Về Triều Khúc nghe tay trống cao niên lý giải từ "con đĩ" trong điệu múa bồng

07/02/2023 09:55
Múa "Con đĩ đánh bồng" ở hội làng Triều Khúc

Múa "Con đĩ đánh bồng" ở hội làng Triều Khúc

Chúng tôi tìm về làng Triều Khúc (huyện Thanh Trì, Hà Nội), một ngày khi những hạt mưa xuân lất phất để được nghe, tìm hiểu về điệu múa cổ đất Thăng Long: "Con đĩ đánh bồng".

Điệu múa cổ vũ tinh thần tướng sĩ

Theo các bậc cao niên làng Triều Khúc, múa bồng có khởi nguồn gắn với huyền tích về vị anh hùng dân tộc Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng (761 - 802). Sau khi chiến thắng quân Đường ở thành Tống Bình (làng Triều Khúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội ngày nay), ông đã chọn những lính tráng tài hoa giả gái múa đánh bồng, để tạo không khí vui tươi, khích lệ tinh thần ba quân tướng sĩ.

Từ đó, múa bồng đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ nghệ nhân dân gian. Đến nay, múa bồng đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc của hội làng Triều Khúc, tổ chức vào ngày 9 - 12/1 (Âm lịch) hằng năm. Ngoài ra, điệu múa này còn được giới thiệu tại các lễ hội truyền thống gắn với lịch sử, văn hóa lâu đời của đất Thăng Long - Hà Nội và các tỉnh bạn những khi có lễ hội...

Hình thức nghệ thuật diễn xướng dân gian này được lưu truyền và có những bản sắc riêng, không giống những loại hình nghệ thuật truyền thống khác, vì vậy, nó rất cầu kỳ và phức tạp. Để có được người múa hợp trong một cặp, các nghệ nhân phải chọn lựa cẩn thận, rồi truyền nghề. Khi học múa, người học không chỉ phải thuộc các động tác mà còn phải biết nhập tâm, phải thể hiện được thần thái của điệu múa.

Về nơi có điệu múa cổ đất Thăng Long - Ảnh 1.

Những điệu múa uyển chuyển, ánh mắt đong đưa theo nhịp trống của các “con đĩ đánh Bồng” - Ảnh: Nam Trần

Theo ông Giang Nguyên Bồi (thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội), một người am hiểu về múa bồng và là một tay trống cao tuổi nhất (67 tuổi) trong Câu lạc bộ múa bồng làng Triều Khúc chia sẻ: "Nhiều người khi nghe từ "đĩ" thấy phản cảm nhưng trước kia từ "đĩ" không phải là một từ mang ý nghĩa tiêu cực. Nó chỉ dùng để ám chỉ những người con trai giả dạng nữ nhân. Cũng bởi vì thấy thuộc hạ nam nhân giả gái, múa may quá lả lơi mà Vua Phùng Hưng gọi họ là những "con đĩ".

Trong mỗi lần hội làng Triều Khúc, ít nhất phải có 6 "con đĩ" nhảy điệu múa bồng. Họ đều phải là trai tân chưa vợ, mặt mũi khôi ngô, tuấn tú, tươi tắn, ngoan ngoãn, con nhà gia giáo. Mặt hoa da phấn, môi son, má hồng, mặc đồ giả gái, khoác trống bồng trước ngực, nhảy những điệu múa phải cực kỳ lả lơi, quấn quýt bên nhau.

Điệu múa đánh bồng cực phóng khoáng, dứt khoát mạnh mẽ, nhưng cũng rất mềm mại, linh hoạt. Chỉ có mấy động tác đơn giản như xoay tròn, dựa lưng, úp mặt vào ngực nhau nhưng quả thực mang cái dáng dấp, kiểu cách mà không phải ai cũng bắt chước được.

Nguyện là người gìn giữ và đưa múa bồng vang xa

Tậm sự với chúng tôi anh Nguyễn Huy Tuyển (45 tuổi) Chủ nhiệm Câu lạc bộ múa bồng Triều Khúc chia sẻ: "Là thế hệ sau và được nghệ nhân Triệu Đình Hồng (đã mất) truyền dạy, bản thân tôi đã có thâm niên múa và sinh hoạt trong câu lạc bộ 20 năm có lẻ. Tôi rất tự hào là một trong những người góp một phần bé nhỏ của mình vào công việc bảo tồn điệu múa cổ cũng như công việc truyền dạy cho thế hệ sau để điệu múa cổ làng mình mãi còn với thời gian".

Về nơi có điệu múa cổ đất Thăng Long - Ảnh 2.

Anh Nguyễn Huy Tuyển Chủ nhiệm Câu lạc bộ múa bồng Triều Khúc say sưa kể về điệu múa cổ của làng mình

Cũng theo anh Tuyển người có công gây dựng và lưu giữ điệu múa cổ đến ngày nay là ông Triệu Đình Hồng. Là một trong những người con của làng rất tâm huyết với điệu múa cổ nên sau ngày đất nước giải phóng năm 1975, ông Hồng cùng các cụ cao niên trong làng gây dựng lại điệu múa cổ và phát triển nó cho đến ngày nay. 

Biểu diễn múa bồng là có dàn nhạc đánh hai bên, người múa ở giữa. Tiếng trống râm ran, cờ hoa bay trong không trung rất là vui, hạnh phúc vô cùng. Điệu múa này chạm tới trái tim người xem.

Ông Giang Nguyên Bồi

Với ước muốn lan tỏa điệu múa trong cộng đồng, từ năm 1985, ông Hồng bắt đầu vận động thanh niên trẻ trong làng học múa bồng, điệu múa có nguyên tắc chỉ truyền dạy cho thanh niên trong làng Triều Khúc với tiêu chuẩn ngoan ngoãn, không vướng tệ nạn xã hội, khuôn mặt khôi ngô, tuấn tú và gia đình đầy đủ...

Từ năm 2010, được sự nhất trí của địa phương, các lớp học múa bồng được tổ chức trong trường cấp 2 Tân Triều. Cứ hai khóa sẽ có một lớp mở ra để dạy những em muốn học. Mỗi lớp kéo dài khoảng hai đến ba tháng, mỗi tuần hai buổi, mỗi buổi một đến hai tiếng.

"Tôi cũng như 30 thành viên trong Câu lạc bộ luôn mong thế hệ sau, đặc biệt là các cháu tuổi thiếu niên luôn yêu thích, cố gắng rèn luyện để lưu truyền điệu múa cổ của làng. Với tình thần cống hiến dù Câu lạc bộ còn gặp nhiều khó khăn nhưng các thành viên trong Câu lạc bộ luôn bảo ban nhau cố gắng để lưu giữ điệu múa, nét văn hóa đặc sắc của làng và để tiếng trống, điệu múa bồng còn vang mãi", anh Nguyễn Huy Tuyển Chủ nhiệm Câu lạc bộ múa bồng tâm sự.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn