Ngày 18/11, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 đã tổ chức họp báo quốc tế về Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng – Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 khẳng định, Việt Nam quyết tâm và sẽ dành ưu tiên cao nhất để thực hiện tốt trọng trách, góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN ngày càng liên kết chặt chẽ, vững mạnh.
2020 là một năm đặc biệt với cả ASEAN và Việt Nam. Với ASEAN, đó là tròn 5 năm thành lập Cộng đồng. Còn với Việt Nam, đây là năm Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và tròn 25 năm Việt Nam tham gia ASEAN. Như vậy, việc đảm nhận thành công Chủ tịch ASEAN trong năm tới chính là cơ hội để Việt Nam thể hiện năng lực và phát huy vai trò dẫn dắt của mình, đáp ứng sự trông đợi, tin tưởng của các nước thành viên và đối tác.
Với chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, Việt Nam sẽ chủ trì tổ chức hơn 300 hoạt động, đặc biệt là Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 tháng 4/2020 và Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan tháng 11/2020. Trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ thúc đẩy 5 ưu tiên:
Phát huy vai trò và đóng góp tích cực của ASEAN vào công cuộc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực trên cơ sở tăng cường đoàn kết, thống nhất ASEAN; đẩy mạnh tinh thần gắn bó, tương trợ và ủng hộ lẫn nhau giữa các thành viên; nâng cao khả năng phối hợp thực hiện chung của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế; thúc đẩy hình ảnh và tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực chung trong quan hệ giữa các quốc gia; ứng phó kịp thời, hiệu quả với các thách thức, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực.
Ngoài ra, thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, theo đó, liên kết kinh tế sâu rộng và kết nối toàn diện trong nội khối và với các đối tác; thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội trên nền tảng đổi mới, sáng tạo và ứng dụng công nghệ số, các công nghệ mới; tiếp tục thu hẹp khoảng cách phát triển, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường các tiện ích xã hội phục vụ người dân và nhóm yếu thế, đơn giản hóa nền hành chính công, xây dựng môi trường xanh.
Mặt khác, thúc đẩy ý thức cộng đồng, tạo dựng các giá trị chung của ASEAN và phổ biến rộng rãi đến người dân; thúc đẩy nhận thức, nhận diện về Cộng đồng ASEAN thống nhất trong đa dạng; nâng cao hình ảnh Cộng đồng ASEAN trong khu vực và trên thế giới.
Tiếp đến là đẩy mạnh quan hệ giữa ASEAN với các đối tác vì hòa bình, phát triển bền vững; phát huy vai trò, đóng góp của ASEAN cho cộng đồng quốc tế; mở rộng và nâng tầm quan hệ với các đối tác trên toàn cầu, góp phần định hình cấu trúc và luật chơi mới của khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN; cải cách thể chế; điều chỉnh, hoàn thiện và nâng cấp các quy trình, quy chuẩn trong ASEAN.
Dự kiến giữa tháng 11, Việt Nam sẽ tổ chức lễ công bố logo và khai trương website chính thức của năm ASEAN 2020. Thông qua các hoạt động trong Năm ASEAN 2020 của Việt Nam, Việt Nam sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, du lịch với mục đích giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc của Việt Nam với các nước ASEAN và các nước đối thoại.
Cho đến nay, Việt Nam đã sẵn sàng về bộ máy tổ chức, nhân lực, đã có các đề án, kế hoạch hành động tổng thể cho năm ASEAN 2020. Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 được thành lập tháng 12/2018 do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh làm Chủ tịch. Ba Phó Chủ tịch gồm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, cùng 25 thành viên là lãnh đạo các bộ, cơ quan tham gia hợp tác ASEAN. Trực thuộc Ủy ban Quốc gia có 5 tiểu ban gồm: Nội dung, Lễ tân, Vật chất - Hậu cần, Tuyên truyền - Văn hóa, An ninh - Y tế và Ban Thư ký ASEAN quốc gia 2020.
Từ ngày 01/01/2020, Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN. Đây là lần thứ hai Việt Nam đảm nhiệm vai trò này kể từ khi gia nhập ASEAN năm 1995. Từ khi gia nhập ASEAN đến nay, Việt Nam luôn coi ASEAN là một trong những ưu tiên đối ngoại hàng đầu. Năm 2010, khi lần đầu tiên đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, những dấu ấn của năm với các hành động thiết thực vẫn được tiếp tục triển khai như phát triển nguồn nhân lực, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường phúc lợi xã hội cho phụ nữ và trẻ em ASEAN. Điều đó đã khẳng định Việt Nam là một thành viên chủ động, tích cực trong các hoạt động hội nhập khu vực và trên toàn thế giới.