Từ những vụ “bắt vợ”: Bài cuối - Lợi dụng phong tục để phạm luật có thể bị xử lý hình sự

16/02/2022 11:20
Ảnh minh họa: ST

Ảnh minh họa: ST

Trước 2 vụ việc “bắt vợ” xảy ra tại tỉnh Hà Giang và Lào Cai, nhiều ý kiến cho rằng, để ngăn chặn thực trạng này, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền gìn giữ nét đẹp của tục kéo vợ thì cần xử lý nghiêm hành vi lợi dụng phong tục để phạm luật.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng luật sư Chính pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội), cho biết, tục "bắt vợ" của người Mông là nét truyền thống văn hóa, nhưng nhiều năm qua đang có dấu hiệu lợi dụng trở thành hành vi xâm phạm quyền tự do thân thể, tự do đi lại, cư trú của công dân. Bởi vậy, những người lợi dụng tục "bắt vợ" để xâm phạm đến quyền tự do thân thể của người khác, có thể bị xử lý hình sự.

Ông Cường cho biết, pháp luật Việt Nam tôn trọng tín ngưỡng, tôn giáo, tập quán, văn hóa của mỗi dân tộc. Đối với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo, lợi dụng phong tục tập quán để thực hiện hành vi trái pháp luật, xâm phạm đến quyền lợi của nhà nước, của tổ chức, cá nhân thì tùy vào tính chất mức độ có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Từ những vụ “bắt vợ”: Bài cuối - Lợi dụng phong tục để phạm luật có thể bị xử lý hình sự - Ảnh 1.

Luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng luật sư Chính pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội)

"Thực hiện "bắt vợ" mà tảo hôn hoặc người đã thành niên kết hôn với người chưa đủ 16 tuổi thì đó là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Bắt giữ người trái pháp luật, tội Tổ chức tảo hôn, thậm chí có thể bị xử lý về tội Giao cấu với người chưa đủ 16 tuổi hoặc tội Hiếp dâm... tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Trường hợp có căn cứ cho thấy đây là hành vi lợi dụng phong tục tập quán lạc hậu để bắt người trái pháp luật, xâm phạm đến thân thể của công dân, cơ quan chức năng sẽ xem xét xử lý hành chính hoặc hình sự với người vi phạm về hành vi bắt giữ người trái pháp luật, xâm phạm đến thân thể của công dân", ông Cường nói.

Cũng theo luật sư Cường, trường hợp lợi dụng tập quán "bắt vợ" của người đồng bào dân tộc vùng cao để bắt, giam, giữ người trái pháp luật, người vi phạm có thể sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

"Chính quyền địa phương, đặc biệt là ở vùng cao cần tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, kiên quyết loại trừ những hủ tục, gìn giữ phát huy nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc. Khi phát hiện trường hợp có dấu hiệu lợi dụng phong tục tập quán xâm phạm đến quyền tự do, thân thể của công dân, cần có biện pháp can thiệp, ngăn chặn kịp thời để tránh hậu quả xấu có thể xảy ra", ông Cường nói.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn