Tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số, cần lưu ý đến yếu tố đặc thù của từng vùng, miền

12/12/2021 11:01
Ảnh minh họa: ST

Ảnh minh họa: ST

Sự phát triển của đời sống xã hội đã kéo theo những thay đổi của các phương tiện nghe nhìn cũng như cách thức cập nhật thông tin, không chỉ với khu vực thành thị, mà ngay cả với đồng bào dân tộc thiểu số ở các bản làng vùng sâu, xa…

Theo ông Trần Tuấn Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền (Ủy ban Dân tộc), hiện có hơn 200 chính sách dân tộc đang được triển khai ở nhiều lĩnh vực, do nhiều bộ, ban, ngành quản lý. Mới đây nhất, ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1719 QĐ/TTg phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đây là chương trình có giai đoạn thực hiện kéo dài tới 10 năm, với nguồn vốn lớn nhất dành cho công tác dân tộc từ trước tới nay.

Để đồng bào hiểu: Cần có nhiều cách tuyên truyền - Ảnh 1.

Một trong những rào cản lớn hiện nay là ở nhiều nơi, tỷ lệ đồng bào DTTS biết tiếng phổ thông chưa nhiều

Những năm qua, đời sống đồng bào DTTS đã có bước phát triển nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, trình độ lao động sản xuất, giáo dục… Tuy nhiên, vùng DTTS và miền núi hiện nay vẫn là vùng khó khăn nhất của cả nước. Đặc biệt, bên cạnh tỷ lệ hộ nghèo còn cao thì vùng dân tộc thiểu số và miền núi hiện vẫn còn là "vùng lõm" về thông tin. Theo nhà báo Hoàng Thanh (Phó Tổng Biên tập Báo Dân tộc và Phát triển), điều kiện đi lại vùng DTTS và miền núi còn khó khăn, trong khi thù lao đối với những chuyến công tác đến vùng này còn quá thấp nên chưa khuyến khích phóng viên đến vùng sâu, vùng xa để phản ánh thông tin, tuyên truyền.

"Vụ Tuyên truyền - Ủy ban Dân tộc cần có những buổi tập huấn, phổ biến kiến thức về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đặc biệt là trong quá trình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 để các phóng viên, đơn vị truyền thông tiếp cận sâu hơn, hiểu rõ hơn. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cần mạnh dạn tuyển dụng các phóng viên là người DTTS am hiểu về đồng bào DTTS, công tác dân tộc để tuyên truyền về chính sách dân tộc được trúng và đúng", bà Thanh nhấn mạnh.

Để đồng bào hiểu: Cần có nhiều cách tuyên truyền - Ảnh 3.

Tiến sĩ Võ Thị Mai Phương – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Theo Tiến sĩ Võ Thị Mai Phương – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, hiện số lượng cơ quan báo chí truyền thông phục vụ nhu cầu thông tin cho vùng DTTS khá nhiều, được xây dựng thành hệ thống, có sự chỉ đạo, quản lý thường xuyên, rộng khắp từ Trung ương đến địa phương, tuy nhiên hiệu quả chưa cao. Số lượng tác phẩm viết về DTTS lớn, nhưng chất lượng còn nhiều hạn chế, cả về hình thức và nội dung. Hầu hết người viết về DTTS là người Kinh nên nhìn nhận từ bên ngoài, đôi lúc chủ quan, duy ý chí, vẫn còn định kiến khi viết về DTTS, điều đó thể hiện qua ngôn ngữ, cách tiếp cận vấn đề. Người DTTS xuất hiện trên báo chí, truyền thông đa số với hình ảnh nghèo đói, lạc hậu, thiếu hiểu biết về pháp luật... Số bài viết về người DTTS sáng tạo, năng động vươn lên làm giàu... không nhiều, chỉ chiếm hơn 30%.

"Các ấn phẩm truyền thông cần lưu ý đến tính đặc thù của từng vùng dân tộc để có cách truyền thông cho hiệu quả. Một trong những rào cản lớn hiện nay là ở nhiều nơi, tỷ lệ đồng bào DTTS biết tiếng phổ thông còn chưa nhiều, làm hạn chế tiếp cận thông tin. Do đó, cần phải xây dựng chương trình đào tạo thế hệ người DTTS mới là lớp trẻ hiện nay. Điều này rất cần những thể chế, chính sách liên quan mới làm được và sự vào cuộc của truyền thông là không thể thiếu", PGS.TS Lê Ngọc Thắng, Tổng Biên tập Tạp chí Dân tộc và Thời đại, Nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc chia sẻ.

Cũng theo PGS Lê Ngọc Thắng, sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông, kéo theo sự thay đổi trong cách thức tiếp cận thông tin của đồng bào là tất yếu. Thời gian tới, để thực hiện Dự án số 10 của Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi 2021-2025 (Dự án Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS và miền núi), các cơ quan báo chí tham gia thực hiện cần tiếp tục đổi mới về chất lượng, cách thức tiếp cận bạn đọc. Trong đó, vừa phải đặt các ấn phẩm báo in trong mối quan hệ với báo nói, báo hình, báo mạng; vừa phát huy tốt nhất thế mạnh riêng có của báo in. Đặc biệt, với đối tượng bạn đọc là đồng bào DTTS, việc tuyên truyền phải bám sát tinh thần "Đối tượng đặc thù phải có giải pháp đặc thù".

Ông Trần Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền khẳng định, những ấn phẩm chuyên đề dân tộc miền núi của các báo vẫn phát huy tác dụng tuyên truyền tới đồng bào tại miền núi, vùng cao, nhất là với già làng, trưởng bản, người uy tín, lãnh đạo chính quyền cấp xã. Do đó, Ủy ban Dân tộc tiếp tục đề xuất chương trình hợp tác với các báo tuyên truyền trong các năm tiếp theo.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.