Vay tín chấp như chơi dao hai lưỡi

18/09/2015 - 16:24
Theo chuyên gia tài chính, tình thế của người đi vay lúc ấy chẳng khác gì một chiếc thuyền con muốn vượt sóng lớn. Nó có thể bị nhấn chìm bất cứ lúc nào.
Vay tín chấp được nhiều người coi là giải pháp tối ưu mỗi khi kẹt tiền mà không có tài sản gì để thế chấp. Tuy nhiên, nếu lạm dụng giải pháp tài chính này thì rất có thể rơi vào tình huống “hiểm nghèo” khó thoát.

Phạm Hương Thảo là nhân viên văn phòng của một doanh nghiệp nhỏ, thu nhập hơn 4 triệu đồng/tháng. Cuối năm ngoái, chị có nhu cầu “nâng cấp” chiếc laptop để phục vụ công việc nhưng kiểm lại ngân quỹ thì chỉ có vỏn vẹn 2 triệu đồng trong tủ.
Đang phải ở nhà thuê nên Thảo chẳng có gì để thế chấp vay vốn ngân hàng. Giữa lúc đang bí bách thì có một cô gái gọi điện, thông báo công ty tài chính X. đang có chương trình cho vay không thế chấp, chỉ cần giấy xác minh thu nhập của cơ quan là được. Cô ta còn cho biết, lãi suất chỉ trên 2%/tháng, khá dễ chịu. Thế là Thảo hăm hở làm giấy xác nhận thu nhập 10 triệu đồng/tháng để vay 15 triệu đồng.

Không ngờ, sau 6 tháng “cày sâu cuốc bẫm” để trả nợ, chị kiểm lại thì thấy khoản tiền lãi đã chiếm tới gần 50% số tiền đi vay. Thảo gọi điện hỏi cô tư vấn thì được nhận một tờ giấy ghi rõ các khoản phải thanh toán đúng theo khế ước vay nợ, đối chiếu với quá trình thanh toán thì thấy không có gì khác biệt. Chị đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”, cố gắng trả dứt nợ càng sớm càng tốt.

Trường hợp của chị Thảo vẫn còn là nhẹ so với chị Trang, phó phòng Kinh doanh của một công ty. Thu nhập cố định hàng tháng chỉ 8 triệu đồng, vậy mà chị dám nuôi “giấc mộng xe hơi”.
Tình thế của người đi vay tín chấp giống một chiếc thuyền con muốn vượt sóng lớn, có thể bị nhấn chìm bất cứ lúc nào. Ảnh: Theo Shutter Stock

Qua một số người giới thiệu, chị liên hệ với một ngân hàng đang có chương trình cho vay tiêu dùng với các điều kiện khá dễ dàng: vay 200 triệu, thời hạn 2 năm để gộp với tiền sẵn có mua ô tô. Khi vay, chị tính mỗi tháng chỉ phải trả khoảng 5 triệu đồng cả gốc lẫn lãi, nhưng thực tế, số tiền chị phải trả hàng tháng lên tới trên 10 triệu đồng, trả suốt cả năm vẫn “cố định” chừng đó, không hề suy chuyển.

Hoảng quá, Trang tìm một người bạn làm ở ngân hàng hỏi có điều “khuất tất” gì, thì được trả lời là “Không!”. Chị vội vàng “huy động” từ mọi nguồn có thể để trả nợ trước hạn, nhưng lại phải chịu phạt với mức 3,5% trên tổng số nợ còn lại. Tổng cộng, chị phải trả tới trên 270 triệu đồng.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia tài chính, khi có nhu cầu vay tiền mà không có tài sản thế chấp thì người vay cần hết sức tỉnh táo, tính toán kỹ lưỡng trước khi ký khế ước. Bởi tình thế của người đi vay lúc ấy chẳng khác gì một chiếc thuyền con muốn vượt sóng lớn. Nó có thể bị nhấn chìm bất cứ lúc nào.

Bài học đầu tiên mọi người nên thuộc, đó là khi vay tín chấp, bạn cần biết nhiều thông tin và tham khảo nhiều ngân hàng, đồng thời dựa trên điều kiện của mình để vay cho hợp lý. Bởi khác với vay có thế chấp, hình thức vay tín chấp không có cách tính lãi suất giảm dần theo số dư nợ thực tế, mà sẽ cố định trong suốt thời gian trả nợ, căn cứ số dư nợ ban đầu. Cũng có một số ngân hàng cho phép trả lãi theo phương thức giảm dần nhưng lãi suất cao hơn nhiều so với vay có thế chấp. Hiện lãi suất cho vay tín chấp của các ngân hàng có sự chênh lệch, nên hãy chọn ngân hàng có lãi suất thấp nhất.

Bên cạnh đó, mức phí để hoàn tất hồ sơ cho vay là điều đáng quan tâm. Có ngân hàng mức phí này cao gấp 4-5 lần so với những ngân hàng khác, thậm chí có những ngân hàng miễn phí công đoạn này như ACB, Sacombank, MB... Mức cho vay tối đa cũng là điều cần tìm hiểu kỹ. Có ngân hàng cho vay trong giới hạn khá hẹp so với mức thu nhập người vay chứng minh, song cũng có một số ngân hàng tỏ ra “hào phóng”. Thường thì ngân hàng “hào phóng” có lãi suất cao hơn.

Cuối cùng, khi quyết định vay, phải tính tới khả năng trả nợ. Nếu đã chấp nhận vay với lãi suất cao thì cố gắng trả càng nhanh càng tốt, không nên vay với thời hạn quá lâu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm