Thu lợi nhờ hiệu ứng đám đông

19/01/2016 - 10:00
Trong kinh doanh, tâm lý đám đông đôi khi có thể giúp nhiều người có được thành công ngoài mong đợi.
THCK.jpg

Chỉ bằng vài dòng bình luận, những cái “like”, “share” và  “tâm lý đám đông” bạn sẽ thu hút một lượng khách lớn

Bạn mới mở 1 cửa hàng kinh doanh và chưa được nhiều người biết đến. Sự ế ẩm trong buổi đầu là điều dễ hiểu và cũng có thể chấp nhận được. Nhưng sau một vài năm mà “cái danh” của cửa hàng này vẫn  “chìm trong bóng tối” thì hẳn bạn sẽ phải lo sốt vó, vì đó là dấu hiệu rõ ràng của sự phá sản.

Nhưng rồi, một ngày nọ, bất ngờ có những vị khách lạ tìm đến, rồi họ kéo thêm bạn bè. Họ nói rằng, ở cửa hàng của bạn có một vài món hàng được một số người đánh giá rất cao. Chính vài người ban đầu ấy đã khiến cho cửa hàng của bạn thật sự “đổi đời” khi họ góp tiếng nói quan trọng thu hút một lượng khách hàng lớn. Chính những người ban đầu đã “lôi kéo” bạn bè bằng cách khiến họ tin rằng, đến cửa hàng của bạn và mua sản phẩm nào đó thì mới chứng tỏ sự “sành điệu”, hiểu biết, hay đơn giản là nó mang lại những mối lợi “không ai ngờ tới”…

Câu chuyện trên chỉ là tình huống giả định cho 1 trường hợp may mắn, khi 1 cơ sở kinh doanh bất ngờ được “nhận quà” từ “hiệu ứng đám đông” một cách ngẫu nhiên. Thực tế, các nhà kinh doanh đã biết cách tạo ra những “đám đông”, những tình huống để kích thích “tâm lý đám đông” nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình một cách hiệu quả.

Con người thường có xu hướng tin tưởng những người đi trước, cụ thể là những người đã sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó và có  đánh giá tốt về chúng. Những ý kiến này tuy xuất phát từ chủ quan nhưng lại tạo nên được sức ảnh hưởng nhất định tới số đông vốn đang e dè... Như vậy, chỉ bằng vài dòng bình luận, những cái “like” và “share” tưởng như bình thường, các thương hiệu hoàn toàn có thể tận dụng “tâm lý đám đông” để thu hút cho mình một lượng khách lớn.

Để làm được điều này, các nhãn hàng thường cố gắng truyền đạt tới những khách hàng tiềm năng rằng họ sẽ có được trải nghiệm tuyệt vời giống như những vị khách trước đó chia sẻ, coi đó như bằng chứng thuyết phục nhất để gây ra “hiệu ứng đám đông”.

Việc “tạo ra” những lời khen với thứ “ngôn ngữ có cánh” để “chiêu dụ” khách hàng là cách thức khá phổ biến, nhưng càng ngày càng cho thấy khả năng thuyết phục không còn cao như dăm bảy năm trước. Thậm chí có không ít trường hợp, những lời “khen quá đà” cho một sản phẩm, dịch vụ nào đó sẽ trở nên phản tác dụng khi bị phát giác là do chính nhà kinh doanh “đạo diễn” hay “mớm lời”.

Hiện giờ, hầu hết các nhà kinh doanh vẫn kêu gọi khách hàng phản hồi càng nhiều càng tốt, nhưng họ không cần kiểm soát nội dung phản hồi, để mọi người khen chê thoải mái. Nhiều chuyên gia marketing cho rằng, dù chê hay khen, cứ được khách hàng phản hồi nhiều thì đã là có lợi lắm rồi. Vì như vậy nghĩa là có nhiều người đã biết đến sản phẩm, dịch vụ của mình. Bên cạnh đó, những phản hồi “tiêu cực” còn có thể là “gợi ý” hay để nhà kinh doanh có ý tưởng mới nhằm cải tiến sản phẩm, dịch vụ ngày một hoàn hảo hơn.

Bên cạnh đó, cũng có một số nhà kinh doanh “phản ứng” trước những ý kiến chê bai của khách hàng một cách khôn khéo. Thậm chí họ còn cố tình làm lớn chuyện lên, thu hút sự chú ý của dư luận, rồi sau đó giải quyết theo hướng là một sự… hiểu lầm, nhưng vẫn tỏ ra thiện chí khi xin lỗi và đền bù cho người tiêu dùng. Nhờ đó mà thương hiệu càng trở nên nổi tiếng khi “được lòng” đám đông ngoài cuộc.

Vài năm gần đây, việc sử dụng mạng xã hội để tạo “hiệu ứng đám đông” nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh là rất phổ biến. Nhiều thương hiệu đã chú trọng kết nối giữa mạng xã hội với website chính thức bằng việc “update” thường xuyên những ý kiến của khách hàng, không những khiến họ tin tưởng bạn hơn mà còn cảm thấy mình được tôn trọng, tạo nên sự gần gũi giữa người dùng và thương hiệu. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm