TP HCM sốt thịt heo VietGAP

20/01/2016 - 10:38
Heo VietGAP đang chiếm lĩnh thị trường TP HCM vì thịt sạch nhưng giá bán như hàng thường, và thịt dư chưa bán hết sau 10h sáng sẽ thu hồi về xử lý.
1444362155-9.jpg

 Người tiêu dùng xếp hàng mua thịt heo VietGAP tại chợ Hòa Bình (Q.5, TPHCM)

Ra thị trường từ tháng 10 đến nay, giá bán thịt heo được nuôi và chứng nhận VietGAP (heo nuôi không sử dụng chất cấm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc từ trại nuôi đến người tiêu dùng) tương đương với giá thị trường. Hiện trên địa bàn TPHCM, ngoài điểm bán đầu tiên ở chợ Hòa Bình (Q.5), thịt heo sạch theo tiêu chuẩn VietGaP của Công ty TNHH dịch vụ An Hạ vừa mở rộng mạng lưới bán lẻ thêm 3 điểm tại chợ Bà Điểm (Hóc Môn), chợ Tân Định và cửa hàng của Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (đường Hai Bà Trưng, Q.1).

Thịt heo VietGAP được bán giá ưu đãi bằng thịt heo nuôi thông thường. Cụ thể, sườn non 125.000đ/kg; thịt vai, nách 70.000đ/kg; cốt-lết 80.000đ/kg; ba rọi 85.000đ/kg; chân giò 70.000-75.000đ/kg; mỡ 30.000đ/kg; đuôi heo 105.000đ/kg; lạp xưởng 155.000đ/kg… Theo đánh giá cảm quan, thịt heo tươi hồng tự nhiên, phần nạc không sát da. Khi mua, thịt heo được đựng các túi nylon có in chữ “VietGAP” để người tiêu dùng có thể nhận biết, so sánh.

Tại các chợ, thịt heo được bày bán từ 6 đến 10h sáng mỗi ngày, sau khoảng thời gian này nếu thịt còn dư không bán hết, thì công ty sẽ thu hồi về xử lý theo quy định. Chị Nguyễn Hoàng Ngọc Trâm, nhân viên bán hàng tại quầy thịt heo VietGAP, cho biết, mỗi ngày quầy này bán được khoảng 170 - 180kg thịt các loại và ngày sau cao hơn ngày trước.

Theo đó, các chợ bán heo VietGAP phải nâng cấp phù hợp, đồng bộ cả khu vực bán thịt. Tuy nhiên, do các quầy sạp trong chợ lại tương tự nhau về hình thức, kiểu dáng, một số tiểu thương lợi dụng sự “mập mờ” này khi bán nên không ít người tiêu dùng mua nhầm. Nguy cơ thịt bị trà trộn với thịt heo được nuôi thông thường rất cao. Ví dụ, sau giết mổ, cả tảng heo VietGAP sẽ được đóng dấu kiểm dịch có chữ VietGAP nhưng khi pha lóc, các dấu hiệu nhận biết sẽ không còn như ban đầu, khả năng bị trà trộn các loại thịt heo khác khá lớn. Vấn đề này, chính quyền, ban quản lý chợ nên vào cuộc, giải quyết thỏa đáng, cũng như thông tin rộng rãi cho người tiêu dùng biết các điểm bán thịt heo an toàn.

Bên cạnh đó, để giải quyết vấn đề trà trộn thịt heo, Công ty An Hạ (huyện Củ Chi) hướng đến việc cử nhân viên trực tiếp bán; đóng gói sẵn sản phẩm để phân phối cho người mua, đồng thời mở dịch vụ giao hàng tận nơi theo số điện thoại 0933.781.616 cho tất cả các quận, huyện trong TPHCM.

Theo một số người tiêu dùng, dù thường xuyên đi chợ và có mối quen ở các sạp thịt gần đó, nhưng khi biết có thêm quầy thịt heo VietGAP, họ đã chọn loại thịt này. Ông Minh (Q.3) cho biết: “Tôi thường mua thịt heo tại chợ gần nhà hoặc cửa hàng thực phẩm nên ít khi đến chợ. Đọc trên báo thấy chợ Hòa Bình có bán thịt heo VietGAP, đảm bảo an toàn từ trang trại đến bàn ăn nên tôi quyết định ra chợ mua thử, dù phải đợi từ 5h sáng”.

Với chị Tuyết Trang (Q.5): “Khi xem tivi, thấy có thông tin thịt heo được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, yên tâm và tin tưởng với chất lượng thịt heo này nên tôi mua về dùng. Tôi không quan tâm lắm đến giá cả, vì sức khỏe của mình và gia đình là trên hết. Với mức giá hiện nay, so với heo bình thường là rẻ rồi, nên sau này nếu giá có tăng thêm 5.000 đến 10.000đ/kg thì tôi vẫn sẵn sàng mua”.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm