Trẻ đổ bệnh vì thời tiết... đỏng đảnh

20/09/2016 - 22:08
Các tỉnh miền Bắc đang trong giai đoạn chuyển mùa, thời tiết hanh khô và nhiệt độ vẫn ở mức cao, khiến trẻ mắc các bệnh về hô hấp, tiêu chảy gia tăng.
PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi TƯ cho biết, từ đầu tháng 9 trở lại đây, tỷ lệ trẻ nhập viện vì viêm đường hô hấp, viêm phổi phổi nặng gia tăng đáng kể tại BV. Hiện BV có 135 trẻ điều trị nội trú vì viêm đường hô hấp, trong đó có tới 70 trẻ phải thở oxy. BV đã phải bố trí thêm các đơn nguyên để điều trị.

Trung bình mỗi ngày, BV Nhi TƯ tiếp nhận 2.500- 3.000 trẻ đến khám. Các bệnh trẻ thường mắc trong thời gian này là bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là viêm phổi ở trẻ nhỏ, tiêu hóa, sốt virus. Trong đó khoảng 15% là trẻ mắc các bệnh về hô hấp và viêm phổi. Đáng chú ý là những trẻ bị viêm đường hô hấp và viêm phổi đều diễn biến bệnh nặng hơn so với bình thường.
ho-hap.jpg
 Trẻ mắc bệnh về đường hô hấp khi thời tiết ciao mùa
Nguyên nhân là do đang vào giai đoạn thời tiết chuyển mùa, ngày nóng, sáng sớm và đêm se se lạnh. Kiểu thời tiết này khiến sức đề kháng của trẻ giảm, cộng thêm lượng vi khuẩn, virus trong không khí tăng lên khiến số trẻ mắc các bệnh hô hấp tăng trong thời gian gần đây.

Đừng tự làm bác sĩ
Cũng theo PGS.TS Trần Minh Điển, không ít phụ huynh khi thấy con sốt, ho, chảy mũi, liền hỏi bạn bè hoặc tự ra hiệu thuốc mua kháng sinh cho con uống. Việc mua kháng sinh dễ dàng, sử dụng tràn lan, không cần có đơn của bác sĩ… là một nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của một số loại vi khuẩn kháng hầu hết các loại kháng sinh hiện có.

Ở trẻ em Việt Nam, trong số các nguyên nhân gây sốt thì có tỷ lệ khá lớn là viêm đường hô hấp trên do virus, bao gồm: Viêm mũi họng cấp do virus, sốt virus, viêm tiểu phế quản do virus…
Các trường hợp này có thể trẻ sốt cao, ho, chảy nước mũi trong, có thể mệt mỏi khi sốt cao, nhưng khi dùng thuốc hạ sốt thì trẻ đỡ sốt và tỉnh táo, chơi ngoan như ngày thường. Sốt do nhiễm virus thường cao nhất vào ngày thứ 2, thứ 3, sau đó nhiệt độ giảm dần, cơn sốt thưa dần, trẻ bình phục và kháng sinh không có tác dụng. Xét nghiệm cho thấy các chỉ số cảnh báo nhiễm vi khuẩn đều thấp.

Mặt khác, cơ thể trẻ còn non nớt, chức năng các cơ quan như gan, thận còn chưa hoàn thiện, mà các thuốc sử dụng đều thải qua gan, thận, nên khi dùng nhiều loại thuốc thì có thể gây ảnh hưởng xấu, suy giảm chức năng các cơ quan này.

Do vậy, để chữa bệnh cho trẻ an toàn, tránh các tác dụng phụ, giảm chi phí điều trị… cha mẹ nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế, bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn về chăm sóc, theo dõi phát hiện dấu hiệu bệnh nặng, tình trạng nhiễm khuẩn và sử dụng thuốc hợp lý. Thời điểm giao mùa hiện nay cần chăm sóc trẻ cẩn thận, cho trẻ mặc không quá nóng; xúc miệng, vệ sinh mũi bằng nước muối, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để giúp trẻ nâng cao sức đề kháng, hạn chế mắc bệnh. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm