Trong những dịp lễ hội của bản làng, người Cơ Tu ở huyện biên giới Tây Giang, Quảng Nam, không chỉ mặc những trang phục thổ cẩm phổ biến mà còn diện những bộ trang phục rất độc đáo được làm từ vỏ cây rừng trông rất hoang sơ.

Trang phục vỏ cây của người Cơ Tu chứa đựng tinh thần đoàn kết, thương yêu

Trong những dịp lễ hội của bản làng, người Cơ Tu ở huyện biên giới Tây Giang, Quảng Nam, không chỉ mặc những trang phục thổ cẩm phổ biến mà còn diện những bộ trang phục rất độc đáo được làm từ vỏ cây rừng trông rất hoang sơ.
Trang phục vỏ cây của người Cơ Tu chứa đựng tinh thần đoàn kết, thương yêu - Ảnh 1.

Núi rừng Trường Sơn trên miền biên viễn.

Già làng Alăng Đàn (77 tuổi, trú tại xã A Nông, huyện Tây Giang) cho biết, vào thuở xa xưa, khi người Cơ Tu chưa biết đến cây bông và kỹ thuật dệt vải, họ phải vào rừng sâu tìm kiếm vỏ cây của các loại như t'cóng, t'dúi, amướt, tr'rang... (loại cây có nhiều mủ và vỏ dày) để tạo ra trang phục cho bản thân, gia đình và tặng cho người thân.

Trang phục vỏ cây của người Cơ Tu chứa đựng tinh thần đoàn kết, thương yêu - Ảnh 2.

Người Cơ Tu trình diễn trang phục bằng vỏ cây.

Người đàn ông Cơ Tu xưa kia được coi là tấm gương, lịch lãm không chỉ vì khả năng săn bắt, xây nhà, chạm khắc gỗ và làm nương rẫy, mà còn vì khả năng đan lát mây tre, chế tác nhạc cụ và biểu diễn, hát lý nói lý, cũng như việc tạo ra trang phục và trang sức từ vỏ cây rừng để tặng cho những người thân yêu.

Già làng Cơlâu Blao (80 tuổi, trú tại thôn Voòng, xã Tr’hy, huyện Tây Giang) được người cha truyền nghề và đã tạo ra những bộ y phục, trang phục của người Cơ Tu vô cùng đặc biệt. Trước đây, cái áo bằng vỏ cây do cha ông là Cơlâu Panh làm ra có thể trao đổi được một con heo 3 gang tay. Ông chia sẻ rằng áo này được làm từ vỏ cây pơlem, cây zilang và các loại cây khác trên rừng.

Mặc dù đã trải qua 80 mùa rẫy, đôi chân nhanh nhẹn như con sóc rừng để đi tìm nguyên liệu chế tác trang phục vỏ cây và đôi tay già Cơlâu Blao vẫn nhanh nhẹn… lột vỏ cây mang về gia công chế tác áo, khố, váy, mũ... Khi hoàn thành trang phục, già lưu giữ chúng trong không gian nhà hay đem tặng cho bà con, cán bộ văn hóa nếu có nhu cầu.

Già làng Cơlâu Blao cho hay, để làm được một chiếc áo bằng vỏ cây rất công phu. Đầu tiên, phải  vào rừng bóc vỏ cây. Người Cơ Tu không đốn hạ cả cây, mà chỉ dùng rựa "khứa" quanh thân cây hai vòng tròn trên và dưới để lột lấy vỏ cây. Sau đó, lấy cây hoặc đá đập dập cho vỏ mềm ra. Ở nhà, người trong gia đình nấu sẵn một thùng nước có thêm các loại lá thơm như lá quế, cây sả, củ riềng… để sau này mặc áo sẽ thơm và chống lại các côn trùng cắn phá…

Vỏ cây sau đó được ngâm trong nước khoảng 10 ngày để loại bỏ hoàn toàn mủ. Sau khi ngâm xong, vỏ cây được mang ra phơi sương và phơi nắng trong nhiều ngày đêm. Sau khi phơi khô, vỏ cây "hoàn thiện" được đặt vào một nơi khô ráo và sạch sẽ để bắt đầu quá trình khâu trang phục. Vỏ cây làm áo thường có màu ngà hoặc màu vàng rơm.

Thường thì áo được may theo kiểu cổ tròn và không có tay. Việc khâu áo chỉ sử dụng sợi mây rừng rất mảnh. Toàn bộ chiếc áo chỉ có hai đường khâu kín đáo ở hai bên nách. Bên trong chiếc áo có mặt láng do được mài nhẵn, trong khi bên ngoài có bề mặt sần sùi. Có các loại áo bằng vỏ cây dùng để mặc ấm trong mùa đông hoặc mặc mát trong mùa hè.

Ngoài ra, còn có loại áo dày hơn để chống lại nanh vuốt của các loài thú dữ hay tên độc từ phía đối thủ. Loại trang phục này được kết từ nhiều sợi vỏ cây, có đặc điểm mềm mại, rất bền, khó rách và phù hợp để mặc trong mùa đông lạnh giá. Ngoài ra, những tấm khố bằng vỏ cây, cũng được già Cơlâu Blao "dệt" từ vỏ cây rừng một cách tinh tế, trông giống như những tấm vải xô dày.

Người dân tộc Cơ Tu mặc áo vỏ cây. Một phụ nữ Cơ Tu mặc áo vỏ cây và múa za zá.

"Sau khi vỏ cây đã được phơi khô, chúng được cắt và khâu lại thành những chiếc áo, khố, váy và mũ phù hợp với kích cỡ của người mặc. Người Cơ Tu sử dụng dây gai và cây bhơ nương (một loại cây dẻo và chắc) làm chỉ khâu để chắp nối các mảnh vỏ cây. Đối với tấm vỏ cây lớn, họ có thể khoét lỗ làm cổ áo và gài các sợi dây ở mép áo để thắt lại thay vì sử dụng nút áo. Người thợ giỏi nhất cũng chỉ có thể làm được 2-3 bộ trong một ngày…"- già làng  Cơlâu Blao chia sẻ thêm.

Già làng Cơlâu Blao  còn cho biết, hiện nay chỉ còn một số ít người Cơ Tu biết cách làm áo bằng vỏ cây. Bởi vì công việc làm áo rất tỉ mỉ, từ việc lấy vỏ cây trong rừng đến công đoạn bóc vỏ và khâu áo, đó là một quá trình truyền tải tâm hồn của người làm áo đến chiếc áo, điều mà người Cơ Tu coi là niềm tự hào của dân tộc.

Trong các dịp lễ hội như Tết, lễ đâm trâu, mừng lúa mới, lễ kết nghĩa giữa hai làng anh em, những chiếc áo này được làng trẻ nam nữ mặc khi tham gia múa tung tung - một nét truyền thống của người Cơ Tu ở vùng cao Tây Giang. Hiện nay, một chiếc áo có giá từ 500.000 đến 1.000.000 đồng, và du khách thường mua về làm quà tặng cho người thân hoặc để kỷ niệm một chuyến đi khám phá vùng Trường Sơn đại ngàn.

Trang phục vỏ cây của người Cơ Tu chứa đựng tinh thần đoàn kết, thương yêu - Ảnh 4.

Cố nghệ nhân Alăng Avel mặc áo vỏ cây cùng bạn gái chơi đàn Abel.

Với đồng bào Cơ Tu, trang phục bằng vỏ cây không đơn thuần là để che thân mà còn chứa đựng rất nhiều giá trị văn hoá, phản ánh quá trình phát triển của cả tộc người. Nó còn phản ánh tinh thần đoàn kết, thương yêu giữa con người với con người, giữa con người với núi rừng, thiên nhiên cây cỏ.

Hiện nay, trang phục bằng vỏ cây của người Cơ Tu không được sử dụng phổ biến trong các hoạt động thường nhật nhưng trong tiềm thức của già Cơlâu Blao và những người yêu văn hoá vẫn luôn đau đáu bảo tồn và trao truyền kỹ thuật làm trang phục vỏ cây cho lớp trẻ trên miền biên viễn Tây Giang.


Tiên Sa
06/06/2023 09:32