Cơ hội cho lao động nhập cư?
Các nhóm nhân quyền cho rằng, hiệp ước trên là một bước tiến nhằm bảo vệ các quyền cơ bản cho người lao động nhập cư tại Ả Rập Saudi. Tuy nhiên, theo Tổ chức Quan sát nhân quyến (HRW), hiệp ước vẫn chưa giải quyết được một vấn đề đang trở thành xu hướng đáng lo ngại là những người giúp việc bị chủ nhân của mình quy tội “trộm cắp, phù thủy hay ngoại tình”.
Tại một đất nước mà xã hội còn nặng bảo thủ và tôn giáo khắt khe như Ả Rập Saudi, bất kỳ ai phạm phải những tội đày đình đó sẽ bị xét xử rất khắc nghiệt. “Những lao động nhập cư đặc biệt dễ bị kết tội vì sự khác biệt về văn hóa. Khi một người giúp việc đeo chiếc dây chuyền có gắn tấm bùa hộ mệnh cũng đủ để gia chủ buộc tội người đó có ý đồ đem đến những điều xui rủi đến cho gia đình họ”, Nisha Variamnhà nghiên cứu cao cấp về quyền phụ nữ của HRW cho biết.
Quốc vương Abdullah đã ân xá cho một người giúp việc Indonesia sau khi bị tòa án kết án tử hình trong năm 2003 vì tội “sử dụng ma thuật với gia chủ của mình”. Cô đã trở về Tây Java đoàn tụ gia đình nhưng nhiều người khác không được may mắn như vậy. Theo nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Indonesia, hiện có gần 41 lao động nhập cư người Indonesia đang phải đối mặt với án tử tại Ả Rập Saudi vì những tội danh khác nhau, từ ma thuật đến ăn cắp, tà dâm hoặc giết người. Tatang Budie Utama Razak, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý và bảo vệ công dân Indonesia ở nước ngoài (thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia) cho biết, những tù nhân này khai rằng họ bị gia chủ lạm dụng, bạo hành trong một thời gian dài. “Họ phải làm việc nhiều giờ không được nghỉ ngơi, họ phải chăm sóc con cái gia chủ, làm tất cả việc nhà trong khi không nhận được đồng lương nào, họ không thể đi ra ngoài và không thể liên lạc với người thân”, Tatang nói.
“Tiền nợ máu” xiết người lao động
Trên thực tế, hầu hết những người phạm tội đã không được xét xử công bằng. Anis Hidayah, Giám đốc điều hành của Tổ chức Chăm sóc người di cư Indonesia cho rằng: “Đôi khi, họ không có thông dịch viên hoặc luật sư giúp họ hiểu được quá trình xét xử.”
Trước những bất cập trên, tổ chức của Hidayah đã vận động phóng thích Satinah Binti Jumadi Ahmad, một người giúp việc 40 tuổi bị kết án tử hình vì tội “giết gia chủ và chạy trốn với số tiền khoảng 10.000 USD”. Người phụ nữ thú nhận đã giết ông chủ nhưng chỉ để tự vệ vì ông ta đã tấn công cô. Theo phân tích của Varia từ HRW, những trường hợp giống như Satinah thực sự khó có thể biết được chính xác những gì đã xảy ra vì những lời cáo buộc thường diễn ra đằng sau cánh cửa đóng kín của gia chủ. Varia cho biết, nhiều lao động nhập cư đang phải làm việc quá sức hoặc không được trả công nhưng không dám tố cáo vì họ sợ nhà chức trách chỉ tin vào những người sử dụng lao động, những người có thể liên hệ tốt với chính quyền và ít nhất cũng nói tiếng Ả Rập thành thạo hơn một người nước ngoài chưa quen ngôn ngữ cũng như luật pháp và quyền lợi của mình.
Trở lại trường hợp của Satinah, cô có thể sẽ bị chém đầu sau đó nếu như không có một số tiền bồi thường gọi là “tiền nợ máu” trả cho gia quyến của ông chủ mà cô đã giết. Theo Tatang, Chính phủ Indonesia đã đàm phán để giảm số tiền bồi thường từ 2,6 triệu USD xuống còn 1,8 triệu USD.
HRW cho biết, hiện có khoảng 1,5 triệu phụ nữ - chủ yếu từ Indonesia, Sri Lanka, Philippines - làm việc tại Ả Rập Saudi. Họ chỉ chiếm chưa đầy 1/4 trong số 8 triệu lao động nước ngoài tại vương quốc này nhưng hầu hết các khiếu nại được gửi đến các đại sứ quán là từ họ.
Nội dung trong những lá đơn khiếu nại phổ biến như không được trả lương, bị giữ hộ chiếu, bị cưỡng bức lao động cũng như bị lạm dụng thể chất và tình dục. Một người giúp việc Indonesia, 28 tuổi bị tử hình vì cáo buộc đã giết chết ông chủ vào năm 2010 sau nhiều tháng bị ông này bạo hành tình dục.
Chính sách mới
Năm 2011, sự kiện người giúp việc Indonesia Ruyati Binti Satubi bị chặt đầu tại Ả Rrập Saudi gây ra một làn sóng phẫn nộ trong công chúng Indonesia. Ngay lập tức, Chính phủ Indonesia cấm xuất khẩu lao động sang Ả Rập Saudi. Đáp trả lại lệnh này, Ả Rập Saudi cũng ngừng cung cấp thị thực cho người lao động đến từ Indonesia.
Lệnh cấm ban ra nhưng tranh chấp giữa người lao động nước ngoài đến từ các quốc gia khác với người sử dụng lao động vẫn tiếp tục xảy ra. Tháng 1/2013, Rizana Nafeek, 24 tuổi, một người giúp việc Sri Lanka đã bị chặt đầu sau khi đã giết chết đứa con 17 tuổi của gia chủ. Vào thời điểm đó, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã lên án hành vi xét xử đó và cảnh báo rằng nhiều vụ án xét xử không công bằng đối với lao động nước ngoài tại Ả Rập Saudi gần đây.
6 tháng sau các vụ việc dậy sóng trên, Ả Rập Saudi giới thiệu các quy định mới áp dụng cho tất cả những người lao động nước ngoài bảo đảm các quyền cơ bản như nghỉ ốm, ngày làm việc không quá 15 giờ và mỗi 2 năm, người giúp việc được nghỉ 1 tháng hưởng lương. Quy định cũng yêu cầu người lao động nước ngoài phải tôn trọng những luật lệ Hồi giáo, bảo đảm tính bí mật cho gia chủ.
Sau hơn 2 năm đàm phán, cuối cùng, Ả Rập Saudi và Indonesia đã ký một thỏa thuận lần đầu tiên làm rõ quyền lợi, nhiệm vụ của người lao động đến từ Indonesia cũng như trách nhiệm của người sử dụng lao động. Theo thỏa thuận mới, người giúp việc Indonesia được nghỉ 1 ngày trong tuần, được phép giữ hộ chiếu của mình, được liên lạc với gia đình và bạn bè bên ngoài gia đình của gia chủ và được đóng bảo hiểm y tế.
Chưa hết hoài nghi
Indonesia cam kết đảm bảo người lao động xuất khẩu sẽ được kiểm tra sức khỏe và không có tiền án và để thiết lập hệ thống này sẽ tốn nhiều thời gian - Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý và bảo vệ công dân Indonenisa ở nước ngoài Tatang cho biết. “Chúng tôi cảm ơn những quốc gia nhận lao động vì họ tạo công ăn việc làm cho công dân chúng tôi. Tuy nhiên, người sử dụng lao động cũng phải biết ơn những người lao động vì công sức họ đã bỏ ra. Cũng cần có sự thay đổi nhận thức của người tuyển dụng lao động” - ông nói thêm.
Trước động thái có vẻ tích cực của hai bên, các nhóm nhân quyền không tin rằng những quy định 2013 và hiệp ước mới giữa Indonesia và Ả Rập Saudi sẽ cải thiện cuộc sống của những người lao động nhập cư trong thời gian tới.
Varia cho biết, có một số điểm tiến bộ trong hiệp ước nhưng nó vẫn không giải quyết triệt để một trong số những nguyên nhân gốc rễ khiến người lao động dễ bị tổn thương. Chẳng hạn như ở Ả Rập Saudi vẫn còn tồn tại một hệ thống giống như bảo hộ có tên gọi “kafala”. Nghĩa là, người sử dụng lao động có quá nhiều quyền kiểm soát người giúp việc. Họ thậm chí còn có quyền đồng ý cho người giúp việc của mình được hồi hương hay không. “Hệ thống này là nguyên nhân của sự không công bằng giữa quyền của người sử dụng lao động với người lao động, từ đó dẫn đến hậu quả nhiều người lao động bị khai thác, bóc lột. Việc này cần phải thay đổi” - Varia nhấn mạnh.