Không cần đến tận các bản làng xa xôi, ở ngay Hà Nội, bạn cũng có thể tới xem và tự mình trải nghiệm nghệ thuật dệt của các dân tộc Mông (Quản Bạ, Hà Giang), Châu Mạ (Cát Tiên, Lâm Đồng), Thái (Kỳ Sơn, Nghệ An) tại Triển lãm “Nghệ thuật Dệt bản địa” đang diễn ra ở Viện Goethe (58-60 Nguyễn Thái Học).
Không cần đến tận các bản làng xa xôi, ở ngay Hà Nội, bạn cũng có thể tới xem và tự mình trải nghiệm nghệ thuật dệt của các dân tộc Mông (Quản Bạ, Hà Giang), Châu Mạ (Cát Tiên, Lâm Đồng), Thái (Kỳ Sơn, Nghệ An) tại Triển lãm "Nghệ thuật Dệt bản địa" đang diễn ra ở Viện Goethe (58-60 Nguyễn Thái Học).

Triển lãm "Nghệ thuật dệt bản địa" giúp người xem khám phá thêm về văn hóa dệt ở Việt Nam thông qua nghệ thuật dệt truyền thống của ba nhóm dân tộc thiểu số khác nhau đến từ Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ.

6 nghệ nhân đến từ nhóm dân tộc Mông (tỉnh Hà Giang), nhóm Thái (tỉnh Nghệ An) và nhóm Châu Mạ (tỉnh Lâm Đồng) trực tiếp có mặt tại triển lãm để giới thiệu về văn hóa dệt bản địa thông qua màn trình diễn nghệ thuật dệt vô cùng đặc sắc của họ.

3 phụ nữ trình diễn nghệ thuật dệt bản địa, lần lượt từ trái qua phải dân tộc Mông, Châu Mạ và Thái.

Mỗi nhóm có kỹ thuật dệt riêng được truyền qua nhiều thế hệ. Mỗi mảnh vải dệt thủ công tỉ mỉ đều có chức năng và biểu tượng riêng, mang trong mình văn hóa và tín ngưỡng của người làm ra sản phẩm. Đây là điều khiến sản phẩm dệt trở nên đẹp hơn, và khiến chúng trở thành những tác phẩm nghệ thuật thực sự.

Bà Lô Thị Mai, 54 tuổi (Bản Na, xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) chia sẻ, từ năm 13 tuổi bà đã học dệt từ bà và mẹ. Tạo hoa văn là khâu khó nhất trong cả quá trình dệt. Dù đa phần là dệt hoa văn truyền thống từ xưa truyền lại, nghĩa là đã quá quen thuộc với bà nhưng vẫn phải làm tỉ mẩn từng chút một. Vừa nói, bà Mai vừa chỉ khoảng 1cm hoa văn vừa được bà dệt trong một giờ đồng hồ. 

"Để dệt một cái chân váy mất khoảng 10 ngày, chưa kể thêu áo và khăn đội đầu mất thêm vài ngày nữa"- bà Lô Thị Mai chia sẻ. Bà cũng cho biết, "Ngày nay, chỉ có số ít giới trẻ học dệt, còn lại đa phần là thoát ly, làm những công việc khác".

Là người dân tộc Châu Mạ, chị Điểu Thị Khòn đến từ Buôn Go, Cát Tiên, Lâm Đồng chia sẻ với PV Báo PNVN, hoa văn trên tấm vải cũng là công đoạn mất nhiều thời gian và khó nhất. Để hoàn thiện một bộ trang phục truyền thống có khi phải mất tới cả tháng vì phải chăm chút vào từng chi tiết, hoa văn. 

"Trước dịch COVID-19, sản phẩm làm ra tiêu thụ tốt. Sản phẩm làm ra được CRAFT LINK tiêu thụ và qua các đại lý du lịch nhưng sau dịch vẫn bị ảnh hưởng nhiều, hàng bán không chạy"- chị Khòn chia sẻ. 

Triển lãm giới thiệu quá trình tạo nên một tấm vải lanh của đồng bào dân tộc Mông.

Phát biểu khai mạc triển lãm vào chiều 3/12, bà Trần Tuyết Lan, Giám đốc CTCP Doanh nghiệp Xã hội CRAFT LINK cho biết: Trong thế giới hiện đại, truyền thống dệt bản địa của Việt Nam phải vật lộn để tồn tại khi đối mặt với hàng dệt may do các nhà máy sản xuất với giá thành rẻ hơn. Chính vì điều này, kể từ khi thành lập CRAFT LINK đã luôn tiến hành các chương trình/dự án khác nhau ở các vùng miền của đất nước nhằm khuyến khích thế hệ trẻ nối tiếp truyền thống dệt lâu đời của mỗi dân tộc, đồng thời học cách sử dụng các mẫu hoa văn truyền thống cùng nguyên vật liệu độc đáo để thể hiện nền văn hóa đa dạng và giàu bản sắc của chúng ta.

"Chúng tôi rất vinh dự được làm việc với các nghệ nhân trên khắp Việt Nam và rất vui được chia sẻ với công chúng những điều chúng tôi đã tìm hiểu về truyền thống dệt. Chúng tôi cũng rất tự hào khi được giới thiệu sản phẩm dệt tuyệt đẹp của các nghệ nhân Việt Nam trên toàn thế giới. Hãy cùng tôn vinh di sản văn hóa của chúng ta và lưu giữ cho các thế hệ mai sau"- bà Trần Tuyết Lan nhấn mạnh.

Các sản phẩm độc đáo của phụ nữ dân tộc Mông (HTX Lùng Tám, Quản Bạ, Hà Giang) được trưng bày tại triển lãm.

Phụ nữ dân tộc tự tin biểu diễn bài hát của dân tộc mình và trao đổi với khách thăm quan.

Trải nghiệm nghệ thuật dệt của 3 nhóm dân tộc Mông, Châu Mạ và Thái ngay tại Hà Nội - Ảnh 5.

Ngay sau lễ khai mạc diễn ra vào chiều 3/12, triển lãm đã mở cửa để đón khách đến thăm quan. Triển lãm do CRAFT LINK và Viện GOETHE đồng tổ chức sẽ kéo dài đến 18h ngày 4/12/2022.

CRAFT LINK là một doanh nghiệp xã hội, được thành lập từ năm 1996, hoạt động với mục đích hỗ trợ các nhóm dân tộc thiểu số, các nhóm khuyết tật, nhóm làng nghề trong việc khôi phục truyền thống văn hóa, phát triển nghề thủ công truyền thống và tăng thêm thu nhập cho cộng đồng. CRAFT LINK hiện đang trợ giúp hơn 60 nhóm nghệ nhân ở khắp mọi miền của đất nước với số người hưởng lợi lên đến hơn 6.000 người. Các dự án của CRAFT LINK không chỉ giúp các nhóm phát triển sản xuất hàng thủ công nâng cao thu nhập, mà còn giúp họ nâng cao năng lực để có thể tự quản lý nhóm, tiến tới hoạt động bền vững.


Bảo Nguyên
03/12/2022 22:23