Việt Nam tiếp tục có tên trong bảng xếp hạng đại học hàng đầu thế giới

Phạm Mai
11/03/2021 - 11:20
Việt Nam tiếp tục có tên trong bảng xếp hạng đại học hàng đầu thế giới

Đại học Bách khoa Hà Nội

Theo bảng xếp hạng THE, Đại học Quốc gia Hà Nội được xếp nhóm 251-300, Đại học Bách khoa Hà Nội xếp nhóm 351-400 và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong nhóm 401-500 thế giới.

Thời báo Times Higher Education (THE) vừa công bố bảng xếp hạng các trường đại học ở các nền kinh tế mới nổi năm 2021.

Theo đó, Việt Nam có ba đại học trong số 606 cơ sở giáo dục đại học ở 48 quốc gia được xếp hạng. Trong đó, Đại học Quốc gia Hà Nội được xếp nhóm 251-300, Đại học Bách khoa Hà Nội xếp nhóm 351-400 và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong nhóm 401-500 thế giới.

Đây cũng là năm thứ hai 3 cơ sở giáo dục trên của Việt Nam có tên trong bảng danh sách này.

So với năm 2020, Bảng xếp hạng đại học ở các nền kinh tế mới nổi năm 2021 có thêm 73 cơ sở giáo dục mới, tăng 14%. Đứng đầu bảng xếp hạng này vẫn chủ yếu là các cơ sở giáo dục đại học ở Trung Quốc với 91 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng, tiếp theo là Nga với 48 cơ sở giáo dục đại học, Đài Loan là 38 cơ sở giáo dục đại học và Nam Phi với 11 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng.

Trong khu vực Đông Nam Á, một số đại học hàng đầu có thứ hạng cao như trường Đại học Malaya (Malaysia) vị trí 31, Trường Đại học Mahidol (Thái Lan) vị trí 80; Đại học Indonesia (Indonesia) vị trí 116; Đại học Philippines (Philippines) vị trí 83…

Việt Nam tiếp tục có tên trong bảng xếp hạng đại học hàng đầu thế giới - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: PV/Vietnam+

Bảng xếp hạng các trường đại học ở các nền kinh tế mới nổi được tạp chí THE công bố hàng năm kể từ năm 2014. Bảng xếp hạng dựa trên 13 tiêu chí xếp hạng đại học thế giới của THE nhưng đánh giá lại các trường đại học với sự điều chỉnh về trọng số các tiêu chí để phản ánh được những ưu tiên phát triển của trường đại học ở các nền kinh tế mới nổi như: giảng dạy (trọng số 30%), nghiên cứu (trọng số 30%), trích dẫn khoa học (trọng số 20%), quốc tế hóa (trọng số 10%), chuyển giao tri thức (trọng số 10%).

Trong đó, tiêu chí giảng dạy được THE đánh giá rất khách quan. Uy tín của một cơ sở giáo dục đại học dựa kết quả Bản Khảo sát Danh tiếng Học thuật hàng năm bên cạnh nhiều thống kê khác. Về nghiên cứu, THE đo năng suất nghiên cứu của các trường đại học bằng cách thống kê số lượng trung bình các bài báo khoa học trên mỗi giảng viên trong cơ sở dữ liệu Scopus.

Đối với chất lượng các công bố khoa học, THE phân tích ảnh hưởng nghiên cứu khoa học của một trường đại học bằng cách tính số lượng trung bình số lần một công bố khoa học được trích dẫn bởi các học giả trên thế giới. Về tiêu chí quốc tế hóa được đánh giá dựa vào tỷ lệ sinh viên quốc tế, tỷ lệ giảng viên nước ngoài và hợp tác quốc tế.

Ở tiêu chí cuối cùng, THE xem xét hoạt động chuyển giao kiến thức, công nghệ của một trường đại học bao gồm các sáng kiến, phát minh và tư vấn. Tiêu chí này còn đo khả năng thu hút tài trợ của một trường đại học trên thị trường thương mại.

Tạp chí THE dựa vào dữ liệu phân loại các nền kinh tế mới nổi của tập đoàn FTSE. Tập đoàn FTSE chuyên cung cấp dịch vụ tạo ra các chỉ số chứng khoán trên toàn cầu. Nổi tiếng nhất là FTSE 100, đây là chỉ số bao gồm các cổ phiếu của các công ty có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán London. FTSE phân loại các nền kinh tế mới nổi ra ba nhóm là “tiên tiến”, “loại hai” và “cận biên”. Việt Nam được xếp vào nhóm các nền kinh tế cận biên.

Theo đánh giá của tạp chí THE, đại học ở các nền kinh tế mới nổi tiến bộ nhanh hơn so với các cơ sở giáo dục đại học ở các quốc gia và khu vực phát triển.

Nguồn: Vietnam+
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm