Về Củ Chi xem đua heo ngày đầu năm mới

07/02/2019 - 10:50
Ngày xuân, rời xa sự ồn ào náo nhiệt của đô thành, du khách tìm đến làng du lịch sinh thái của người dân tộc thiểu số tại xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi (TPHCM) để xem đua heo và trải nghiệm những phút giây thư giãn thú vị giữa khung cảnh thiên nhiên trong lành, yên tĩnh.

Được thành lập từ năm 2002 đến nay, khu du lịch sinh thái các dân tộc thiểu số Củ Chi nổi tiếng với hoạt động tổ chức đua heo, đây là trò giải trí nổi bật mang tính đặc trưng của người đồng bào thiểu số nơi này.

 

anh1.JPG
6 "vận động viên" heo đang tranh tài ở trường đua Củ Chi

 

Theo người dân địa phương, hoạt động đua heo diễn ra thường xuyên cho du khách khắp nơi được “mục sở thị” khi đến thăm làng du lịch. Mặc dù hiện tại số lượng khách đặt chân đến tham quan giảm đáng kể so với thời hoàng kim, nhưng những dịp cuối tuần, ngày lễ Tết, làng du lịch tiếp đón lên tới 500-700 lượt/ngày. Đa số khách đều tỏ ra yêu thích hoạt động đua heo và tổ chức vui chơi dã ngoại ngoài trời.


Một số chuyên gia văn hóa cho biết, trò đua heo có từ thế kỷ XVII và diễn ra định kỳ hàng năm vào ngày 20/3 tại Nga và phổ biến tại miền Nam nước Mỹ, Anh, Thái Lan, Trung Quốc... Tại một số quốc gia, người ta còn thành lập Liên đoàn Thể thao heo và tổ chức cả Olympic dành cho heo với 3 môn: chạy đua, bơi và đá bóng.


Chị Trần Dã Thảo, quản lý khu du lịch cho hay: “Những chú heo được huấn luyện để đua phải là heo rừng lai, tuổi đời từ 2-3 tháng. Chúng được nuôi riêng và tập chạy trên đường đua hàng ngày để quen dần. Sau khoảng 10-20 ngày tập chạy trên đường đua, những “vận động viên” heo có thể được đưa ra thi chạy. Khi chú heo đạt đến trọng lượng từ 25kg trở lên sẽ phải rời sàn thi đấu để nhường chỗ cho thế hệ tiếp theo”.

 

anh2.jpg
Người dân cổ vũ khi heo về đích

 

Trong khuôn viên hàng chục hecta của làng du lịch, trường đua heo được thiết kế khá đơn giản với dàn khung vây quanh bằng tre nứa và lợp mái lá để che mưa nắng. Trường đua được chia ra 6 đường đua, mỗi đường dài khoảng 30m và chỉ rộng 30cm. Khi gỡ cây rào chắn ngang, các chú heo được lùa vào đường đua sẵn sàng chuẩn bị tư thế. Người chọn chú ở đường số 2, người chọn số 3, 6… Tiếp đó quản trò… hét cho các “vận động viên” đứng dậy, rồi ra hiệu lệnh. 6 cánh cửa lồng sắt mở cùng lúc, các “chú Trư” hì hục chạy, vượt qua các chướng ngại vật lao thẳng về đích.

 

Tuy thế, cũng có chú thấy cổ động viên đông quá, đứng lại nhìn ngơ ngác; có chú thấy mẩu bánh mỳ lập tức dừng lại đánh chén, khi huấn luyện viên gõ vào thanh sắt thì các chú mới… chạy tiếp. Trong số các “vận động viên”, có nàng thân hình rất to, vừa mới sinh nên bầu sữa cứ lúc lắc, nhưng không vì thế mà chạy thua đối thủ.

 

anh-4-copy.jpg

 

Rất đông cổ động viên hò hét, liên tục được gõ vào rào chắn, những tràng pháo tay tán thưởng cuồng nhiệt vang lên không ngớt. Anh Bùi Văn Khách, huấn luyện viên tại trường đua, cho biết: “Giai đoạn xuất phát mất nhiều thời gian huấn luyện nhất. Để các chú heo rời điểm xuất phát tốc độ và cùng lúc thì phải dạy cho chúng quen khẩu lệnh. Khi đã thuần thục, từ sáng sớm cho ăn xong, mở chuồng là chúng tự động chạy qua trường đua nằm chờ. Nhiều khi 2 chú giành một lồng, chúng tôi phải vất vả tách ra.

 

Trong cuộc đua, nhiều khi con chạy đầu tiên cũng có thể về chót, vì khán giả hét to quá hoặc thấy thức ăn là dừng lại. Trong quá trình làm “vận động viên”, các chú heo phải “ép cân” chừng 20kg để kéo dài thời gian đua, nếu lớn nhanh hay mập quá sẽ ảnh hưởng đến tốc độ”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm