Triển lãm “Khát vọng Phát triển” - Nơi cất lên tiếng nói của phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số

24/11/2022 15:42
Chị Hồ Thị Trọn, 20 tuổi, dân tộc Bru-Vân Kiều, bản Đá Chát, xã Trường Sơn, Quảng Ninh, Quảng Bình

Chị Hồ Thị Trọn, 20 tuổi, dân tộc Bru-Vân Kiều, bản Đá Chát, xã Trường Sơn, Quảng Ninh, Quảng Bình

Triển lãm “Khát vọng Phát triển” là nơi các câu chuyện về sự đồng hành, chung tay cùng các lực lượng phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ yếu thế, phụ nữ ở địa bàn khó khăn trong tiến trình thực hiện khát vọng phát triển và bình đẳng được chia sẻ.

Triển lãm "Khát vọng Phát triển" do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thực hiện sẽ khai mạc vào tối 25/11/2022 và sẽ được trưng bày tới ngày 9/12/2022 tại 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

Triển lãm gồm 3 chủ đề trưng bày: "Rào cản cuộc sống"; "Sự thay đổi và điều mong đợi"; "Vì một niềm hạnh phúc trọn vẹn" với những câu chuyện về việc nhà, sinh kế, về những vấn đề xã hội như: tảo hôn; tục "nối dây", gánh nặng kép trong gia đình mẫu hệ… Triển lãm sẽ giúp người xem hiểu rõ hơn những thực trạng, rào cản, định kiến giới và khó khăn trong cuộc sống đang diễn ra tại nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà phụ nữ và trẻ em phải đối mặt và cảm nhận sâu sắc khát vọng phát triển, khát vọng cống hiến, sự thay đổi mạnh mẽ của những người phụ nữ trong thực hiện ước mơ, khẳng định những giá trị bản thân. Chất liệu chính của triển lãm là những hình ảnh, thước phim sống động, câu chuyện được sẻ chia chân thực tại địa bàn 4 tỉnh: Điện Biên, Quảng Bình, Gia Lai và Sóc Trăng - 4 trong 51 tỉnh/thành vùng đồng bào dân tộc thiểu số & miền núi triển khai các mô hình của Dự án thành phần số 8.

Dưới đây là một số câu chuyện sẽ được giới thiệu trong triển lãm "Khát vọng Phát triển":

Tủi thân khi lấy chồng sớm

"17 tuổi đang học lớp 11 ở trường Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Quảng Bình thì em bỏ học lấy chồng. Hai vợ chồng bằng tuổi nhau và cùng học một lớp. Cưới xong cả hai đều ở nhà làm ruộng. Hai năm sau có con, bố mẹ làm cho gian nhà tranh để ở riêng, hàng ngày em ở nhà chăm con còn chồng đi làm, công việc không ổn định thu nhập ít, thiếu tiền mua sữa, con thường ốm đau phải đi viện, hai vợ chồng thường xuyên cãi nhau vì tiền. Nhiều lúc em thấy tủi thân, nếu biết lấy chồng sớm khổ như vậy thì em đã không lấy", chị Hồ Thị Trọn, 20 tuổi, dân tộc Bru-Vân Kiều, bản Đá Chát, xã Trường Sơn, Quảng Ninh, Quảng Bình

Nấu ăn là việc của đàn bà

Triển lãm “Khát vọng Phát triển” - Nơi cất lên tiếng nói của phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

"Những năm trước đây, gia đình tôi dựng lều tạm bên suối để ở. Cuộc sống thiếu thốn vất vả với 7 đứa con. Tôi dậy từ 1-2 giờ sáng để giã gạo, vừa giã vừa nấu cháo cho con, có lúc vừa làm vừa phải ẵm con, mờ sáng phải đi gánh nước cho gia đình dùng trong ngày. Khi nhờ chồng, hắn bảo việc nấu ăn là việc của đàn bà, không giúp. Đi rẫy, cả hai vợ chồng cùng làm nhưng khi đi về chồng vác dao rựa đi trước, còn tôi vừa gùi nước, củi, rau đi sau", bà Hồ Thị Hồng, 58 tuổi, dân tộc Bru-Vân Kiều, bản Khe Cát, xã Trường Sơn, Quảng Ninh, Quảng Bình

Không phút nghỉ ngơi

Triển lãm “Khát vọng Phát triển” - Nơi cất lên tiếng nói của phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

"Gia đình mình có 6 người con, mọi công việc trong gia đình từ nấu nướng, giặt giũ, dọn dẹp và tắm rửa cho con đều do mình làm. Con lớn hơn biết giúp mẹ nhưng bận đi học, mình vẫn là người chính làm việc nhà và vẫn cùng chồng đi chăm bò, dê, lên nương rẫy. Mình gần như không có lúc nào được nghỉ ngơi", bà Rmah H' Bluôn, 57 tuổi, dân tộc Jrai, Thôn Bôn Broăi, xã Ia Broăi, Ia Pa, Gia Lai

Sợ bạn gái lấy người khác

"Em năm nay học lớp 11. Em yêu một bạn gái trong bản kém 1 tuổi, bạn hiện đã nghỉ học. Chúng em muốn cưới nhưng bố mẹ chưa cho phép vì hai đứa chưa đủ tuổi. Em sợ không cưới thì bạn ấy sẽ đi lấy người khác. Yêu quá nên em xin phép bố mẹ cho hai đứa về ở với nhau đến khi nào đủ tuổi thì cưới. Hiện em vẫn đang đi học, vợ em ở nhà làm việc nhà và chăn trâu. Cuối tuần em mới về", em Giàng A Chường, 16 tuổi, dân tộc Mông, bản Pú Múa, xã Mường Mươn, Mường Chà, Điện Biên

Thức ăn chủ yếu là muối trắng

Triển lãm “Khát vọng Phát triển” - Nơi cất lên tiếng nói của phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số - Ảnh 4.

"Bố mẹ tôi có 10 người con. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi không được đi học mà lấy chồng sớm. Năm 13 tuổi tôi sinh con. Hiện nay có 7 người con. Đứa lớn 12 tuổi, đứa thứ 7 được 3 tháng tuổi. Hai vợ chồng làm lụng vất vả nhưng vẫn không đủ ăn. Trong bữa cơm gần như không bao giờ có thịt, cá mà chủ yếu là muối trắng. Các con vẫn còn bé nhưng cũng không được chăm sóc vì nó còn rất nhiều các em nữa. Khi ốm đau chúng cũng không được thuốc thang đầy đủ", chị Giàng Thị Kía, 32 tuổi, dân tộc Mông, bản Kết Tinh, xã Mường Mươn, Mường Chà, Điện Biên

"Bắt" được chồng nhưng lại mang món nợ

Triển lãm “Khát vọng Phát triển” - Nơi cất lên tiếng nói của phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số - Ảnh 5.

"Phụ nữ chúng tôi muốn "bắt chồng" phải chịu nhiều sính lễ cho nhà trai, đám cưới cũng 100% là do nhà gái chuẩn bị hết, nhà trai không phải đóng góp gì hết. Vì thế có nhiều gia đình có được chồng nhưng lại mang món nợ lớn. Nếu người chồng biết thương vợ, cùng nhau làm ăn lo kinh tế để trả nợ thì là may mắn, song thực tế nhiều ông chồng tối ngày chỉ uống rượu không làm gì hết, thành ra nợ mẹ đẻ nợ con, cuộc sống vất vả lắm. Đến khi cưới con gái lại tiếp tục lo làm để trả nợ..."chị Kson H'Djốt, 53 tuổi, dân tộc JRai, Thôn Bôn Broăi, xã Ia Broăi, Ia Pa, Gia Lai

Tôi "nối dây" với anh trai chồng

Triển lãm “Khát vọng Phát triển” - Nơi cất lên tiếng nói của phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số - Ảnh 6.

"Chồng tôi mất năm 2017. Đến năm 2021, vợ của anh trai chồng tôi cũng bị mất. Cả dòng họ đã bàn bạc và quyết định cho tôi "nối dây" với anh trai của chồng. Biết là trái với pháp luật, nhưng phong tục của đồng bào Bru-Vân kiều như thế nên tôi cũng đành chấp nhận", bà Hồ Thị Bông, 63 tuổi, dân tộc Bru-Vân Kiều, bản Khe Cát, xã Trường Sơn, Quảng Ninh, Quảng Bình

Vợ chồng tôi bình đẳng

Triển lãm “Khát vọng Phát triển” - Nơi cất lên tiếng nói của phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số - Ảnh 7.

"Hai vợ chồng tôi cùng đi làm nương và cùng chia sẻ việc nhà. Những lúc tôi mệt chồng sẽ là người đảm đương hết việc nhà, từ nấu nướng, tắm giặt cho đến dạy dỗ con cái… Thường thì hai vợ chồng sẽ cùng bàn bạc khi quyết định một công việc lớn. Vợ chồng tôi sinh hai con để chăm sóc, nuôi dạy cho tốt. Vì tôi cũng bỏ học dở dang nên tôi sẽ dạy bảo các con mình phải học để có được cái nghề nghiệp ổn định, phải đủ tuổi mới được lấy chồng lấy vợ để cuộc sống sau này đỡ vất vả hơn"chị Ly Thị Di, 22 tuổi, dân tộc Mông, bản Pú Múa, xã Mường Mươn, Mường Chà, Điện Biên

Người chặt đứt tục "nối dây"

"Trước áp lực buộc phải nối dây với em chồng, tôi thấy là không đúng vì đã lấy là phải sinh con thêm và vi phạm Luật Hôn nhân & Gia đình. Vì vậy, tôi đã quyết định không nối dây và xin ra khỏi họ nhà chồng và đòi bằng được quyền nuôi con. Năm 2004, tôi được tín nhiệm bầu vào Hội đồng Nhân dân xã và huyện. Tôi đã tuyên truyền, vận động các chị em trong xã có hoàn cảnh chồng chết sớm đấu tranh không thực hiện nối dây. Nhiều chị em theo gương tôi dần phá bỏ tục này. Đến nay cả xã có hơn 20 chị em không thực hiện "nối dây" nữa mà quyết ở vậy nuôi con, thực hiện nếp sống mới", bà Hồ Thị Con, 64 tuổi, dân tộc Bru-Vân Kiều, bản Bến Đường, xã Trường Sơn, Quảng Ninh, Quảng Bình

Em không muốn lấy chồng sớm

Triển lãm “Khát vọng Phát triển” - Nơi cất lên tiếng nói của phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số - Ảnh 9.

"Em đã tốt nghiệp đại học và vẫn đang chờ thi tuyển. Em và các bạn em bây giờ đều cố gắng học hành, không lấy chồng sớm cũng là để mong sau này có được cuộc sống tốt hơn. Chúng em sẽ được đi ra bên ngoài, được học hỏi nhiều điều chứ không chỉ quẩn quanh lấy chồng sớm rồi sinh con như thời bố mẹ em. Cuộc sống như vậy mãi vất vả, nghèo khổ", chị Nay H'Uil, 28 tuổi, dân tộc Jrai, Thôn Bôn Broăi, xã Ia Broăi, Ia Pa, Gia Lai

Giúp vợ chăm con

Triển lãm “Khát vọng Phát triển” - Nơi cất lên tiếng nói của phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số - Ảnh 10.

"Hai vợ chồng em cùng học với nhau từ hồi cấp 3, nên hai đứa rất hiểu và yêu thương nhau lắm. Khi vợ có bầu em rất vui sướng, thường xuyên đưa đi khám thai định kỳ. Với em vợ sinh con gái hay trai đều được cả miễn là hai mẹ con khỏe mạnh. Ngoài thời gian đi làm ở ngoài đồng ruộng, em còn phụ giúp vợ làm công việc nhà và chăm sóc con sớm tối để vợ được nghỉ ngơi. Với em không gì bằng khi vợ con khỏe mạnh và hạnh phúc", anh Trần Minh Khải, 26 tuổi, xã Thạnh Thới An, Trần Đề, Sóc Trăng

Mong muốn được học nghề

Triển lãm “Khát vọng Phát triển” - Nơi cất lên tiếng nói của phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số - Ảnh 11.

"Chị em mong muốn được học nghề, tìm được công việc phù hợp tại địa phương để tiện chăm sóc gia đình. Có các lớp tập huấn giảng dạy về kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ về chăm sóc sức khoẻ, nuôi dạy con, dân số, kế hoạch hoá gia đình, kỹ năng sống và tổ chức cuộc sống gia đình hạnh phúc", chị Lâm Thị Kim Sương, 38 tuổi, ấp An Hòa 1, xã Thạnh Thới An, Trần Đề, Sóc Trăng

Tạo nhiều không gian sinh hoạt tập thể dành cho phụ nữ

Triển lãm “Khát vọng Phát triển” - Nơi cất lên tiếng nói của phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số - Ảnh 13.

"Hội LHPN xã Ia Broăi đã thành lập đội múa cồng chiêng cho các hội viên để lưu lại các điệu múa truyền thống của người Jrai. Đây cũng nơi để các cô, các chị gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ với nhau. Chúng tôi dự định sẽ tiếp tục ra mắt mô hình Câu lạc bộ "Dệt thổ cẩm" để truyền dạy cho thế hệ trẻ về cách dệt vải, tạo hoa văn của người Jrai, đồng thời giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống", chị Kpă H'Yư, Chủ tịch Hội LHPN xã IaBroăi, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai

Nguồn: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.