước, nhưng lo con “đi tu đã khổ rồi, lại còn gánh thêm nỗi vất vả trên vai”. Nhưng mà, “Con học theo tâm nguyện của ba, xung phong đi vào đời khi đất nước cần, Mẹ ạ! Phật luôn có trong con. Con gái kiên cường, lại rèn luyện từ nhỏ trong chốn Không môn nên mẹ yên tâm nhé!” – mẹ khóc ngất mấy hôm em đi, luôn ngóng tin điện thoại xem sự tình thế nào, ngót cả tuần em mới trả lời, mà lại nhắn thế đấy.

Thư gửi mẹ từ tuyến đầu chống dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Em tâm sự: Mẹ ơi! trong này công việc gấp rút, con không có thời gian cầm điện thoại. Khi xong việc thì trời đã khuya, con lại phải sắp xếp chuẩn bị cho công việc những ngày tiếp theo, nên bây giờ mới nhắn được để mẹ yên lòng. Đến hôm nay, con mới thấu hiểu công việc ba từng làm mẹ ạ. Ba con thật anh hùng! Nhưng mà mẹ cũng anh hùng, vì không có mẹ là hậu phương vững chắc thì làm sao ba con dấn thân phụng sự được. Mẹ là nữ anh hùng của con! Mẹ biết không, người bệnh ở trong này thấy thương lắm! Không gian vắng lặng, chỉ có tiếng chạy của máy thở. Dẫu xung quanh có nhiều người chăm sóc nhưng họ rất cô đơn khi đối diện giữa sinh và tử. Người ta có ai được học để đối diện cái chết đâu, dẫu cái chết luôn tồn tại trong mỗi phút giây cuộc sống. Sinh và tử như hai mặt của một bàn tay, bên này là sinh, mặt kia là tử. Hơi thở dài – ngắn của kiếp người thật mong manh. Một hơi hít vào mà không thở ra là xem như về với “quê ngoại”.

Con cùng quý Sư cô khác có mặt ở đây, vừa phụ chăm sóc bệnh về thân nhưng cũng liên quan đến tinh thần, họ đang cần chúng con mẹ ạ. Con vừa chăm sóc vừa niệm Phật, nhiều bệnh nhân cũng niệm theo. Nhiều khi con nghĩ, chỉ cần mình có mặt thôi cũng có thể giúp bệnh nhân vơi đi bao nỗi khổ vì sợ hãi. Trong con luôn luôn văng vẳng lời khấn nguyện với Bồ tát Phổ Hiền mà hôm đăng ký đi tình nguyện con đã khấn trước Tam bảo: “Chúng con xin học theo hạnh nguyện của Bồ tát, đem ánh mắt và trái tim vị tha đi vào cuộc sống. Chúng con xin nguyện buổi sáng dâng niềm vui, buổi chiều giúp cho người bớt khổ. Chúng con biết hạnh phúc của người chính là hạnh phúc của mình, và nguyện thực hiện niềm vui trên con đường phụng sự. Chúng con biết mỗi lời nói, mỗi ánh nhìn, mỗi cử chỉ và nụ cười đều có thể đem lại hạnh phúc cho người…”.

Thư gửi mẹ từ tuyến đầu chống dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Xúc động phút sẻ chia của lực lượng tuyến đầu chống dịch

Biết bao nhiêu người bệnh nặng, do có nhiều bệnh nền nguy hiểm nên không qua khỏi. Cuộc sống thật mỏng manh! Con mong nhiều người đang ở ngoài kia, có thể hiểu thấu những trường hợp này để sống tốt hơn. Mang khẩu trang nhẹ nhàng hơn máy thở; ở yên trong nhà sướng gấp ngàn lần nằm giữa “bãi tha ma”. Ở đây, người ta phải chiến đấu, giành giật từng giây phút sống. Nhiều người hối hận, biết thế này trước đây đã lo chăm sóc sức khỏe bản thân, nâng cao đề kháng, siêng tập thể dục. Chỉ vì ham cái vui trước mắt mà quên mất sự khổ lâu dài. Mải mê tham đắm vị ngọt đôi môi mà không nhận ra nỗi khổ địa ngục. Ham thích những lời ngọt ngào êm dịu để phải đánh mất chính mình, như con thiêu thân đâm đầu vào lửa. Cứ nghĩ mình còn trẻ nên hẹn tuổi già rồi học đạo. Ngờ đâu vô thường chợt đến tiếc nuối khôn nguôi. Hai tiếng “giá như” lại vang lên như điệp khúc giữa những tiếng thở dài.

Cuộc sống muôn hình vạn trạng. Nhiều người tưởng chừng như đã buông xuôi, thế mà lại hồi sinh như một phép lạ nhiệm mầu. Có người cố gắng né tránh bàn tay tử thần, làm mọi cách để sống thêm chút nữa, vậy mà cuối cùng cũng phải ra đi theo định nghiệp của mình. Con nghĩ, sinh tử là việc lớn, vô thường lắm điều hay. Sự đổi thay một kiếp người trong khoảnh khắc phút chốc. Lên hay xuống, vào hay ra thoảng như đám mây bay cuối trời. Bài học đối diện dịch bệnh, đối diện tử sinh mà con học hôm nay, sẽ là động lực cho chí nguyện tiếp bước Thầy tổ dấn thân vào cõi đời ngũ trược, lắm thứ bất bình, đầy rẫy trái ngang. Dẫu đôi vai con gầy yếu, nhưng chí nguyện lại kiên cường. Phía trước của con trùng trùng điệp điệp gian lao thử thách nhưng mẹ hãy an lòng, con gái mẹ sẽ vượt qua được chính mình, sẽ lập thân trên đôi chân vững chãi, nuôi dưỡng lý tưởng bằng hơi thở chánh niệm tinh chuyên.

Thư gửi mẹ từ tuyến đầu chống dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Lực lượng tuyến đầu thể hiện quyết tâm chống dịch

Mẹ ơi, mùa Vu lan năm nay con chưa thể về bên mẹ, ba cũng đang xa nhà. Mùa Vu lan tình người giữa đại dịch, tình của mẹ – hậu phương vững chắc, hy sinh cho Bb dấn thân tuyến đầu. Con luôn cầu nguyện cho ba mẹ được bình an, dịch bệnh sớm tiêu trừ. Con dẫu yếu ớt vẫn ở đây cùng ba và mọi người viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc, quyết tâm chiến thắng đại dịch, không lùi bước trước mọi gian nguy.

Đêm đã về khuya, có tiếng ai đó thở gấp giữa dòng đời tĩnh lặng, vài giọt mưa thu của ngày thất tịch rơi nhẹ bên thềm – ngày của trái tim yêu thương vừa bắt kịp nhịp thổn thức bên cầu ô thước, giữa dải ngân hà. Giữa khoảng không trống vắng ấy, vài chiếc lá rơi vội theo mưa. Hãy rơi thật nhẹ, lá nhé! Bệnh nhân của tôi vẫn đang còn thiêm thiếp. Tiếp đất rồi, sao lá phải chao nghiêng?

Mẹ ơi, dẫu dấn thân phụng sự, con vẫn không quên chí nguyện tu tập, không rời mỗi niệm tiến tu. Bây giờ đang trong mùa an cư thúc liễm thân tâm, trau dồi giới hạnh, con gái mẹ đã được dự vào hàng ngũ xuất gia, nên dấn thân vào đây lại càng phải giữ gìn hơn nữa. Những lời vàng ngọc của vua Trần Thái Tông trong “Phổ khuyến phát Bồ-đề tâm” dạy luôn canh cánh bên con:

Công danh cái thế, vô phi đại mộng nhất trường/ Phú quý kinh nhơn, nan miễn vô thường nhị tự. Tranh nhơn tranh ngã đáo để thành không/ Khoa hội khoa năng tất cánh phi thật. Nghĩa là, công danh cái thế, chẳng qua một giấc mộng dài. Phú quý kinh người, khó tránh "vô thường" hai chữ. Tranh nhân chấp ngã, rốt cuộc là không. Khoe giỏi khoe tài, rốt cùng chẳng thật.

Thư gửi mẹ từ tuyến đầu chống dịch Covid-19 - Ảnh 4.

Sáng mai, mặt trời nắng ấm bừng lên, cuộc sống sẽ chuyển sang trang tỉnh thức, nếp sống an lành sẽ trở về trên đất nước Việt Nam thân yêu này, con sẽ về thăm Mẹ, Mẹ hãy giữ gìn sức khỏe và yên tâm Mẹ nhé!

Thiển nghĩ, đời là gì giữa kiếp người mộng ảo?! Ta là ai giữa cuộc lữ muôn trùng?! Một tiếng chuông khuya vang lên giữa trường không tĩnh mịch, để thức tỉnh những ai đang còn ngái ngủ. Cái thinh lặng đi vào cõi hư vô mộng mị, ngàn năm sương khói.

Sáng mai, mặt trời nắng ấm bừng lên, cuộc sống sẽ chuyển sang trang tỉnh thức, nếp sống an lành sẽ trở về trên đất nước Việt Nam thân yêu này, con sẽ về thăm mẹ, mẹ giữ gìn sức khỏe và yên tâm mẹ nhé!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Phụ nữ là để yêu thương

Phụ nữ là để yêu thương

Không phải vì mùng 8/3 sắp đến mà bài viết này ra đời đâu. Vì Phụ Nữ Là Để Yêu Thương không phải và không thể chỉ là câu để nói mỗi dịp 8/3 hay 20/10. Tôi muốn chính chị em phải nhớ nằm lòng 6 chữ này và sử dụng nó.