Luôn mong muốn con đứng đầu lớp nên từ lúc 4 tuổi, chị Thủy đã bắt đầu dạy con học chữ, ghép vần và làm toán. Chị còn đầu tư cho con đi học Toán Ucmas suốt từ lúc 4 tuổi đến giờ.
Khỏi phải nói, khi vào lớp 1, bé Ken (con chị Thủy) tự tin thế nào. Bởi, trong khi các bạn mới bắt đầu học đánh vần thì em đã tự đọc truyện tranh, đọc sách khám phá thế giới động vật, đọc truyện thiếu nhi… Trong khi các bạn mới bắt đầu học những phép tính đầu tiên thì em đã nhoay nhoáy cộng nhẩm những phép tính hàng chục, hàng trăm.
Suốt năm lớp 1, lớp 2, khi các bạn ở lớp chậm rãi học theo đúng chương trình thì em luôn được mẹ dạy trước chương trình cả năm. Khi các bạn học xong sách lớp 1 thì em cũng hoàn thành chương trình lớp 2. Khi các bạn học hết lớp 2 thì em cũng dễ dàng làm hết bài tập của sách giáo khoa lớp 3. Chị Thủy quan niệm, con mình có đầu óc vượt trội thì cứ để con học chương trình riêng chứ không thể đợi học cùng các bạn.
Việc con học kiến thức trước khiến chị Thủy không lo lắng việc học ở trường của con. Con không được giáo viên quan tâm cũng chẳng sao bởi dù sao con cũng biết hết mọi thứ. Tuy nhiên, gần đây, chị nhận ra rằng việc cho con học chữ trước, dạy con trước các kiến thức trên lớp mang đến cho con những hậu quả không nhỏ.
Đó là ở lớp hầu như con không tập trung. Con không bao giờ giơ tay phát biểu xây dựng bài. Lý luận của con là, bài dễ ợt như thế thì giơ tay làm gì, lên bảng làm gì cho mất công.
Dù con học giỏi nhưng bài thi của con không bao giờ đạt điểm cao. Lý do là con từ chối làm bài dễ và chỉ làm những bài khó trong bài thi. Bố mẹ hay cô giáo nói thế nào thì con cũng kiên quyết không làm bài dễ. Con cho rằng, bài dễ chỉ dành cho trẻ con, cho những đứa học kém.
Hay mới đây, khi lọt vào vòng 3 cuộc thi Olympic cấp trường, con cũng không cho bố mẹ biết và chỉ “lầm lũi” mang huy chương về đưa cho bố mẹ. Mới học lớp 2 mà con đã tỏ ra quá cá tính khiến chị Thủy lo lắng. “Tôi ngỡ rằng việc dạy trước kiến thức cho con sẽ khiến con tự tin. Thế nhưng, điều tôi nhận thấy rõ nhất ở con là sự ngạo mạn và tính chủ quan. Chắc chắn rằng, với tính cách này, con sẽ không dễ hòa nhập được với tập thể, bạn bè. Với tính chủ quan, con sẽ coi thường mọi thứ và hậu quả sẽ không nhỏ trong việc học tập cũng như cuộc sống của con sau này. Hơn nữa, con luôn nghĩ con giỏi, con biết mọi thứ sẽ khiến con tự quyết định mọi việc mà không cần chia sẻ với bố mẹ. Điều đó thực sự đáng lo ngại bởi bố mẹ sẽ khó kiểm soát, khó biết con đang nghĩ gì, làm gì, đang gặp khó khăn gì”, chị Thủy chia sẻ.