Văn hóa Mường lưu giữ và phát huy loại hình văn nghệ dân gian

29/05/2023 17:24
Câu lạc bộ văn hóa - văn nghệ dân gian loại hình hát Ví, hát Rang, chàm Đuống  xã Lai Đồng, Tân Sơn, Phú Thọ

Câu lạc bộ văn hóa - văn nghệ dân gian loại hình hát Ví, hát Rang, chàm Đuống xã Lai Đồng, Tân Sơn, Phú Thọ

Người Mường mang trong mình một sức sống mạnh mẽ, lâu bền với bản sắc văn hóa mộc mạc, giản dị, nhưng đặc sắc và ấn tượng.

Đồng bào Mường sống định canh định cư ở các vùng núi thấp. Nơi có nhiều đất sản xuất và gần đường giao thông thuận lợi cho việc làm ăn. Nguồn sống chủ yếu là sản xuất thâm canh cây lúa nước, kết hợp nương rẫy và phát triển chăn nuôi.

Nguồn kinh tế phụ của các hộ gia đình người Mường là khai thác lâm thổ sản như: gỗ, tre, nứa, mây, song... cùng với nghề thủ công ươm tơ dệt vải, đan lát. Do có nguồn gốc từ xa xưa, và có số dân đông đúc nên người Mường có đời sống văn hóa tinh thần khá phong phú, nhiều phong tục, lễ hội truyền thống, các trò chơi dân gian được đồng bào gìn giữ, bảo tồn.

Văn hóa Mường: Lưu giữ và phát huy loại hình văn nghệ dân gian - Ảnh 1.

Các CLB văn hóa, văn nghệ nhằm tạo ra một sân chơi lành mạnh, phong phú cho những tập thể, cá nhân luôn gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Ông Đinh Văn Toán - Phó Chủ tịch UBND xã Lai Đồng, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ: Hiện nay trên địa bàn xã Lai Đồng đã công nhận các câu lạc bộ (CLB) văn hóa văn nghệ dân gian tại các khu dân cư, điển hình như việc thành lập và ra mắt mô hình CLB "Bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tôc" xã Lai Đồng là hoạt động đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng bà con nhân dân, giúp hội viên có cơ hội rèn luyện và nâng cao chất lượng hoạt động của câu lạc bộ.

Cùng với đó, người Mường còn có những lễ hội đặc sắc gắn với tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng đuống, lời hát Ví, hát Rang… Tiếng cồng, tiếng chiêng có mặt trong mọi mặt của đời sống, vang lên khi một đứa trẻ người Mường sinh ra, khi có người Mường mất... các loại hình văn hóa này đã được sáng tạo, lưu truyền trong đời sống cộng đồng người Mường hàng nghìn năm, góp phần quan trọng làm nên bản sắc văn hóa của dân tộc Mường.

Bên cạnh những lễ hội truyền thống, kho tàng văn nghệ dân gian đặc sắc, nét độc đáo làm nên văn hóa đặc trưng của người Mường còn thể hiện qua trang phục, nhà ở, ẩm thực mang đậm giá trị truyền thống. Có thể nói, sự mộc mạc và giản dị nhưng những giá trị văn hóa đặc sắc ấy đã được bao thế hệ người Mường gìn giữ, bảo tồn, tạo nên sức sống mãnh liệt, bền lâu trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Văn hóa Mường: Lưu giữ và phát huy loại hình văn nghệ dân gian - Ảnh 2.

Các CLB văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc Mường tại Tân Sơn, Phú Thọ

Mới đây, tại huyện Tân Sơn đã ra mắt "CLB Văn hóa - Văn nghệ dân gian nòng cốt xã Lai Đồng" với loại hình hát Ví, hát Rang, chàm Đuống của xã Lai Đồng, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Việc ra mắt và thành lập CLB giúp thúc đẩy, khuyến khích sự tham gia của người dân bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Quá trình hoạt động, các CLB xây dựng kế hoạch tập luyện, giao lưu, chia sẻ, sưu tầm, thống kê hình thành "ngân hàng dữ liệu" về bảo tồn và đẩy mạnh, nâng cao các giá trị mang đậm bản sắc văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc Mường.

Có thể nói, sự mộc mạc và giản dị của văn hóa Mường là những giá trị văn hóa đặc sắc được bao thế hệ người Mường gìn giữ, bảo tồn, tạo nên sức sống mãnh liệt, bền lâu trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đây chính là điều kiện để xây dựng thế hệ nghệ nhân trẻ, nòng cốt làm lực lượng kế cận trong việc bảo tồn và phát huy di sản không gian văn hóa đồng bào dân tộc Mường.

Ông Đinh Văn Toán khẳng định, việc khôi phục các hoạt động sinh hoạt văn hóa truyền thống kết hợp hài hòa với môi trường văn hóa hiện đại, để các nghệ nhân và thế hệ trẻ có điều kiện thuận lợi hoạt động, thực hành, hòa nhập với xu thế phát triển chung của toàn xã hội nhưng vẫn gìn giữ được bản sắc riêng của dân tộc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn