Nhiều người cho biết, nếu như vài tháng trước, mỗi tháng chỉ tốn khoảng 300.000 đồng để có thể nghe, gọi, nhắn tin, lướt web... một cách khá thoải mái, thì hiện giờ cũng với chừng đó “khối lượng công việc” thì khoản tiền phải chi phí đã lên tới trên 400.000 đồng. Một số người bạn có thói quen “tám” với bạn bè trên mạng xã hội hàng giờ mỗi ngày, đều nhất loạt “kêu trời” khi thấy khoản tiền để “nuôi dế” gần bằng khoản tiền để... ăn sáng.
Hỏi nguyên do, ai cũng “đổ thừa” tại “ông nhà mạng” mới tăng cước 3G. Thế nhưng, không mấy ai biết rõ mình đang sử dụng gói cước nào, phải chịu mức tăng cụ thể là bao nhiêu?
“Hồi trước mình dùng “thả ga” mà tiền phải trả chẳng đáng bao nhiêu, nghĩ rằng bây giờ họ có tăng chút đỉnh thì cũng chẳng đến nỗi nào, ai ngờ...”, Ngọc Thảo, nhân viên một ngân hàng ở quận 3, TPHCM bức xúc.
Còn Thanh Loan, bạn của Ngọc Thảo, sau một thời gian theo dõi sát sao mức trừ cước, thì... giật mình: “Hình như cứ mỗi phút bật 3G là mất tới mấy ngàn đồng. Không hiểu sao mà tiền trong tài khoản máy bị trừ nhiều như vậy?”.
Việc hạn chế sử dụng 3G ở mức hợp lý cũng là giải pháp tránh thâm hụt ngân quỹ cá nhân và gia đình. Ảnh: Theo Shutter Stock
Cả Thảo và Loan tháng qua đều bị hụt tiền xài vặt chỉ vì cái thú “tám” với bạn bè trên smartphone.
Đem câu chuyện trên hỏi một người bạn làm trong ngành viễn thông, anh cho biết, việc tăng cước 3G vừa qua về tổng thể thì tối đa tới 40%, nhưng không phải gói nào cũng bị tính theo mức giá mới này. Có những gói dịch vụ chỉ chịu mức tăng 10%-15%.
Thế nhưng, phần lớn người dùng 3G hiện sử dụng gói có mức tăng tối đa với các dịch vụ truyền và nhận hình ảnh, video, tập tin... bởi chủ yếu họ truy cập vào các mạng xã hội, nhu cầu chia sẻ cao.
Hiện cả nước có khoảng 19 triệu thuê bao sử dụng 3G, được mặc định là nhóm có “thu nhập cao”. Tuy nhiên, thực tế không hẳn như vậy.
Bởi smartphone hiện không còn là sản phẩm độc quyền của người giàu, mà rất nhiều người thu nhập trung bình và thấp cũng có thể mua được, khi trên thị trường có hàng trăm sản phẩm smartphone giá rẻ chỉ từ vài trăm đến trên 1 triệu đồng.
Chính vì quan điểm “tăng cước 3G chủ yếu là đánh vào nhà giàu”, nên những người không thuộc nhóm giàu, nhưng đã “lỡ” sử dụng smartphone cũng bị “vạ lây”.
Vì vậy, việc hạn chế sử dụng 3G ở mức hợp lý cũng là một trong những giải pháp nhằm tránh nguy cơ bị thâm hụt ngân quỹ cá nhân và gia đình. Hãy thường xuyên kiểm tra tài khoản và cân nhắc trước khi bật 3G – sự thận trọng này không bao giờ thừa!