Tình nguyện viên tôn giáo kể chuyện “chung lưng đấu cật” cùng tuyến đầu chống dịch Covid-19

29/09/2021 08:53
Các tình nguyên viên Phật giáo tỉnh Nam Định chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại tỉnh Long An. Ảnh: ĐH

Các tình nguyên viên Phật giáo tỉnh Nam Định chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại tỉnh Long An. Ảnh: ĐH

"Khi tham gia hỗ trợ tại bệnh viện điều trị Covid-19, niềm vui lớn nhất của mọi người trong khoa chúng tôi không cần đợi đến lúc bệnh nhân được xuất viện mà chỉ cần họ chuyển sang khoa nhẹ hơn. Trong thời gian làm tình nguyện, tôi cũng nhận được nhiều tình cảm từ mọi người trong bệnh viện, mọi người từ xa lạ trở thành thân thương như anh em", thầy Chung Chí Tâm, tu sĩ Công giáo tại Tu viện La San Đức Minh (Q3, TPHCM) bộc bạch.

Khi TPHCM và nhiều tỉnh, thành phía Nam bước vào giai đoạn "căng mình" chống dịch Covid-19 thì cũng là lúc nhiều tình nguyện viên tôn giáo xung phong ra tuyến đầu. Họ ngày đêm sát cánh cùng lực lượng tuyến đầu tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19. Dù việc lớn hay nhỏ, họ đều nhiệt tình tham gia, tất cả chung mục đích sớm đưa thành phố trở về trạng thái "bình thường mới".

Chăm sóc bệnh nhân như người thân

Riêng tại TPHCM, từ tháng 22/7 đến 28/9, thành phố đã tổ chức 7 đợt xuất quân tình nguyện viên (TNV) tôn giáo với gần 600 người tình nguyện vào hỗ trợ cho các bệnh viện điều trị Covid-19, bệnh viện dã chiến, thu dung trên địa bàn TPHCM. Họ là các chức sắc, chức việc, tăng ni, phật tử, tu sĩ, nữ tu Công giáo, tín đồ các tôn giáo ở TPHCM.

Các TNV đã được khám sức khỏe, xét nghiệm và tiêm ngừa vaccine cũng như được tập huấn các kiến thức cơ bản về y tế. Dù biết sẽ làm việc trong môi trường căng thẳng, nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh nhưng tinh thần của các TNV tôn giáo vẫn lạc quan với đức tin của mình.

TNV tôn giáo “chung lưng đấu cật” cùng tuyến đầu chống dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Công việc của các TNV tôn giáo tại các bệnh viện khá vất vả với nhiều đầu việc khác nhau như chăm sóc bệnh nhân, chăm sóc cảnh quan bệnh viện

TNV Phật giáo Nguyễn Thị Mến là sinh viên trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn. Cô đã tham gia ngay từ đợt 1và tiếp tục ở lại phục vụ thêm 1 tháng nữa. Mến cho biết: "Em là sinh viên năm cuối đang làm báo cáo tốt nghiệp nhưng vì dịch bệnh, nhà trường đã lùi thời gian nhận báo cáo. Vậy nên em lựa chọn đăng ký đi chống dịch. Ngay từ lúc em đăng ký đi thì đã xác định việc lây nhiễm bệnh là nguy cơ rất lớn. Nhưng em tin "ở hiền gặp lành", trời Phật sẽ phù hộ cho những người lương thiện".

"Ban đầu em nghĩ mình không có chuyên môn y tế, khi vào bệnh viện sẽ đi đưa cơm cho bệnh nhân, làm mấy việc lặt vặt. Nhưng sau đó, em tiếp nhận công việc chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19. Em cũng khá lo lắng không biết mình có làm được việc hay không. Các bác sĩ và các anh chị điều dưỡng hướng dẫn kỹ càng và em nhanh chóng bắt nhịp với công việc", Mến kể lại.

TNV tôn giáo “chung lưng đấu cật” cùng tuyến đầu chống dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Dù vất vả nhưng các TNV vẫn lạc quan, yêu đời

Công việc của các TNV tôn giáo tại các bệnh viện khá vất vả với nhiều đầu việc khác nhau như: Chăm sóc bệnh nhân, vệ sinh, thay tả bỉm, cho ăn, động viên tinh thần; chăm sóc cảnh quan bệnh viện, lau dọn, đổ rác. Họ còn làm công tác hỗ trợ bệnh nhân liên lạc với người thân.

Bác sĩ chuyên khoa II Vương Trọng Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 16 (TPHCM), cho biết: "Các TNV đã đi đến từng phòng bệnh chăm sóc bệnh nhân cũng như tắm rửa, vệ sinh cho những người không thể tự phục vụ được, chăm sóc cảnh quan của bệnh viện một cách nhiệt tình. Về mặt hành chính thì gọi là TNV nhưng trong công việc, các vị ấy giống như đồng nghiệp của chúng tôi. Các TNV đã nhanh chóng đi vào các tua trực, hòa mình vào công việc chung, không nề hà khó khăn".

Liều thuốc tinh thần

Qua 7 đợt xuất quân tại TPHCM, các TNV tôn giáo đã và đang tham gia một cách nhiệt tình và nhận được sự đánh giá cao tại các bệnh viện. Với vai trò đồng hành cùng ngành y tế, họ được ví như liều thuốc tinh thần động viên chia sẻ với các bệnh nhân đang điều trị Covid-19, đôi khi họ còn cầu nguyện cho những bệnh nhân tử vong khi không có người thân bên cạnh.

Còn tại nhiều địa phương khác, các TNV tôn giáo cũng sẵn sàng xông pha vào tuyến đầu. Nhiều chư tăng tại các địa phương phía Bắc cũng đã lên đường vào Nam hỗ trợ chống dịch.

TNV tôn giáo “chung lưng đấu cật” cùng tuyến đầu chống dịch Covid-19 - Ảnh 4.

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tặng quà cho các TNV tôn giáo tham gia chống dịch

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đánh giá cao tinh thần cống hiến, tận tụy và thiện nguyện, không nề hà gian khổ, hiểm nguy của các TNV tôn giáo: "TNV tôn giáo là lực lượng đặc biệt, sự an ủi cảm thông của họ rất cần thiết tại các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19. Họ là lực lượng khá quan trọng giúp cho các bệnh nhân giảm một phần đau đớn, dù có lúc họ không cứu được bệnh nhân nhưng cũng phần nào chia sẻ khó khăn, vất vả, cô đơn mà bệnh nhân đang trải qua".

"Các TNV tôn giáo còn góp phần giảm tải áp lực công việc cho lực lượng y tế trong công tác điều trị. Chúng tôi rất cảm động về tinh thần hăng hái, sẵn sàng cống hiến, nhiệt huyết của các TNV tôn giáo trong công tác chống dịch tại các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19. Chúng tôi tin tưởng rằng, sự chung tay của các TNV tôn giáo và sự đồng lòng của nhân dân, chúng ta sẽ vượt qua được đại dịch covid-19 này", bà Tô Thị Bích Châu chia sẻ.

TNV tôn giáo “chung lưng đấu cật” cùng tuyến đầu chống dịch Covid-19 - Ảnh 5.

TNV tôn giáo hỗ trợ bệnh viện dọn dẹp phòng bệnh

Thầy Chung Chí Tâm, tu sĩ Công giáo tại Tu Viện La San Đức Minh (Q3, TPHCM) bộc bạch: "Khi tham gia hỗ trợ tại bệnh viện điều trị Covid-19, niềm vui lớn nhất của mọi người trong khoa chúng tôi không cần đợi đến lúc bệnh nhân được xuất viện mà chỉ cần họ chuyển sang khoa nhẹ hơn. Bệnh nhân tiến triển tốt, qua cơn nguy kịch và phấn chấn tinh thần là niềm vui của chúng tôi. Trong thời gian làm TNV, bản thân tôi cũng nhận về rất nhiều tình cảm từ mọi người trong bệnh viện, mọi người từ xa lạ trở thành thân thương như anh em".

"Xin cám ơn tình yêu của đội ngũ y, bác sĩ đối với bệnh nhân, tình yêu và sự quý trọng của anh chị đối với chúng tôi. Xin Chúa chữa lành cho các anh chị nhân viên bệnh viện đã nhiễm bệnh, xin chữa lành cho tất cả các bệnh nhân, xin cho dịch bệnh chấm dứt để các y, bác sĩ và bệnh nhân được trở về cùng gia đình", thầy Chung Chí Tâm bộc bạch.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn