Ưu tiên khen thưởng lao động, người sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số

28/10/2021 16:30
Ảnh minh họa: ST

Ảnh minh họa: ST

Đại biểu Quốc hội Nàng Xô Vi (Kon Tum) đã kiến nghị như vậy khi góp ý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) tại Quốc hội ngày 28/10.

Sáng 28/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Góp ý dự thảo Luật, ĐBQH Nàng Xô Vi (Kon Tum) đồng tình với việc bổ sung nội dung quan tâm khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất, học tập, công tác nhằm tạo động lực để những nhóm đối tượng này tiếp tục hăng say lao động, sáng tạo, tạo ra của cải vật chất.

Tuy nhiên, Đại biểu Xô Vi đề nghị ưu tiên khen thưởng những người đang công tác, sinh sống tại địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hải đảo, vùng biên giới. Bởi theo Đại biểu, nước ta có biên giới trên đất liền trên 4.500km, giáp với các quốc gia như Trung Quốc, Lào, Campuchia và cũng có biên giới trên biển Đông, bờ biển, biển đảo mà trong đó có rất nhiều đảo, quần đảo như 2 quần đảo lớn Hoàng Sa và Trường Sa.

Ưu tiên khen thưởng lao động, người sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Nàng Xô Vi (đoàn Kon Tum)

Trong thực tế, để giữ vững chủ quyền biển đảo, gìn giữ biên giới, bờ cõi, phên giậu của Tổ quốc, những người sinh sống, công tác, tổ chức thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hải đảo, vùng biên giới còn gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng để thực hiện, hoàn thành nhiệm vụ của mình.

"Với những đóng góp này, các đối tượng trên rất cần nhà nước ưu tiên trong việc xét khen thưởng để ghi nhận thành tích, công lao và sự cống hiến của họ cho đất nước", Đại biểu Xô Vi kiến nghị.

Việc mở rộng đối tượng được khen thưởng cũng nhận được sự đồng tình của Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ). Theo Đại biểu Chí Nghĩa, dự thảo luật đã bổ sung và mở rộng các đối tượng được khen thưởng, như người lao động trực tiếp tham gia sản xuất, các doanh nhân, trí thức, nhà khoa học, kể cả các cá nhân, tập thể nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

"Việc mở rộng lần này sẽ huy động rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân tham gia tích cực vào phong trào thi đua yêu nước"- Đại biểu Chí Nghĩa nhìn nhận.

Đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cũng ủng hộ việc mở rộng đối tượng khen thưởng theo hướng bổ sung tiêu chuẩn khen thưởng huân chương cho công nhân, nông dân có sáng kiến hoặc mô hình sản xuất mang lại giá trị cao.

Đại biểu Hải cho rằng, đây là một nội dung sửa đổi, bổ sung rất quan trọng để thay thế điều kiện so với luật hiện hành, đó là có phát minh và sáng chế. Song ở đây, việc quy định những tiêu chuẩn như này còn rất khó và cao so với người công nhân và nông dân, đặc biệt là số lượng sáng kiến cũng như phạm vi ảnh hưởng của các sáng kiến.

"Theo tôi cần phải rà soát lại phạm vi ảnh hưởng, số lượng sáng kiến của người nông dân, của người công nhân. Chúng ta cũng cần phải đảm bảo sự chặt chẽ nhưng không dễ dãi, phải tạo điều kiện để cho người nông dân, công nhân tích cực tham gia các phong trào thi đua, tiếp cận với các danh hiệu thi đua. Lâu nay chúng ta đánh giá rằng là đối tượng nông dân và công nhân là số lượng tiếp cận với danh hiệu thi đua rất ít", Đại biểu Mai Văn Hải bày tỏ quan điểm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.