pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vì sao buổi tập gym đầu tiên có thể phá hủy thận của bạn?
Mới đây, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai có tiếp nhận một nam bệnh nhân 20 tuổi nhập viện trong tình trạng bí tiểu, cơ thể mệt mỏi. Người nhà cho biết, nam thanh niên bắt đầu có các triệu chứng sau buổi đầu tiên tập thể hình.
Do chưa tập gym bao giờ và không có huấn luyện viên chuyên nghiệp, nam thanh niên đã nâng tạ quá nặng nên bị đau cơ, mệt mỏi. Đến ngày thứ tư thì bắt đầu thấy bí tiểu, khó thở và đi khám.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, cho biết, bệnh nhân bị tổn thương cơ vân. Vì có tiền sử viêm cầu thận nên nam thanh niên có nguy cơ suy thận. Tuy nhiên, may mắn là bệnh nhân đã được đưa tới bệnh viện kịp thời nên thận còn khỏe mạnh.
Nếu gia đình đưa đi bệnh viện muộn hơn, nam thanh niên này có thể bị suy thận, phải chạy thận vì một tình trạng được gọi là Rhabdomyolysis, hay tiêu cơ vân, mà mọi người cần chú ý phòng tránh khi tập luyện thể dục cường độ nặng.
1. Tiêu cơ vân (Rhabdomyolysis) là gì?
Tiêu cơ vân là một hội chứng trong đó các tế bào cơ vân bị tổn thương, làm rò rỉ một loạt các chất trong tế bào cơ đi vào máu. Các chất này bao gồm kali, axit uric, myoglobin, axit lactic, các enzym: creatine kinase (CK), AST, ALT…
Nồng độ cao của các chất kể trên dẫn đến rối loạn nước điện giải, toan chuyển hoá, sốc, tăng kali máu, hội chứng khoang, ngoài ra myoglobin còn làm tắc ống thận gây suy thận cấp nếu không được điều trị kịp thời.
2. Tập thể dục quá sức và các nguyên nhân gây tiêu cơ vân
Tiêu cơ vân có thể xảy ra vì nhiều lý do. Trong trường hợp của nam thanh niên kể trên, anh ta đã bị tiêu cơ vân do tập luyện quá sức. Cụ thể, việc đẩy tạ quá nặng ngay từ buổi tập đầu tiên đã gây kiệt sức và tổn thương cơ bắp.
Các tế bào cơ vân bị xé rách trong quá trình này đã giải phóng các tế bào chất của nó vào máu và dẫn đến các triệu chứng. Ngay cả các vận động viên chuyên nghiệp nhưng thi đấu trong các bộ môn đòi hỏi sức bền như chạy marathon, 3 môn phối hợp, bóng đá, crossfit cũng dễ bị tiêu cơ vân.
Mất nước và nhiệt độ môi trường cao trong khi bạn tập thể dục có thể làm tăng nguy cơ tiêu cơ vân. Ngoài ra, tiêu cơ vân cũng có thể phát sinh từ các chấn thương khách quan (chẳng hạn như bị xe đâm, bị gãy chân tay, điện giật hoặc bỏng nặng).
Một số loại thuốc và ma túy như cocaine, amphetamine, thuốc chống loạn thần, statin hoặc sử dụng thuốc cholesterol cũng có thể gây ra tình trạng tiêu cơ vân. Béo phì, sử dụng thuốc lá, thiếu men cơ làm tăng cơ hội phát triển tiêu cơ vân. Đàn ông cũng có nhiều khả năng mắc bệnh hơn phụ nữ.
3. Các triệu chứng của tình trạng tiêu cơ vân
Sau một buổi tập luyện quá sức, bạn cần chú ý nếu bản thân có các tập hợp các triệu chứng sau:
- Sưng cơ bắp
- Yếu cơ
- Đau cơ dữ dội (không phải loại cơn đau thường thấy sau buổi tập đầu tiên)
- Nước tiểu sẫm màu
Nếu bạn có các triệu chứng này, hãy đến bệnh viện để được khám và xét nghiệm máu, nhằm chẩn đoán hoặc loại trừ tiêu cơ vân. Trên đường đến bệnh viện, đừng quên bù nước đủ cho cơ thể.
4. Phòng tránh tiêu cơ vân khi tập luyện thể dục và chơi thể thao
Tiêu cơ vân có thể rình rập tấn công bạn bất cứ lúc nào. Và các nghiên cứu chỉ ra không chỉ những người mới tập luyện mới có nguy cơ, ngay cả các vận động viên chuyên nghiệp cũng có thể bị tiêu cơ vân nếu không để ý phòng tránh.
Vậy đâu là điều mà bạn cần chú ý khi tập luyện thể dục và chơi thể thao? Dưới đây là một số lời khuyên từ các chuyên gia:
- Luôn ước lượng được sức của mình, không tập luyện quá sức trong thời gian dài
- Nếu là buổi tập đầu tiên, hãy tìm cho mình một người hướng dẫn hoặc huấn luyện viên
- Hãy bổ sung đủ nước cho cơ thể trong quá trình tập luyện
- Đừng để cơ thể quá nóng
- Nghỉ giải lao khi thấy thấm mệt
- Tránh các thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen vì chúng có thể làm tăng nguy cơ tổn thương thận
- Sau khi tập buổi tập nặng đầu tiên, hãy đợi một vài ngày cho cơ bắp hồi phục trước khi tập trở lại.