Vẹn nguyên giá trị văn hóa của đồng bào Bahnar ở làng cổ Kon K’tu

Trẻ em làng Kon K’tu bên những bức tượng gỗ do người làng tạc.

Trẻ em làng Kon K’tu bên những bức tượng gỗ do người làng tạc.

Giữa phố thị nhộn nhịp, đồng bào Bahnar ở làng cổ Kon K’tu (xã Đăk Rơ Wa, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Hiện tại, họ tham gia làm du lịch cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế…

Vẹn nguyên giá trị văn hóa của đồng bào Bahnar ở làng cổ Kon K’tu - Ảnh 1.

Một góc thơ mộng ở làng Kon K’tu.

Vẹn nguyên giá trị văn hóa ở làng cổ 300 tuổi

Ông A Đưn - Trưởng làng Kon K’tu chia sẻ, theo tiếng Bahnar, Kon có nghĩa là làng, còn K’tu có nghĩa là cổ. Làng cổ này có lịch sử hơn 300 năm. Dù làng trong phố nhưng Kon K’tu vẫn giữ nguyên được nét đẹp cổ xưa của người Bahnar. Giữa làng là ngôi nhà rông cao vút, với mái hình lưỡi rìu ngạo nghễ, vươn lên giữa trời xanh. Nhà rông này chính là nơi sinh hoạt cộng đồng của 138 hộ đồng bào Bahnar với 736 nhân khẩu.

Vẹn nguyên giá trị văn hóa của đồng bào Bahnar ở làng cổ Kon K’tu - Ảnh 2.

Giữa làng Kon K’tu là ngôi nhà rông cao vút.

Ngoài nhà rông, hiện làng vẫn còn trên 20 ngôi nhà sàn được dựng theo kiến trúc truyền thống. Nhà sàn có hình chữ nhật với chiều dài trung bình khoảng 10m. Những kiến trúc, chất liệu của nhà sàn gắn liền với thiên nhiên, tiện lợi với cuộc sống sinh hoạt thường ngày của bà con bản địa.

Những ngôi nhà sàn được xây dựng xung quanh nhà rông và cùng quay mặt về hướng Nam. Theo quan niệm của người Bahnar, đây là hướng mang lại sự may mắn, thuận lợi cho việc làm ăn và yên ổn trong cuộc sống. Ở mỗi ngôi nhà có 3 - 4 đời người Bahnar sinh sống với nhau. Đó là sự gắn kết cộng đồng dân tộc và là niềm tự hào của đồng bào nơi đây.

Ở làng Kon K’tu, một số nghề truyền thống gắn liền với đời sống người dân như: dệt thổ cẩm, đan lát… vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn.

Bằng tình yêu nghề và với đôi bàn tay khéo léo của mình, những phụ nữ Bahnar lớn tuổi ở làng luôn nỗ lực gìn giữ nghề dệt thổ cẩm và truyền dạy cho thế hệ trẻ. Hiện làng có tổ dệt thổ cẩm hoạt động với 18 thành viên nữ. Họ thường xuyên làm ra những sản phẩm dệt thổ cẩm mang đậm nét văn hóa của người Bahnar như: váy, khố, áo, chăn đắp, tấm địu trẻ em, khăn choàng…

Vẹn nguyên giá trị văn hóa của đồng bào Bahnar ở làng cổ Kon K’tu - Ảnh 3.

Làng Kon K’tu có tổ dệt thổ cẩm hoạt động với 18 thành viên nữ.

Đến với làng Kon K’tu cũng chính là đến với điểm nhấn của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Từ bao đời nay, cồng chiêng gắn với đồng bào Bahnar như một phần không thể thiếu trong suốt vòng đời mỗi con người và trong hầu như tất cả các sự kiện quan trọng của cộng đồng. Hầu hết thanh niên trong làng đều biết sử dụng nhạc cụ cồng chiêng, còn các thiếu nữ rất nổi tiếng với điệu múa xoang truyền thống.

Những chiếc gùi do chính người dân làng Kon K’tu đan để phục vụ du lịch. Đến với làng Kon K’tu cũng chính là đến với điểm nhấn của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Nơi đây còn có các lễ hội truyền thống diễn ra hằng năm. Chẳng hạn như lễ Ét đông (Tết con dúi) là để cầu mong mọi gia đình trong cộng đồng làng được ấm no, hạnh phúc, là ngày tổ tiên ông bà về thăm con cháu và là ngày gắn kết thêm tình cảm của cả cộng đồng làng. Hay lễ mừng lúa mới được tổ chức với ý nghĩa tạ ơn Yàng Sri (thần lúa) đã mang đến một mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, cầu cho năm sau mùa màng được ổn định… Trong các lễ hội không thể thiếu tiếng cồng chiêng và những điệu múa xoang uyển chuyển.

Đồng bào Bahnar tham gia làm du lịch cộng đồng

Tháng 7/2020, Kon K’tu được UBND tỉnh Kon Tum công nhận là Làng du lịch cộng đồng. Từ đó, chính quyền xã Đăk Rơ Wa đã chủ động phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức cho bà con tham gia các lớp tập huấn như: mô hình du lịch, kinh doanh homestay, ẩm thực, chế biến rượu cần…

Địa phương còn liên kết với Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum đào tạo, cấp chứng chỉ dịch vụ nhà hàng cho 25 học viên trong làng. Các công trình giao thông, công trình công cộng cũng được đầu tư để phát triển du lịch.

Khi tham gia làm du lịch cộng đồng, bà con được hưởng lợi nhiều hơn về chính sách ưu đãi vốn vay, cũng như được địa phương giới thiệu nhiều du khách đến tham quan. Nhờ đó, bà con vừa có tiền dịch vụ lưu trú, vừa tiêu thụ các mặt hàng sẵn có như: gà, rau rừng, măng, cơm lam, rượu cần, sản phẩm từ thổ cẩm, đan lát… góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Những năm gần đây, người dân làng Kon K’tu đã tham gia làm du lịch cộng đồng. Một homestay ở Làng du lịch cộng đồng Kon K’tu.

"Thu nhập từ homestay đủ để trang trải cho cuộc sống. Tuy nhiên, điều làm gia đình tôi vui nhất chính là việc mở homestay giúp mỗi thành viên trong gia đình mạnh dạn hơn trong giao tiếp, được giao lưu với nhiều người và mở mang tư duy, biết kết hợp nhiều loại hình phát triển kinh tế. Ở làng, một số hoạt động như: dệt thổ cẩm, đan lát, ẩm thực luôn được bà con duy trì nên đảm bảo nhu cầu trải nghiệm, thưởng thức cho khách du lịch", chị Y Bom - chủ một homestay ở làng Kon K’tu chia sẻ.

Theo ông Đào Văn Hậu - Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Wa, để phát triển Làng du lịch cộng đồng Kon K’tu, địa phương sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, khuyến khích, động viên người dân duy trì và phát triển các giá trị văn hóa, ngành nghề truyền thống để thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu nét đẹp văn hóa, đời sống đồng bào Bahnar tại chỗ.

Vẹn nguyên giá trị văn hóa của đồng bào Bahnar ở làng cổ Kon K’tu - Ảnh 6.

Đồng bào Bahnar tham gia làm du lịch có thể tiêu thụ các mặt hàng sẵn có như: gà, rau rừng, măng, cơm lam, rượu cần…

Bên cạnh đó, địa phương tiếp tục hướng dẫn người dân cách làm du lịch theo hướng gắn kết du lịch cộng đồng với du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp. Trong đó, ưu tiên và chú trọng phát triển mô hình du lịch vườn theo hướng nhân rộng các vườn cây ăn trái theo mô hình VietGap như: chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, xoài… để thu hút du khách tham quan trải nghiệm, thưởng thức trái cây sạch, ngon, rẻ, góp phần tạo ra sự liên kết bền vững giữa nông nghiệp xanh và dịch vụ du lịch trên địa bàn xã.

Trong thời gian tới, chính quyền xã Đăk Rơ Wa cũng sẽ sớm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý dịch vụ du lịch, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, các thông tin về thời tiết, kinh phí theo tour, lộ trình đến các điểm du lịch, đặc điểm nơi đến… để du khách chủ động chuẩn bị, tham gia hoạt động trải nghiệm tại Làng du lịch cộng đồng Kon K’tu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn