Tại buổi đối thoại, diễn giả đến từ các quốc gia trong khu vực đã nêu nhiều ý kiến thảo luận về hợp tác khu vực nhằm giải quyết tình trạng xả rác thải nhựa ra biển ở Biển Đông.
Giáo sư Carmen Ablan Lagman đến từ Đại học De La Salle (Philippines), với kinh nghiệm hơn 20 năm nghiên cứu biển, cho biết, một số ngành công nghiệp như hóa mỹ phẩm, hóa dầu, sản xuất xăm lốp..., đang tạo ra các vi nhựa. Đây là nguồn phát thải vi nhựa lớn nhất và trực tiếp. Nguồn phát thải vi nhựa thứ cấp là từ các sản phẩm nhựa dùng một lần như túi nilon, chai pet nhựa, ống hút dùng một lần...
Theo giáo sư Carmen Ablan Lagman, chất thải nhựa với nhiều hình thức đa dạng và tồn tại ít nhất 100 năm. Các chất hóa dẻo, chất chống cháy có trong chất thải nhựa, khi phân rã có thể hòa tan vào không khí, nước, xuất hiện trong cơ thể con người và tạo ra các hóc môn vô cùng độc hại cho con người. Giáo sư Carmen Ablan Lagman đưa ra con số: 94% nguồn nước được xử lý trên thế giới vẫn còn sợi nhựa.
Đối với khu vực ASEAN, giáo sư Carmen Ablan Lagman cho rằng, tỷ lệ ô nhiễm chất thải nhựa ở khu vực này ngày càng gia tăng. Cùng với đó là báo động đỏ về sức khỏe người dân nơi đây khi tỷ lệ tiêu thụ hải sản ở khu vực này cao gấp ba lần so với các quốc gia phương tây khác. Giáo sư đề nghị, các quốc gia trong khu vực cần có hành động cụ thể nhằm xử lý việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần. Các ngành công nghiệp, tập đoàn, doanh nghiệp sản sinh nhiều vi nhựa gây ô nhiễm môi trường cần hợp tác với chính phủ cùng giải quyết vấn đề rác thải nhựa.
Nêu ví dụ điển hình của Philippines, giáo sư Carmen Ablan Lagman cho biết, đất nước này đã phải đóng cửa bãi biển Boracay, một trong những bãi biển đẹp nhất thế giới; đồng thời, một vài địa phương có chính sách cấm sử dụng túi nilon khi đi siêu thị. Người nào muốn sử dụng phải trả thêm 2 peso... Đặc biệt, giáo sư Carmen Ablan Lagman nhận định, nếu các quốc gia có thể chia sẻ các công nghệ xử lý rác thải, đặc biệt là công nghệ tái chế thì vấn đề rác thải nhựa đại dương sẽ được cải thiện.
Theo ông Gilang Kembara, Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (Indonesia), mặc dù gần đây, Chính phủ Indonesia đã có cam kết cắt giảm rác thải nhựa đến năm 2025 nhưng chưa ban hành chính sách cụ thể. Nhiều ý kiến cho rằng, cần xây dựng chính sách từ trên xuống, tuy nhiên, với vấn đề rác thải nhựa đại dương, các hành động có thể từ những người dân, từ các địa phương nhằm tạo ra áp lực khiến chính phủ phải đưa ra các chính sách, quy định cho việc giảm thiểu việc sử dụng chất thải nhựa.
Lấy ví dụ từ đảo du lịch Bali, một trong những địa điểm ô nhiễm nhất của Indonesia, chính quyền địa phương này đã ban hành quy định, từ năm 2019, bắt đầu cấm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần tại đây. Qua đó, nhiều địa phương của Indonesia có thể học tập kinh nghiệm của Bali và ban hành những quy định phù hợp với từng khu vực. Ông Gilang Kembara cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc nâng cao ý thức người dân đối với vấn đề rác thải nhựa đại dương, việc sử dụng các sản phẩm nhựa hàng ngày...
Khẳng định rác thải nhựa đại dương là một vấn đề toàn cầu, tiến sỹ Julyus Melvin Mobilik (Bộ Biển Malaysia) cho rằng, không một quốc gia nào có thể đơn phương xử lý vấn đề này mà cần được phối hợp, thực hiện các biện pháp chung. Tuy nhiên, biện pháp ngắn hạn là cần phải có phương án thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần như túi nilon, cốc, ống hút...
Đối với chất thải vi nhựa, thách thức lớn nhất phải xử lý hiện nay là cần tìm ra phương án cắt giảm nguồn phát sinh chất thải đó. Chủ thể phát sinh vi nhựa, các ngành công nghiệp phải tham gia vào quá trình xử lý rác thải nhựa, vi nhựa.
Tiến sỹ Julyus Melvin Mobilik cũng cho rằng, các công nghệ tái chế, xử lý rác thải nhựa tiên tiến, hiện đại có thể giúp rút ngắn thời gian tồn tại của rác thải nhựa. Do đó, các quốc gia cần có chính sách cụ thể nhằm khuyến khích các doanh nghiệp phát triển những công nghệ này.
Bàn về các chính sách xử lý rác thải nhựa của Chính phủ Việt Nam, tiến sỹ Nguyễn Lê Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo (Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, hiện nay, Việt Nam có hai luật liên quan đến chất thải nhựa gồm: Luật Bảo vệ môi trường; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Cùng với đó là việc ban hành Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Tuy nhiên, ngoài việc triển khai tốt chính sách, Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác khu vực, chia sẻ thông tin về ô nhiễm rác thải nhựa ở khu vực Biển Đông. Để thực hiện điều này, các quốc gia trong khu vực cần có kế hoạch hành động cùng với nguồn lực hậu thuẫn phù hợp để giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương đối với từng quốc gia. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy các sản phẩm tái chế, công nghệ tái chế trong tương lai...
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi năm lượng rác thải nhựa thải ra đủ để bao quanh trái đất 4 lần. Mỗi phút có 1 nghìn túi nhựa được tiêu thụ, nhưng chỉ có 27% trong số chúng được xử lý và tái chế. Rác thải nhựa nằm lại rất nhiều dưới đáy đại dương và trở thành thức ăn đầu độc các loại sinh vật biển. Theo dự báo của các nhà khoa học, khối lượng rác nhựa đến năm 2050 ở đại dương sẽ nặng hơn khối lượng của cá. Việt Nam được xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới.