Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo một số bộ, ngành và 13 tỉnh, thành phố.
Trước đó, trong buổi sáng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi thị sát, kiểm tra việc thi công, triển khai dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận; thị sát điểm sạt lở tại xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.
Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng nêu rõ, biến đổi khí hậu diễn ra phức tạp, nhanh, trên phạm vi toàn quốc, đe dọa sự phát triển của đất nước, nhất là vùng ĐBSCL, vựa lúa, vựa trái cây, khu vực sản xuất thủy sản lớn nhất của cả nước.
Đảng, Nhà nước làm hết sức mình để ĐBSCL phát triển. Vì thế, thời gian qua, Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư đặc biệt đến phát triển ĐBSCL, nhất là bố trí các nguồn lực xử lý sạt lở bờ biển, bờ sông. Tuy vậy, tình hình sạt lở trên diện rộng gây thiệt hại rất lớn ĐBSCL, nhiều tỉnh gặp khó khăn, nhân dân lo lắng.
Trước tình hình trên, Thủ tướng đề nghị trước hết cần tuyên truyền, vận động nhân dân, làm sao khắc phục được những phong tục, tập tục dễ bị tác động bởi biến đổi khí hậu, nhất là xây dựng nhà cửa sát sông, biển.
Cần đánh giá tổng thể, căn cơ trên cơ sở quy hoạch ĐBSCL, hiện được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng. “Từ đó chúng ta áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ trong xử lý vấn đề sạt lở ĐBSCL chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn, đừng để tình trạng làm trước hỏng sau”, Thủ tướng nói. “Đoạn nào phải rời dân cấp bách, đoạn nào làm đê mềm để làm sao trồng rừng, chỗ nào kè cứng, làm sao giảm thiểu khai thác cát các dòng sông, đặc biệt quy hoạch lại dân cư chủ động rồi làm sao tăng cường các biện pháp dự báo”.
Cần phối hợp, huy động các nhà khoa học cả trong và ngoài nghiên cứu, đề xuất giải pháp bảo vệ bờ biển. Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức nghiên cứu một số đề tài đối với vùng bờ biển ĐBSCL.
Về vấn đề kinh phí, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ giải quyết hoặc kiến nghị với Quốc hội giải quyết đủ vốn cho vấn đề sạt lở bờ biển, bờ sông với số vốn hơn 3.000 tỷ đồng trong 2 năm (năm 2019, 2020) để cùng với số vốn đã giải quyết nhưng chưa giải ngân xong để hỗ trợ ĐBSCL. Hiện nay đa phần các địa phương chưa giải ngân hết các khoản vốn được giao.
“Trước tính mạng và tài sản của nhân dân, chúng ta phải quyết tâm hỗ trợ bằng được, bảo đảm nguồn vốn cần thiết cho ĐBSCL”, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan sớm đề xuất với Thủ tướng về việc bố trí nguồn vốn trên. “Đây là quyết sách trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với ĐBSCL một lần nữa mặc dù trước đó đã cung ứng một lượng vốn rất lớn cho khu vực này nhưng tình hình vẫn rất nghiêm trọng. Các đồng chí nói với tôi tại hội nghị rằng nếu đủ số tiền này thì cơ bản sạt lở bờ biển, bờ sông ở ĐBSCL được giải quyết cơ bản, Thủ tướng đồng ý nguồn này để giải quyết dứt điểm”.
Thủ tướng lưu ý, phải sử dụng nguồn vốn hiệu quả nhất, chống thất thoát, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Về dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh thi công với quyết tâm cao để đến 31/12/2020 thông xe toàn tuyến và đến 30/4/2021 khánh thành, bảo đảm chất lượng, tránh tình trạng “làm trước hỏng sau” vì vùng này có nền đất mềm. Còn cầu Mỹ Thuận 2 thì khởi công vào tháng 3/2020.
Về vụ Đông Xuân 2019 - 2020, Thủ tướng đồng ý quan điểm là phải chủ động hơn, không chủ quan khi dự báo khả năng hạn mặn thấp hơn năm 2016. Cần tính toán diện tích lúa để chuyển sang các loại cây khác phù hợp, chuẩn bị kế hoạch rất cụ thể về khoa học công nghệ để ứng phó với tình hình hiện nay, nhất là giống. Để đảm bảo vụ Đông Xuân Thắng lợi, đặc biệt là đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân, Thủ tướng đồng ý với đề nghị Bộ NN&PTNT về việc tổ chức hội nghị chuyên đề về các nội dung này do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chủ trì cùng với các địa phương, các ngành.
Cho biết vừa được nghe Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về số liệu thống kê tình hình kinh tế - xã hội cả nước tháng 9, Thủ tướng chia sẻ, các chỉ số rất tốt, trong đó tình hình các tỉnh ĐBSCL cũng rất tốt trong bối cảnh biến đổi khí hậu; mong muốn ĐBSCL tiếp tục phát huy tinh thần, ý chí kiên cường phòng chống thiên tai, bão lũ, để tiếp tục phát triển mạnh mẽ.