TPHCM: Hội LHPN quận 11 tổ chức hội nghị chuyên đề “An cư kiết hạ trong hội viên phụ nữ có đạo, nữ tu”

10/08/2022 20:02

Ngày 10/8, tại chùa Huê Lâm, Hội LHPN quận 11, TPHCM, tổ chức hội nghị chuyên đề “An cư kiết hạ trong hội viên phụ nữ có đạo, nữ tu năm 2022”.

Tại đây, Ni sư Thích Nữ Như Ngọc - Giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam đã trình bày nội dung "Áp dụng lời Phật dạy để được hạnh phúc trong đời sống hằng ngày", giúp hội viên phụ nữ có đạo, nữ tu hiểu rõ hơn về thời gian An cư kiết hạ của tăng, ni, phật tử.

Trong đạo Phật, tăng chúng, ni chúng sau mỗi năm an cư kiết hạ sẽ được thêm một tuổi đạo "tuổi hạ lạp". Ba tháng an cư kiết hạ, tính từ rằm tháng 4 đến rằm tháng 7 (âm lịch), có ý nghĩa rất lớn đối với hàng xuất gia lẫn tại gia. Đó là thời điểm chư tăng, ni dành trọn thời gian cho việc tu học, thúc liễm thân tâm, trau dồi Giới - Định - Tuệ, đồng thời cũng là cơ hội cho hàng phật tử tại gia phát tâm gieo trồng ruộng phước thông qua việc cúng dường, ngoại hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tăng an cư tu học.

An cư kiết hạ cũng là hoạt động củng cố và duy trì nguồn nội lực sau những ngày tháng dấn thân phụng sự đạo pháp, phụng sự chúng sinh. Trong những tháng ngày cấm túc an cư, chư tăng ni chẳng những được bồi dưỡng, phát triển trình độ tu học Phật pháp, tăng trưởng công đức, giới hạnh, đạo lực, mà còn có dịp thực hành đời sống tập thể theo tinh thần lục hòa, có cơ hội trao đổi sẻ chia những kiến giải, kinh nghiệm tu hành, đồng thời thể hiện tình huynh đệ, tinh thần hòa hợp như nước với sữa.

Mùa an cư cũng có ý nghĩa thể hiện lòng từ bi không nỡ làm tổn hại chúng sinh, đồng thời tập trung việc hướng dẫn dạy dỗ tu học cho tăng ni. Nhờ các vị đạo cao đức trọng chỉ dạy trong ba tháng ròng rã, chư tăng, chư ni tu hành được tinh tấn và kết quả tốt.

TPHCM: Hội LHPN quận 11 tổ chức hội nghị chuyên đề “An cư kiết hạ trong hội viên phụ nữ có đạo, nữ tu” - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự hội nghị chuyên đề “An cư kiết hạ trong hội viên phụ nữ có đạo, nữ tu năm 2022”.

Theo Ni sư Thích Nữ Như Ngọc, trong cuộc sống phải sống cho trọn vẹn, dạy dỗ con cái, cống hiến hết sức để khi sang thế giới bên kia được vui vẻ, trọn vẹn. Phải sống sao để lúc mình sinh ra thì mọi người cười, và lúc chết đi thì mọi người khóc. Trong cuộc sống cũng đừng quá cầu toàn, phải chấp nhận theo quy luật.

Cũng Ni sư Thích Nữ Như Ngọc, lời của Phật dạy chỉ cho chúng ta những ngõ ngách trong cuộc đời. Phải cố gắng tu sửa bản thân để cuộc sống tốt hơn, hạnh phúc hơn; làm chủ, khắc chế được chính bản thân mình.

Trong khuôn khổ chương trình, BS.CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng và Thực phẩm TPHCM cũng đã chia sẻ truyền thông an toàn thực phẩm với chủ đề "Dinh dưỡng trong thực phẩm chay, cách chế biến, bảo quản an toàn thực phẩm". Qua đó, giúp cho các tăng ni, phật tử có thêm những kiến thức, phương pháp chăm sóc sức khỏe bản thân, cụ thể từ nguồn thực phẩm dinh dưỡng qua các bữa ăn hàng ngày; cách bảo quản thực phẩm chay an toàn, cách ăn đúng để nuôi dưỡng cơ thể.

TPHCM: Hội LHPN quận 11 tổ chức hội nghị chuyên đề “An cư kiết hạ trong hội viên phụ nữ có đạo, nữ tu” - Ảnh 3.

Đại diện Hội LHPN quận 11 nhận bảng tượng trưng số tiền từ các đơn vị trao nhằm chăm lo cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em mồ côi do dịch Covid-19.

Dịp này, Đại diện đoàn dâng hoa Hữu Thiện trao tặng số tiền 100 triệu đồng, đại diện Đặc san Hoa Đàm đã trao tặng số tiền 50 triệu đồng cho Hội LHPN quận 11 nhằm góp phần chăm lo cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em mồ côi do dịch Covid-19.

Theo Hội LHPN quận 11, chương trình góp phần nâng cao kiến thức về mọi mặt, rèn luyện phẩm chất đạo hạnh, rèn luyện sức khỏe, phong trào phù hợp với vai trò, vị trí và điều kiện phấn đấu của nữ tu; tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa tổ chức Hội phụ nữ và cơ sở tôn giáo, vận động nữ tu, nữ phật tử tham gia vào các hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo do Hội phát động.

Bên cạnh đó, tuyên truyền đến các tín đồ, người theo đạo tham gia cùng với chính quyền địa phương trong công tác phòng chống dịch Covid-19, phòng chống tệ nạn xã hội, đấu tranh chống các hiện mê tín dị đoan, phong tục tập quán lạc hậu và thực hành tiết kiệm trong các lễ hội tôn giáo; tích cực phát huy phong trào "Tự rèn luyện". Đồng thời tuyên truyền hướng dẫn an toàn thực phẩm, việc bảo quản, chế biến thực phẩm chay đảm bảo dinh dưỡng… góp phần thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn