Thương bệnh nhân, nữ tình nguyện viên quay lại tuyến đầu tiếp tục chống dịch

07/09/2021 17:47
Tình nguyện viên Bùi Thị Ngọc Thanh đã quyết định tham gia đợt 2 hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện hồi hồi sức Covid-19 Thủ Đức, TPHCM

Tình nguyện viên Bùi Thị Ngọc Thanh đã quyết định tham gia đợt 2 hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện hồi hồi sức Covid-19 Thủ Đức, TPHCM

Chị Bùi Thị Ngọc Thanh (quận 8, TPHCM) là 1 trong số 160 tình nguyện viên tôn giáo tham gia hỗ trợ tại Bệnh viện hồi hồi sức Covid-19 Thủ Đức đợt 1. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ đợt 1, chị quyết định tham gia thêm một tháng nữa. Bởi chị tin rằng thêm một chút đóng góp sẽ có thêm bệnh nhân được chăm sóc tốt, dịch bệnh cũng mau chóng bị đẩy lùi.

Chị Ngọc Thanh là tình nguyện viên (TNV) Phật giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống dịch ngay từ đợt phát động đầu tiên. Chị cho biết, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, công việc của chị là quản lý nhà hàng cũng tạm ngưng để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Giữa lúc thành phố lâm nguy, chị tự nghĩ mình cần làm điều gì đó có ích cho xã hội, đóng góp chút sức lực nhỏ của bản thân cho đất nước. Khi thấy Ban Tôn giáo TPHCM tuyển TNV, chị không ngần ngại và quyết định đăng ký tham gia.

"Lúc đăng ký, tôi cũng hiểu rằng bản thân sẽ có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao, công việc thì chưa biết trước được như thế nào. Nhưng tôi vẫn lựa chọn tham gia vì hai chữ thiện nguyện", chị Thanh tâm sự.

Chị Thanh kể: Khi đến bệnh viện, các thành viên trong đoàn được phân đến nhiều khoa để làm việc. Chị Thanh được phân công làm tại khoa 9A. Khoa này ban đầu là khoa dành cho các bệnh nhân nhiễm bệnh nhẹ. Tuy nhiên do dịch ngày càng diễn biến phức tạp, về sau khoa này cũng là nơi có nhiều bệnh nhân nặng. Công việc của chị là hỗ trợ các bác sĩ và điều dưỡng trong việc làm vệ sinh trong khoa, phòng, thay ga giường, tã bỉm cho bệnh nhân, đút cho bệnh nhân ăn và uống nước...

Chị Thanh chia sẻ về những khó khăn trong thời gian đầu làm quen với công việc: "Thật sự là mình chưa từng làm việc như chăm sóc người già, người bệnh, thay tã bỉm. Làm trong tình trạng phải mặc thêm bộ đồ bảo hộ kín mít, đeo rất nhiều lớp găng tay nên rất khó chịu. Nhớ những lúc lau sàn, lau được một tí thì mồ hôi ra ướt sũng cả áo bên trong. Mình lại bị cận thị phải mang mắt kính, mồ hôi đã làm mờ kính, làm nhòe luôn cả cái tấm chắn che bên ngoài nên nhìn cái gì cũng thấy nhòe nhòe. Những ngày đầu thực sự khó khăn nhưng dần dà mình cũng thích nghi và làm quen dần mọi công việc. Bây giờ, mình đã thành thạo là đằng khác".

Công việc tình nguyện đã cho chị nhiều kỷ niệm đáng trân trọng, chị còn nói đùa với chúng tôi rằng: "Sau này về già còn có cái kể cho mọi người nghe về tuổi trẻ cũng đã từng tham gia chống dịch".

Thương bệnh nhân, nữ tình nguyện viên quay lại tuyến đầu tiếp tục chống dịch - Ảnh 1.

Chị Ngọc Thanh là tình nguyện viên Phật giáo tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống dịch ngay từ đợt phát động đầu tiên

"Kỉ niệm thì rất nhiều nhưng nhớ nhất và xúc động nhất là lúc chào lên tạm biệt một cụ bà tầm khoảng 70 tuổi. Vì lớn tuổi nên bà cần được chăm sóc nhiều hơn những bệnh nhân khác. Mỗi ngày cứ đến ca trực là mình đến thăm bà đầu tiên, tranh thủ cho bà ăn cơm hoặc đút chút cháo để bà kịp tiêm thuốc. Lúc chuẩn bị hoàn thành đợt 1, mình lên chào bà để về thì bà lấy tay dụi mắt khóc, thế là 2 bà cháu khóc luôn. Đến ngày 30/8 sau khi đăng ký tiếp tục tham gia đợt 2 thì nghe tin bà đã mất. Lúc đó mình rất buồn giống như mất đi một người thân trong gia đình", chị Thanh xúc động cho biết.

Sau khi trở về vài ngày thì chị Thanh tiếp tục đăng ký quay trở lại bệnh viện để tiếp tục công việc trước đây. Chị cho hay: "Khi về nhà và tự cách li tại nhà trong phòng với 4 bức tường. Mình đã suy nghĩ rất nhiều về những anh chị em TNV mới quen, các anh chị em đã cùng đồng hành trong tháng qua, những bệnh nhân mà bấy lâu nay mình hỗ trợ. Trong lòng tôi còn nhiều lưu luyến nên đã quyết định đăng ký tham gia trở lại".

Giờ đây, sau khi quay lại bệnh viện để tiếp tục phụng sự, chị Thanh làm công việc nhập liệu bệnh nhân tại khoa Cấp cứu ICU1A, đó là khâu tiếp nhận bệnh nhân. Tuy không còn được phục vụ chăm sóc bệnh nhân ở khoa cũ nhưng chị vẫn cảm thấy vui vì có thể lên xuống thăm họ khi rảnh rỗi.

"Làm việc ở mỗi khoa có những niềm vui khác nhau nhưng niềm vui và hạnh phúc thật sự là được cống hiến, dù là nơi nguy hiểm. Có thể giúp đỡ được những bệnh nhân bớt cảm thấy cô đơn giữa lúc bệnh tật, vực dậy tinh thần cho họ là niềm hạnh phúc chung của các TNV tôn giáo", chị Thanh bộc bạch.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn