Từ chuyện 'đồng phục cây xanh' đến 'đồng phục biển hiệu'

15/05/2016 - 09:27
Đều dùng nguồn tiền xã hội hóa, đều thiếu sự tham vấn cộng đồng, nhưng bài học về việc thay thế cây xanh năm 2015 đã không được rút kinh nghiệm cho dự án 'tuyến phố kiểu mẫu' Lê Trọng Tấn.

Gạt sang một bên chuyện xanh - đỏ, xấu - đẹp của những tấm biển hiệu “kiểu mẫu”, điều mà người làm kinh doanh nhức nhối là đề án đã can thiệp một cách đáng tiếc vào công việc kinh doanh của người dân, mà cụ thể là nhận diện thương hiệu và sở hữu trí tuệ.

le-trong-tan-1.jpg
Biểu hiệu đồng màu, đồng kích thước sẽ làm khó cho các Thương hiệu mang tính hệ thống

Màu sắc của “đồng phục” xấu đẹp không quan trọng bằng việc đơn vị nào muốn kinh doanh trên tuyến phố này thì phải “đổi màu”, xóa sổ bản sắc cá nhân, xóa sổ phần trọng yếu trong bộ nhận diện thương hiệu đã dày công gây dựng bằng tiền (rất nhiều tiền), chất xám, mồ hôi và thời gian.

Tưởng tượng một ngày kia, nếu cái đề án trên được triển khai mở rộng trên toàn địa bàn Hà Nội, sau đó là trên toàn lãnh thổ Việt Nam, để mọi tuyến phố đều thành “kiểu mẫu”, liệu KFC, McDonald’s, Starbucks, Louis Vuitton, Chanel… hoặc là, Vietnam Airline, Vietjet, Techcombank, AZN, Vingroup, Vinamilk, TH True Milk… sẽ ứng xử như thế nào với các đại lý, điểm giao dịch, cửa hàng tiện ích của họ. 

Thật may mắn là sự việc dường như đã chững lại, các cơ quan thực hiện đang rất cầu thị. Nhưng vấn đề về việc sử dụng nguồn tiền xã hội hóa như thế nào cho hiệu quả và thực sự mang lại lợi ích cho cộng đồng thì chưa có lời giải đáp thỏa đáng.

Ông Nguyễn Quang Thạch, người khởi xướng và điều hành chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam cho rằng: “Điều cốt lõi là phải minh bạch. Minh bạch nội dung và minh bạch chi tiêu”.

Theo ông Thạch, với mọi đề án xã hội, đơn vị thực hiện cần minh bạch nội dung, mục tiêu của chương trình, và phải có sự tham vấn cộng đồng người hưởng lợi, từ đó mới đưa ra quyết định thay vì quyết định dựa trên mong muốn chủ quan.

Minh bạch nội dung của một đề án dùng tiền ngân sách là điều đương nhiên. Bởi người dân đóng tiền thuế của mình vào đó. Minh bạch nội dung của một đề án dùng tiền xã hội hóa lại càng cần thiết. Bởi cơ quan quản lý sẽ tránh bị dị nghị “có lợi ích gì” khi hợp tác với một đơn vị ngoài nhà nước. Cũng như đơn vị đầu tư tránh được điều tiếng “vận động hành lang”, “quan hệ chính sách” khi thực sự muốn chia sẻ trách nhiệm xã hội.

Bên cạnh đó, quy cách tham vấn cộng đồng cũng là điều đáng bàn. Xác định đúng người hưởng lợi để tham vấn, nhưng cũng phải tham vấn đa chiều. Đặc biệt là cần tham vấn những nhà chuyên môn để có cái nhìn ở góc độ vĩ mô hơn, sâu rộng hơn. Không thể tham vấn hời hợt rồi sau đó mang người dân ra làm bia đỡ đạn cho những quyết định sai.

Với riêng chương trình chuẩn hóa biển hiệu cửa hàng trên tuyến đường Lê Trọng Tấn, cơ quan quản lý đã tham vấn cộng đồng thông qua UBND phường mà không nắm rõ cụ thể đối tượng tham vấn là ai: Chủ nhà hay chủ cửa hàng. Chủ nhà nếu không kinh doanh thì không thể nói thay ý kiến cho người làm kinh doanh. Trong khi đó, chủ cửa hàng lại liên tục có sự thay đổi. Người chủ cửa hàng được tham vấn chưa chắc đã là chủ cửa hàng tại thời điểm đề án được triển khai. Do đó, phạm vi đối tượng tham vấn phải mở rộng hơn thay vì gói gọn trong hiện trạng cư dân và kinh doanh trên tuyến phố Lê Trọng Tấn tại một thời điểm.

Chưa kể, những chuyên gia về quảng cáo, về truyền thông thương hiệu, về marketing gần như vắng bóng trong cuộc tham vấn đã diễn ra.

Bài học của việc chặt hạ thay thế cây xanh hồi nửa đầu năm 2015 vẫn còn nguyên đó. Không ai quên rằng sự việc bị trầm trọng chính vì những người thực hiện đã không minh bạch nội dung đề án cũng như không tham vấn cộng đồng, chứ không hoàn toàn nằm ở nỗi tiếc thương những hàng cây cổ thụ đầy cảm tính.

Chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam cũng là một chương trình xã hội hóa. Ông Thạch cho biết cá nhân ông với tư cách là người khởi xướng và điều hành luôn tối thượng minh bạch trong mọi hoạt động, mời toàn thể xã hội giám sát công việc của Sách hóa nông thôn Việt Nam.

Bên cạnh đó, ông Thạch cũng thường xuyên tham vấn bằng nhiều hình thức khác nhau với nhiều đối tượng khác nhau, từ học sinh, phụ huynh, thầy cô giáo, các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách, doanh nhân, trí thức… để luôn luôn có sự thay đổi, rút kinh nghiệm và điều chỉnh chương trình cho phù hợp.

“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” - một chủ trương hết sức đúng đắn của Đảng không thể chỉ dừng ở một câu khẩu hiểu hay.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm