Vấn đề giới trong tiếp cận nguồn lực kinh tế và thị trường lao động của người DTTS: Các khuyến nghị chính sách

11/08/2021 07:00
Cán bộ khuyến nông huyện Kbang hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây mì cho người dân tộc thiểu số. Ảnh minh họa: Đ.T

Cán bộ khuyến nông huyện Kbang hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây mì cho người dân tộc thiểu số. Ảnh minh họa: Đ.T

Tăng cường cơ hội cho các nhóm nữ DTTS yếu thế được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách, dịch vụ và nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế và thị trường lao động nhằm cải thiện việc làm và địa vị kinh tế của họ.

Giải pháp cho Khuyến nghị:

Giải pháp 1: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của phụ nữ và nam giới DTTS về quyền bình đẳng trong sở hữu đất đai, tài sản; và tham gia vào các quyết định về kinh tế trong hộ gia đình và cộng đồng. Bên cạnh đó, tăng cường tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho phụ nữ DTTS có đủ kiến thức và kỹ năng để sử dụng các quyền về tài sản của mình, bảo đảm bình đẳng giới thực chất.

Giải pháp 2: Tăng cường hỗ trợ các nhóm phụ nữ DTTS yếu thế nhất được tiếp cận và thụ hưởng bình đẳng với cộng đồng người DTTS địa phương tới các nguồn lực của Chương trình Mục tiêu Quốc gia Phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS&MN giai đoạn 2021-2030.

Cụ thể, cần bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong Dự án 3 về "Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp phát huy tiềm năng thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị":

(i) Quy định tỷ lệ nữ, nam DTTS tham gia lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và hưởng lợi từ tất cả các hoạt động của Dự án 3 không dưới 30% cho mỗi giới trong giai đoạn 2021-2025 và không dưới 40% cho mỗi giới vào giai đoạn 2026-2030;

(ii) Ít nhất 30% ngân sách của 3 Tiểu dự án trong Dự án 3 được dành cho các dự án, mô hình, hoạt động được đề xuất và thực hiện bởi các hộ DTTS nghèo do phụ nữ là chủ hộ, hộ do phụ nữ DTTS đơn thân là chủ hộ; và các tổ nhóm sản xuất, tổ hợp tác của phụ nữ; các HTX, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ;

(iii) Tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo để nâng cao kiến thức, kỹ năng cho các nhóm phụ nữ DTTS yếu thế nhất (phụ nữ DTTS trung tuổi, không biết nói, đọc, viết tiếng phổ thông, trình độ học vấn thấp, đang nuôi con nhỏ…) về khoa học kỹ thuật, tính toán chi tiêu và sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Các khóa đào tạo/tập huấn cần đáp ứng giới, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của các nhóm phụ nữ DTTS yếu thế (đào tạo/tập huấn bằng ngôn ngữ dân tộc; đào tạo theo phương pháp kèm cặp, tăng cường thực hành tại thực địa; thời gian đào tạo dài hơn; có hỗ trợ chi phí hoặc bố trí trông con nhỏ trong thời gian đào tạo);

(iv) Nâng cao năng lực cho nữ DTTS là chủ doanh nghiệp/cơ sở SX-KD-DV/HTX ở vùng DTTS&MN về trình độ ngoại ngữ, khả năng tiếp cận thông tin thị trường trong và ngoài nước.

Vấn đề giới trong tiếp cận nguồn lực kinh tế và thị trường lao động của người DTTS: Các khuyến nghị chính sách - Ảnh 1.

Phụ nữ dân tộc thiểu số ở xã miền núi, biên giới Mai Sơn, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Ảnh minh họa: Tá Chuyên/TTXVN

Giải pháp 3: Tăng cường cung cấp thông tin, tuyên truyền và dịch vụ hỗ trợ di cư lao động an toàn và phòng chống mua bán người cho lao động nữ DTTS, bao gồm cả nhóm lao động nữ DTTS đã/có nguy cơ di cư bất hợp pháp qua biên giới. Các hoạt động hỗ trợ như: tư vấn định hướng nghề nghiệp; tư vấn học nghề; giới thiệu việc làm, tư vấn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ pháp lý trong quan hệ lao động; quản lý tài chính và chuyển tiền về nhà; tư vấn giải quyết khủng hoảng, khó khăn trong quá trình di cư lao động và cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân mua bán người.

Giải pháp 4: Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ DTTS và các tổ chức đại diện của phụ nữ trong quá trình xây dựng, vận hành, quản lý-điều hành và giám sát các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm và chuyển đổi việc làm ở địa phương, vùng DTTS. Cụ thể, căn cứ vào tình hình bất bình đẳng giới ở địa phương/vùng DTTS để (i) quy định tỷ lệ nam-nữ DTTS tham gia vào quá trình xây dựng, vận hành, quản lý-điều hành và giám sát các chính sách, chương trình, dự án; và (ii) xây dựng mô hình thí điểm hỗ trợ nữ DTTS tham gia vào quá trình xây dựng, vận hành, quản lý-điều hành và giám sát các chính sách, chương trình, dự án. Sau quá trình triển khai mô hình thí điểm, cần tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình.

Nguồn: "Tóm tắt chính sách: Các vấn đề giới trong các dân tộc thiểu số ở Việt Nam"

(còn nữa)

Nguồn: Tóm tắt chính sách: Các vấn đề giới trong các dân tộc thiểu số ở Việt Nam

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.