Vừa tan sở, mới phóng xe qua đường, chị suýt va vào xe ngược chiều chạy ẩu, may mà hãm phanh kịp. Đang bực mình vì chuyện ấy, về nhà lại thấy chồng cười toe toét: “Không bị kẹt xe hả em? Ngày nào em cũng về đúng giờ thì bố con anh đỡ lo”. Bình thường nghe câu nói ấy, chị sung sướng lắm vì ít ra chồng quan tâm vợ mọi lúc, mọi nơi. Lần này lại khác, nhìn nụ cười, nghe tiếng nói ấy, lại thấy ghét, chị làu bàu: “Đúng giờ với chả đúng giấc! Anh muốn em nhập viện à?”.
Nghe câu nói kỳ cục như sét đánh trượt ngang người, chồng trợn tròn mắt, chẳng hiểu ất giáp gì sất. Đã thế, chị lại nhanh chóng “đá giò lái”: “Dạo này anh cứ ăn nhậu cho lắm vào. Đêm hôm say xỉn phóng xe lạng lách, tai nạn thì chỉ khổ mẹ con em”. Rồi chị lại không quên “lên lớp” về tác hại của việc ăn nhậu. Chồng tự ái. Nghe mà điếc cả lỗ tai. Thế là sự háo hức chờ đợi của cả nhà để cùng sum vầy bên bữa cơm chiều tan biến, không khí trở nên nặng nề.
Những chuyện buồn bực ở bên ngoài được đem qua cánh cửa gia đình và trút lên bạn đời
***
Không chỉ mang theo sự bực bội, bức bối vào nhà mà có người còn lôi lên tận giường ngủ. Thông thường, những khi chồng ngoan như chiều cuối tuần không la cà quán xá mà tự giác về sớm; hoặc nộp tiền lương đầy đủ; hoặc ngày Chủ nhật đưa vợ con đi chơi công viên thì y như rằng, đêm đó thế nào cũng diễn ra mục hấp dẫn: “Ngoan thì có thưởng”. Lần này, cô vợ vừa thầm thì “bật đèn xanh”: “Anh ơi!” rồi chờ nghe câu trả lời nhịp nhàng “Em à” như mọi lần. Lạ chưa, lần này lại nghe tiếng cau có: “Ơi với à cái gì? Em có biết dạo này em thế nào không?”.
“Thế nào là thế nào hả trời?”, vợ lắc đầu không thể hiểu nổi. Thật ra, anh chồng đang bực bội vì ký hụt một hợp đồng quảng cáo, mất toi một số tiền hoa hồng kha khá chỉ do quên béng ngày hẹn với phía đối tác. Mà tại sao quên? Anh ta cằn nhằn: “Thỉnh thoảng công việc của anh, em làm ơn ngó mắt giùm một chút. Phải nhắc nhở anh chứ?”. Cô vợ càng ngớ người ra vì lâu nay có bao giờ chồng tâm sự gì về chuyện làm ăn đâu! Thế thì biết gì mà nhắc với nhở?
Nghe vợ phân trần, dù đuối lý nhưng sẵn đang bực mình, anh ta tuôn luôn một tràng liên thanh: “Cái tủ lạnh nhà mình em thấy thế nào? Cứ như kho hàng phế phẩm, cái gì không sử dụng nữa, em tống khứ giùm anh được không?”. Các câu phàn nàn của chồng chẳng rõ “đầu cua tai nheo” nhưng do anh đang bực bội nên vợ lãnh đủ.
Thật ra, trong những tình huống này, do tâm trạng không ổn định nên vợ/chồng có nhu cầu cần phải quát tháo, “làm mình làm mẩy” cho nhẹ người. Điều ấy khiến “nửa kia” không rõ vì sao tự dưng chồng/vợ lại đột ngột có thái độ lạ lùng, nói năng thiếu kiềm chế? Chẳng hạn, cũng món ăn đã chế biến theo đúng “gu”, từng khen ngon nhưng lần này chồng lại chê ỏng chê eo; cũng cách lau nhà, rửa xe ấy nhưng lần này, vợ lại chê chồng làm cẩu thả, vụng về…
Khi đang giận dữ, nhìn đâu người ta cũng thấy những điều không hài lòng
***
Có thể nói, tâm lý “vạch lá tìm sâu” ấy là cái cớ để hả giận chuyện đang giấu trong lòng. Song, cách ứng xử “giận cá chém thớt” thường đẩy sự bất hòa đi xa hơn, xấu hơn vì thực chất, nguyên nhân của sự phàn nàn, cau có ấy, “nửa kia” không biết nên khó có thể “tháo ngòi nổ”.
Ai cũng hiểu rằng, nâng niu, gìn giữ, vun đắp hạnh phúc mỗi ngày là điều không thể xao nhãng, từ sự quan tâm nhỏ nhặt nhất. Do đó, khi có chuyện bất ổn khiến tâm trạng không vui thì hãy giãi bày, tâm sự với nhau. Có như thế, vợ/chồng mới tìm được sự đồng cảm hoặc cách giải quyết ổn thỏa, hợp lý nhất. Hơn nữa, một trong những nguyên tắc cần thiết nhất là khi đã về nhà, hãy gạt bỏ mọi chuyện vớ va vớ váo, bát nháo ở ngoài đường. Nếu cứ mang nặng trong lòng, đem về nhà rồi kiếm cớ chì chiết, gây sự với “nửa kia” là “thất sách”. Cách trút giận ấy, nghĩ cho cùng chính là sự ích kỷ.