Tuệ Tĩnh đường tại chùa Phúc Long (huyện Thanh Trì, Hà Nội) nhiều năm qua đã khám chữa bệnh miễn phí cho hàng trăm bệnh nhân nghèo.

Tuệ Tĩnh đường tại chùa Phúc Long: Địa chỉ tin cậy của bệnh nhân nghèo


Tuệ Tĩnh đường tại chùa Phúc Long (huyện Thanh Trì, Hà Nội) nhiều năm qua đã khám chữa bệnh miễn phí cho hàng trăm bệnh nhân nghèo.

Chùa Phúc Long tọa lạc tại xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Những năm qua nhà chùa đã có nhiều hoạt động thiện nguyện như: Nấu hàng nghìn suất cơm ủng hộ Bệnh viện K Trung ương chống dịch, kêu gọi từ thiện hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, nuôi các trẻ bị bỏ rơi… Những việc làm này của nhà chùa đã được chính quyền, người dân đánh giá cao.

Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, phật tử và ni sư chùa Phúc Long đã nấu hàng nghìn suất cơm tặng các y, bác sĩ Bệnh viện K Trung ương

Mới đây chùa Phúc Long đã "kích hoạt" lại phòng khám Tuệ Tĩnh đường để khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân sau thời gian tạm dừng hoạt động vì dịch Covid-19. Sau thông báo hoạt động trở lại Tuệ Tĩnh đường, rất đông người tìm đến để được tư vấn, khám chữa bệnh.

Tuệ Tĩnh đường tại chùa Phúc Long: Địa chỉ tin cậy của bệnh nhân nghèo - Ảnh 1.

Phòng khám chữa bệnh miễn phí tại chùa Phúc Long

Trao đổi với PV Báo PNVN, Ni sư Thích Đàm Hoài, Trụ trì chùa Phúc Long cho biết, đã chứng kiến nhiều người mắc bệnh nhưng không đủ điều kiện để đến viện điều trị. "Những lúc đó tôi rất day dứt nên đã có ý tưởng thành lập phòng khám Tuệ Tĩnh đường để khám, chữa miễn phí cho người nghèo", Ni sư Thích Đàm Hoài chia sẻ.

"Nhiều tu sĩ, lương y đã gắn bó với Tuệ Tĩnh đường nhiều năm nay, không ngại vất vả, hết lòng điều trị cho những người nghèo. Đó cũng là cách để rèn luyện bản thân, thể hiện tấm lòng của mình với tha nhân, là lương y như từ mẫu…", Ni sư Thích Đàm Hoài cho biết.

Tuệ Tĩnh đường tại chùa Phúc Long: Địa chỉ tin cậy của bệnh nhân nghèo - Ảnh 2.

Các lương y tại Tuệ Tĩnh đường khám, chữa bệnh cho người dân

Phòng khám Tuệ Tĩnh đường ra đời vào năm 2015, nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nên đã phải tạm dừng hoạt động một thời gian khá dài, và mới hoạt động lại từ ngày 21/11 vừa qua. Tuệ Tĩnh đường mở cửa từ thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần, khám chữa bệnh bằng phương pháp gia truyền kết hợp sử dụng thuốc Đông y. Tất cả bệnh nhân đến khám, điều trị tại Tuệ Tĩnh đường đều được miễn phí. Với tinh thần vừa chữa thân bệnh, vừa chữa tâm bệnh, các lương y đều không quản ngại vất vả, quan tâm coi bệnh nhân như người nhà.

Tuệ Tĩnh đường tại chùa Phúc Long: Địa chỉ tin cậy của bệnh nhân nghèo - Ảnh 3.

Các bệnh nhân đến khám đều được miễn phí

"Vài năm nay, người dân ở quanh khu vực này, cứ ai bị các bệnh như: Thủy đậu, giời leo, mề đay hoặc bị bỏng là lại đến chùa Phúc Long xin thuốc. Đặc biệt ở đây có thuốc điều trị bỏng rất tốt, tôi bị bỏng đi chữa nhiều nơi vẫn bị mưng mủ, nhưng sau khi dùng thuốc ở chùa thì chỉ vài ngày là hết. Nếu bệnh nhân nào ở xa thì có thể ở lại điều trị, ở đây như một phòng khám đa khoa vậy", chị Đỗ Thị Hoa (xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì) chia sẻ.

Những năm qua, Tuệ Tĩnh đường chùa Phúc Long là địa chỉ được nhiều bệnh nhân tin tưởng, tìm đến để chữa các bệnh ngoài da và xương khớp. Cơ sở chữa bệnh miễn phí này là tâm nguyện của Ni sư trụ trì chùa khi thấu hiểu sự khó khăn, gánh nặng chi phí thuốc thang của người bệnh nghèo.

Chữa bệnh nên đặt chữ "nhân"' lên đầu

Gắn bó với phòng khám Tuệ Tĩnh đường hơn 5 năm qua, lương y Nguyễn Thị Huệ Phương đã chăm sóc sức khỏe, cứu chữa cho hàng trăm bệnh nhân nghèo. Tuy nhiên, chị luôn đau đáu trong lòng vì không thể cứu chữa được cho nhiều bệnh nhân hơn nữa.

Tuệ Tĩnh đường tại chùa Phúc Long: Địa chỉ tin cậy của bệnh nhân nghèo - Ảnh 5.

Lương y Nguyễn Thị Huệ Phương và trụ trì chùa Phúc Long Thích Đàm Hoài (bìa phải)

Chị Phương cho biết, ngay từ khi còn nhỏ, chị đã thường xuyên phụ giúp bố bốc thuốc chữa bệnh, sau này khi lớn lên thì được bố truyền lại nghề. Đến nay chị đã hành nghề được hơn 20 năm, các bệnh chị chữa chủ yếu là bệnh ngoài da và xương khớp.

"Gia đình tôi tham gia Hội Đông y của quận Hoàng Mai từ rất nhiều năm về trước và đã được UBND quận công nhận là có bài thuốc gia truyền. Năm 2016, tôi bắt đầu về chùa Phúc Long và làm lương y chính, hàng ngày bốc thuốc, chữa bệnh cho các bệnh nhân nghèo, không có điều kiện đến viện", chị Phương nói.

Tuệ Tĩnh đường không chỉ khám bệnh, kê đơn bốc thuốc mà còn là chỗ dựa tinh thần của nhiều người. Họ đến mỗi khi bị bệnh và cảm nhận được sự tin cậy và lòng biết ơn từ những lương y và nhân viên ở đây.

Tuệ Tĩnh đường tại chùa Phúc Long: Địa chỉ tin cậy của bệnh nhân nghèo - Ảnh 6.

Lương y Nguyễn Thị Huệ Phương chia sẻ với PV Báo PNVN

"Chữa bệnh nên đặt chữ "nhân" chứ đừng đặt chữ "lợi" lên đầu. Khi đặt chữ "lợi" lên đầu là không có đạo đức".

Ni sư Thích Đàm Hoài

Theo lương y Nguyễn Thị Huệ Phương, các bệnh nhân đến khám, chữa đã số từ vùng lân cận, thi thoảng cũng có trường hợp đến từ các tỉnh, thành khác như: Hà Nam, Ninh Bình, Hà Giang, Nghệ An… Các bệnh nhân đến khám, chữa bệnh đều được điều trị theo phương pháp Đông y.

"Làm công việc này quan trọng nhất phải có tâm, vì có những trường hợp bị nặng, cần phải điều trị dài ngày, nếu mình không đủ sự kiên trì, không đủ tâm, lòng kiên nhẫn để đồng hành cùng bệnh nhân thì cũng khó mà giúp họ được. Vì vậy, các lương y ở đây đều là những người tận tâm, tận tình gắn bó với công việc từ thiện ý nghĩa này cho dù hàng ngày phải trải qua rất nhiều vất vả", Ni sư Thích Đàm Hoài chia sẻ.

Tuệ Tĩnh đường tại chùa Phúc Long: Địa chỉ tin cậy của bệnh nhân nghèo - Ảnh 8.

Một cháu bé bị bỏ rơi được chùa Phúc Long nhận nuôi

Không chỉ lo khâu khám bệnh, bốc thuốc… mà các công đoạn thủ công đòi hỏi nhiều công sức như: Chặt thuốc, phơi, sấy, bào các loại nguyên liệu tươi cũng do chính tay các sư cô, lương y tự làm. Nguồn thuốc được bà con phật tử cũng như nhân dân quanh vùng tự tìm và mang đến tặng chùa. 

Bác sĩ Hoàng Thị Huyền, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang cho biết, trong 2 năm qua, bệnh viện đã được hỗ trợ thuốc chữa bỏng từ Ni sư Thích Đàm Hoài, trụ trì chùa Phúc Long.

Đánh giá về chất lượng thuốc, bác sĩ Nguyệt cho biết, thuốc rất hiệu nghiệm, bệnh nhân khỏi rất nhanh. Cụ thể, có một trường hợp trong lúc sử dụng bếp gas mini bị nổ dẫn đến bỏng nặng. Thời điểm nhập viện, bệnh nhân bị bỏng khắp người, mặt cháy đen. Tuy nhiên sau 10 ngày sử dụng thuốc từ chùa Phúc Long cung cấp, tình trạng bệnh nhân tiến triển rất tốt, thuốc bôi vào đến đâu mát đến đó và không bị mưng mủ.

Nguyễn Long
Nguyễn Long, ST