pnvnonline@phunuvietnam.vn
Uống rượu bia bao nhiêu thì say? Hướng dẫn cách uống rượu bia không say, an toàn
Cơ thể hấp thụ và chuyển hóa rượu bia như thế nào?
Để biết cách uống rượu bia không say và an toàn, chúng ta cần biết rượu bia sẽ ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào sau khi uống. Khi bạn uống rượu, đích đến đầu tiên sẽ là dạ dày của bạn. Tại đây rượu sẽ bắt đầu được hấp thụ vào máu của bạn.
Nếu bạn không ăn gì trong khi uống rượu bia, trong dạ dày sẽ không có gì ngoài rượu, chất cồn sẽ đi vào ruột non của bạn nhanh hơn. Ruột non có bề mặt hấp thụ rộng hơn, đồng nghĩ chất cồn ethanol sẽ đi nào máu nhanh hơn. Nếu bạn ăn kèm khi uống, dạ dày sẽ tập trung vào việc nhào trộn và tiêu hóa thức ăn. Vì thế, chất cồn sẽ chuyển sang ruột non chậm hơn.
Một khi chất cồn đã vào máu, chúng sẽ được đưa đi đến các bộ phận khác trên cơ thể, trong đó có gan. Gan có chức năng phân giải và chuyển hóa lượng rượu mà bạn uống.
Cơ thể chuyển hóa rượu như thế nào?
Bên trong gan, rượu được chuyển hóa, hay phân giải qua quy trình 2 bước:
Bước 1: Một enzyme gọi là alcohol dehydrogenase phân hủy rượu thành một hóa chất gọi là acetaldehyde.
Bước 2: Một enzyme khác phân giải acetaldehyde thành axit acetic.
Tế bào sẽ phân giải axit acetic nhỏ hơn thành CO2 và nước, 2 hợp chất có thể dễ dàng đào thải ra khỏi cơ thể thông qua nước tiểu và hô hấp.
Điều gì gây cảm giác say khi uống rượu bia?
Điều gì gây cảm giác khó chịu và cảm giác say khi ta uống rượu bia? Lý do là bởi gan của bạn chỉ có thể chuyển hóa một lượng cồn nhất định trong cùng một lúc, có nghĩa là lượng cồn khác sẽ đi theo máu đến các cơ quan khác, trong đó có não. Rượu là chất gây ức chế hệ thống thần kinh trung ương. Điều đó có nghĩa là chất cồn sẽ làm chậm não bộ của bạn. Khả năng phán đoán và phối hợp các cơ quan trong cơ thể sẽ bị kém đi khi bạn bị say.
Rượu bia cũng kích thích giải phóng serotonin và dopamine, 2 chất dẫn truyền thần kinh tạo cảm giác vui sướng và hạnh phúc, dẫn đến cảm giác thư giãn và vui vẻ. Tất cả cảm giác này cộng thêm những triệu chứng khi cơ thể nhiễm độc như mặt đỏ bừng, toát mồ hôi hay đi tiểu nhiều hơn, đồng nghĩa bạn đã bị say.
Điều gì khiến chúng ta chuếnh choáng vào ngày hôm sau?
Cảm giác chuếnh choáng, hay say nguội thường xảy ra sau khi bạn uống quá nhiều rượu. Triệu chứng của chúng khác nhau ở nhiều người nhưng đa phần đều không mấy dễ chịu. Dưới đây là những nguyên nhân gây cảm giác say nguội khi bạn uống rượu:
Mất nước: uống rượu bia làm bạn buồn đi tiểu nhiều hơn, khiến bạn mất nước. Việc mất nước dẫn đến đau đầu, mệt mỏi và khát.
Kích thích đường tiêu hóa: rượu bia gây kích đường tiêu hóa, dẫn đến cảm giác buồn nôn và đau dạ dày.
Gián đoạn giấc ngủ: Uống rượu bia thường dẫn đến chất lượng giấc ngủ đi xuống, ngủ không sâu giấc, dẫn đến tăng cảm giác mệt mỏi hơn.
Giảm lượng đường huyết: khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, cơ thể yếu hoặc run.
Acetaldehyde: hợp chất hình thành khi chuyển hóa rượu, đây là một chất độc gây viêm nhiêm trong cơ thể, khiến bạn cảm thấy như thể bị ốm
Cảm giác tan rượu: Rượu gây ức chế hệ thần kinh trung ương. Khi rượu được chuyển hóa hết, hệ thần kinh trung ương bị mất cân bằng, khiến bạn cảm thấy khó chịu và lo lắng hơn.
Nồng độ cồn trong máu
Nồng độ cồn trong máu là phần trăm cồn trong máu của mỗi người, tính theo đơn vị mg/l. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến cách rượu bia được hấp thụ và chuyển hóa trong cơ thể, chúng bao gồm:
Giới tính: Nữ giới thường có nồng độ cồn trong máu cao hơn nam giới khi uống cùng 1 lượng rượu như nhau
Cân nặng: Những người nặng cân hơn thường có nồng độ cồn trong máu thấp hơn so với những người gầy
Độ tuổi: Người trẻ có thể ít nhạy cảm với một số ảnh hưởng của cồn, khả năng này giảm dần theo thời gian
Tình trạng sức khỏe: Nồng độ cồn trong máu sẽ cao hơn khi bạn bị ốm do gan còn bận giải quyết nguyên nhân khiến bạn bị ốm.
Mức độ chuyển hóa và dung nạp rượu: Mức độ này ở mỗi người là khác nhau.
Ngoài ra, còn có các yếu tố bên ngoài khác ảnh hưởng đến nồng độ cồn trong máu, chúng bao gồm:
- Loại rượu và độ nặng bạn uống
- Tốc độ bạn uống rượu
- Lượng rượu bia mà bạn uống
- Bạn có ăn khi uống không?
- Bạn có đang phải dùng thuốc hay không?
Nồng độ cồn trong máu khi uống rượu bia của nam và nữ
Một cách để kiểm tra mức độ say của một người dễ dàng nhất là bằng máy đo nồng độ cồn bằng hơi thở. Hai biểu đồ dưới đây có thể sẽ hữu ích để bạn đối chiếu, tính toán cân nặng của mình với lượng rượu bia mình uống:
Hướng dẫn cách uống rượu không say, an toàn
Hiện nay Bộ Y tế Việt Nam chưa có hướng dẫn sử dụng rượu bia an toàn. Tuy nhiên, chúng ta có thể tham khảo các văn bản khác như Bộ Y tế Vương Quốc Anh hay hướng dẫn từ USDA Hoa Kỳ. Qua đó, mỗi người không nên uống quá một đơn vị rượu 1 ngày đối với nữ giới, và 2 đơn vị rượu một ngày đối với nam giới.
Nếu bạn bắt đầu vào một bữa tiệc, tốt nhất hãy bỏ túi những cách để uống rượu không say sau đây:
Ăn kèm một thứ gì đó khi bạn uống rượu
Như đã nói ở trên, có thức ăn trong dạ dày sẽ làm giảm tốc độ hấp thụ rượu và bạn sẽ bị say chậm hơn. Hoàn hảo nhất là bạn nên ăn nhẹ một chút trước khi nâng ly. Nếu không có thời gian chuẩn bị, các món ăn vặt dưới đây sẽ cứu cánh cho bạn trước khi nhập cuộc:
Trứng: Trứng rất giàu protein, giúp bạn no lâu và làm chậm quá trình hấp thụ cồn. Không chỉ trứng, nếu trong bữa tiệc có các thực phẩm chứa nhiều đạm như thịt, cá, ăn trước một vài miếng cũng cho kết quả tương tự.
Chuối: Một quả chuối chứa 4g chất xơ. Chúng không hấp thụ vào cơ thể nhưng giúp cải thiện chức năng tiêu hóa và làm chúng ta no. Thêm nữa, chuối rất giàu kali, ngăn ngừa nguy cơ mất cân bằng điện giải do mất nước khi bạn uống rượu bia. Thêm vào đó, 75% chuối là nước, chúng cũng giúp bạn không bị mất nước.
Sữa chua: Sữa chua là thực phẩm cân bằng hoàn hảo giữa chất béo, chất đạm và chất đường bột, và cũng cực kỳ thích hợp để ăn trước khi uống rượu. Ngoài ra, lợi khuẩn trong sữa chua sẽ tráng một lớp bảo vệ miên mạc dạ dày và đường ruột, bảo vệ hệ tiêu hóa của bạn khỏe mạnh hơn.
Quả bơ: Bơ rất giàu chất béo, và chúng cũng cần nhiều thời gian hơn để tiêu hóa so với chất đạm và tinh bột, đồng nghĩa là rượu sẽ được giữ ở dạ dày lâu hơn. Ngoài ra, nửa quả bơ cỡ vừa đã cung cấp 7% lượng kali khuyến nghị hàng ngày của bạn, đây là nguồn điện giải rất tốt trước khi bạn tham gia các cuộc vui.
Khoai lang: Đấng mày râu trên bàn nhậu thường bảo ăn khoai lang vào phí rượu cũng có lý do của nó, vì ăn khoai lang là cách uống rượu không say hữu hiệu nhất. Khoai lang rất giàu kali và tinh bột hấp thụ chậm. Chúng không chỉ giữ cồn ở dạ dày lâu hơn, mà còn đưa đường vào máu một cách từ từ, ngăn tình trạng giảm đường huyết do say rượu. Vậy nên, hãy ăn một củ khoai trước khi vào mâm nhậu nhé!
Uống nước đầy đủ
Một cốc nước đặt cạnh chén rượu và uống một ngụm nước sau mỗi tuần rượu là cách uống rượu không say chiến thuật và hiệu quả. Việc này không chỉ pha loãng lượng rượu bạn uống lúc đấy mà còn giúp bạn không bị mất nước sau khi uống rượu. Như đã nói, mất nước là nguyên nhân chính khiến bạn say nhiều hơn.
Uống thật chậm rãi
Uống càng nhanh đồng nghĩa lượng cồn bạn đưa vào cơ thể cùng một lúc càng lớn, và lượng cồn gan chuyển hóa không kịp sẽ càng nhiều, bạn càng dễ say. Vậy nên, tốt nhất hãy nhâm nhi vại bia của mình lâu hơn một chút, có thể trong một tiếng đồng hồ, vì cơ thể bạn cũng cần nhiều thời gian để thải bớt cồn ra khỏi cơ thể mà.
Dành thời gian nói chuyện với bạn bè hơn cũng là cách để hơi cồn bay nhanh ra khỏi cơ thể. Đừng chỉ chăm chăm chúc tụng nhau, suy cho cùng mục đích của những bữa tiệc, những cuộc vui là để bạn bè có thể nói chuyện và chia sẻ với nhau mà.
Biết giới hạn của bản thân
Uống bao nhiêu và khi nào dừng là quyết định của bạn, và bạn không được để áp lực từ xung quanh ép bạn uống thêm. Người ta thường nói, uống rượu nên say 3 phần, đồng ý là uống ít quá thì kém vui, nhưng uống nhiều thì rất hại sức khỏe. Vậy nên, bản lĩnh của bạn là khi bạn biết cách đặt chén rượu xuống, không phải nâng chén lên.
Khi nào uống rượu bia trở nên nguy hiểm
Mặc dù uống rượu bia một cách điều độ không gây hại, thậm chí có lợi cho sức khỏe, nhưng uống nhiều rượu hay uống quá thường xuyên lại trở nên nguy hiểm. Vậy khi nào việc uống rượu trở nên đáng lo ngại?
Những dấu hiệu khi cách bạn uống rượu bia có vấn đề bao gồm
Uống quá nhiều: Có thể định lượng khoảng 4 đơn vị cồn trong vòng 2h đối với nữ và 5 đơn vị cồn trong vòng 2 giờ đối với nam.
Uống quá thường xuyên: Tương đương với từ 8 đơn vị cồn trở lên mỗi tuần đối với nữ và từ 15 đơn vị cồn trở lên mỗi tuần đối với nam
Nghiện rượu: Điều này bao gồm nhiều triệu chứng như không thể hạn chế uống rượu, cần nhiều rượu hơn để đạt cảm giác mong muốn và tiếp tục uống bất chấp tác động tiêu cực của nó đến cuộc sống của bạn.
Những tác hại của rượu đối với sức khỏe: Nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực như thế nào?
- Ngộ độc rượu
- Nguy cơ tai nạn hoặc tử vong khi đang say
- Tăng nguy cơ có những hành vi tình dục không an toàn
- Suy giảm hệ miễn dịch
- Các bệnh liên quan đến tim mạch như huyết áp cao hay đột quỵ
- Các bệnh về gan như viêm gan do rượu và xơ gan
- Nguy cơ tiến triển nhiều dạng ung thư, bao gồm ung thư gan, ung thư phổi và ung thư vú
- Các vấn đề về sức khỏe tâm thần, như trầm cảm, lo lắng hay căng thẳng.
Những ai không nên uống rượu bia?
Phụ nữ đang mang thai
Người đang phục hồi do nghiện rượu
Người chuẩn bị lái xe, điều khiển máy móc hay làm các công việc liên quan cần phản xạ và khả năng xử lý.
Người đang dùng thuốc có thể gây tác dụng phụ khi uống rượu
Người đang có tình trạng sức khỏe không tốt.
Người trẻ dưới độ tuổi uống rượu hợp pháp, tại Việt Nam là 18 tuổi.
Khi nào bạn nên đến gặp bác sỹ?
Bạn nên đến gặp bác sỹ khi bạn hay người thân có những dấu hiệu dưới đây
- Bạn cảm thấy mình uống quá nhiều hoặc không thể kiểm soát được lượng rượu bạn uống
- Bạn nhận thấy bạn dành nhiều thời gian để nghĩ đến rượu bia, ăn nhậu
- Bạn nhận thấy những tác động tiêu cực khi bạn uống rượi bia, bao gồm về cả sức khỏe, cuộc sống và những mỗi quan hệ.
- Gia đình, bạn bè và người thân bày tỏ thái độ lo ngại về việc uống rượu bia của bạn.