Tín đồ Thần đạo và Phật giáo chính thống ở Nhật Bản đang sụt giảm đáng kể

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Một khảo sát được thực hiện mới đây cho thấy, so với 20 hoặc 30 năm trước, số lượng tín đồ của Thần đạo và Phật giáo chính thống ở Nhật Bản đang sụt giảm đáng kể.

Tôn giáo thường xuyên xuất hiện trên các bản tin kể từ khi cựu Thủ tướng Shinzo Abe bị bắn vào ngày 8/7. Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát của tạp chí Weekly Playboy, tôn giáo dường như không phải là một chủ đề thu hút ở Nhật Bản. Cuộc khảo sát tiến hành trên toàn quốc với số lượng 1.000 nam và nữ trong 5 độ tuổi: 20-29, 30-39, 40-49, 50-59 và 60-69 tuổi.

Các tôn giáo phổ biến nhất ở Nhật Bản là Thần đạo, Phật giáo và Thiên chúa giáo. Theo ấn bản gần đây nhất của Niên giám về Tôn giáo do Cơ quan Các vấn đề Văn hóa ban hành, tính đến tháng 12/2020, số người theo hoặc có liên hệ với Thần đạo là 82.670.000, với Phật giáo là 47.170.000, với Thiên chúa giáo là 930,000 và các tôn giáo khác là 4.250.000.

Theo tài liệu chính thức năm 2021 của Bộ Nội vụ và Truyền thông, 48,1% cư dân ở Nhật Bản tự coi mình là người theo Thần đạo và 46,5% theo đạo Phật. Chỉ có 1,05% người theo đạo Thiên Chúa, và 4,3% còn lại bao gồm các tôn giáo khác.

Tuy nhiên, báo cáo của Cơ quan Văn hóa cũng lưu ý rằng so với 20 hoặc 30 năm trước, số lượng tín đồ của Thần đạo và Phật giáo chính thống sụt giảm đáng kể, có thể nói là "xa rời tôn giáo".

Với câu hỏi "Bạn có thuộc tôn giáo cụ thể nào không?", ngoài 68,2% cho biết không có tôn giáo, điều đáng chú ý là 79,8% trả lời một cách tiêu cực hoặc "không biết". Trong số những người theo tôn giáo, 11,8% theo đạo Phật, 2,2% theo đạo Cơ đốc, 1,5% theo Thần đạo và 1,6% theo tôn giáo khác.

Khi được hỏi "Tôn giáo đóng vai trò gì trong cuộc sống của bạn?", trong số 318 người thuộc nhóm theo tôn giáo, 17,6% cho rằng nó mối quan hệ mật thiết và quan trọng, 23,9% tin rằng tôn giáo là điều mà thế giới cần, 26,4% nói rằng tôn giáo không quan trọng lắm với họ, 17,6% cho biết có ấn tượng không tốt về tôn giáo và 14,5% không quan tâm đến tôn giáo. Trong số 682 người không theo tôn giáo, 48,4% nói rằng họ không quan tâm, 24% cho biết có ấn tượng không tốt; 20% nói theo hay không theo tôn giáo đều được và 6,3% cho biết thế giới cần tôn giáo.

Hiromi Shimada, một người có thẩm quyền nổi tiếng về tôn giáo, nhận định: "Trong thời kỳ bong bóng kinh tế, cái gọi là ‘phong trào tôn giáo mới’ được ẩn giấu khi không giả định các khía cạnh truyền thống của tôn giáo, mà thu hút tín đồ thông qua những điều như hội thảo hoặc các kênh tự cải thiện bản thân. Những điều này có lợi thế cho nguồn thu tài chính, nhờ nền kinh tế phát triển quá nóng và nhiều người trẻ đến Tokyo từ vùng nông thôn được nhắm mục tiêu".

Câu hỏi tiếp theo "Ở những địa điểm như nơi làm việc hoặc nhà hàng, nếu một người không thân thiết với bạn nêu lên chủ đề tôn giáo, bạn có khó chịu hoặc không đồng tình không?". Về điều này, 34% người được hỏi cho biết cảm thấy khó chịu đáng kể, 27,2% khó chịu ở một mức độ nào đó, 17,7% khó chịu không nhiều và 21,1% không khó chịu.

Khi xét đến độ tuổi trong 5 nhóm của khảo sát, nhìn chung, có khoảng cách lớn về thế hệ tồn tại trong các câu trả lời. Ví dụ, khi so sánh câu trả lời ở trên của những người ở độ tuổi 20 và 50, những người trung niên ít khoan dung hơn với tôn giáo, với 68,5% người nói rằng họ cảm thấy khó chịu rõ rệt hoặc ở một mức độ nào đó, so với 49% những người ở độ tuổi 20.

Chỉ 25% trong tổng số người được hỏi cho biết họ từng bị người khác thuyết phục cải đạo ở trường học, nơi làm việc, bởi bạn bè hoặc các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, tỷ lệ lại tăng dần ở các độ tuổi, từ 15% đối với những người ở độ tuổi 20 lên 36,5% đối với những người ở độ tuổi 60.

Câu hỏi tiếp theo "Ai trong gia đình, bạn bè và người quen của bạn biết bạn có theo tôn giáo hoặc có niềm tin tín ngưỡng?". Các câu trả lời, theo thứ tự giảm dần, là thành viên trong gia đình và họ hàng với 37,6%, những người có cùng đức tin với 12,3%, bạn bè và người quen với 10%, đồng nghiệp và sếp với 7,5%, người yêu với 4,5%, những đối tượng khác khác với 2,5% và số câu trả lời nhiều nhất là không có ai cả ở mức 42%.

"Tỷ lệ người trẻ theo tôn giáo ở Nhật Bản thấp phản ánh xu hướng chung với các nền kinh tế tiên tiến khác, chẳng hạn như châu Âu, nơi Cơ đốc giáo đang suy giảm trong tổng thể và ở Mỹ, nơi số lượng người theo đạo cũng đang giảm dần. Với tốc độ đô thị hóa lớn hơn dẫn đến sự suy giảm ý thức cộng đồng, tôn giáo cũng trở nên ít được quan tâm hơn".

Theo Shimada, với sự phổ biến rộng rãi của các phương tiện truyền thông xã hội trong thời gian gần đây, thực trạng xã hội đã có những thay đổi đáng kể. Thế giới quan trọng đối với mọi người không phải là thế giới thực đang tồn tại trước mắt, mà là thế giới bên trong điện thoại thông minh, đó là điều đã trở thành hiện thực. Ông lưu ý: "Những điều đó tạo nên những thời điểm khó khăn với các tôn giáo truyền thống, về khả năng tập hợp một số lượng người nhất định có chung niềm tin".

Nguồn: japantoday.com

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn