Vợ chồng già sống trong hang đá

08/09/2015 - 09:49
Được Nhà nước xây nhà ở bản, vợ chồng ông Đinh Nê và bà Y Rú (người A Rem, Quảng Bình) mỗi năm chỉ về nhà vài lần rồi lại vào hang đá ở.
Con đường từ trung tâm xã Tân Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) vào vùng rừng Rục Đại Cáo - nơi có hang đá mà ông bà đang cư ngụ chưa đến 10km đường chim bay nhưng để đến được đó cũng phải mất hơn nửa ngày luồn rừng đi bộ. Đường đi khó, núi cao, dốc sâu, có những đoạn phải bám mình trên những núi đá dựng đứng để leo qua và chỉ một sơ sẩy nhỏ là cũng có thể bị rơi xuống vực sâu... Rừng rậm, muỗi, vắt nhiều vô kể.
 
Dọc bờ suối Cà Roòng có rất nhiều hang đá, xưa kia là nơi sinh sống chủ yếu của người A Rem nhưng “nhà” của vợ chồng ông Nê còn ở chót vót trên một ngọn núi đá vôi dựng đứng cách bờ suối hơn 200m.

“Ngôi nhà” của họ là một hang đá cao chừng 10m, sâu 4m. Trong hang đá, ông Nê làm 2 cái sạp bằng nứa, 1 cái nằm sát mặt đất, gần bên bếp lửa là nơi để vợ chồng ông nằm ngủ, sinh hoạt... Cái sạp thứ 2 nằm tuốt ở trên cao, gần trần hang đá, có cầu thang bằng gỗ để lên xuống, là nơi ông bà để lương thực thu hoạch được từ cái rẫy bên cạnh. 

Ông bà cũng có đầy đủ mọi vật dụng thiết yếu, ít nhất là cho cuộc sống như: bộ cối chày, một số dao rựa, xoong nồi, thúng... tất cả những dụng cụ đó đều được làm thủ công.
Hang đá nơi ông bà cư trú có đầy đủ các vật dụng thiết yếu như xoong nồi, cối chày...
Bà Y Rú thì tỏ ra rất thận trọng, không nói lời nào, chỉ ngồi rít thuốc nhìn khách. Khi có người chụp ảnh, ông Nê thì không nói gì nhưng đồng ý cho chúng tôi chụp, còn bà Y Rú thì nhanh chân lẩn trốn, năn nỉ thế nào cũng xua tay, chẳng chịu gật đầu. Ông Đinh Nê nói tiếng Kinh lơ lớ, bắt đầu cởi mở hơn với khách.

Ông Nê bảo, ở rừng có nhiều cái tiện. Rau rừng sẵn quanh nhà; cá, ốc thì ở dưới suối và thịt cũng quanh nhà. Thịt đây là... thịt chuột. Ông Nê có mấy chục cái bẫy thú nhỏ chăng quanh nhà, chủ yếu bẫy chuột để “cải thiện”...

Sống ở hang đá, vợ chồng họ không chỉ trông chờ vào lương thực của Nhà nước cấp, mà vẫn làm rẫy trồng nhiều loại cây như sắn, ngô, bí đỏ, chuối... 

Khi được thắc mắc vợ chồng ông lấy đâu ra nước để sinh hoạt? Ông Nê chỉ vào những cây dâu da trước hang đá nói: “Nước ở đó chớ mô”. Rồi ông cầm dao phạt nhẹ vào sợi dây leo ở đoạn sát gốc cây dâu da rồi thêm cái phạt nữa đoạn giữa thân, nước ứa ra thành giọt, thành vòi có thể làm đã cơn khát. Một nguồn nước nữa là từ cây chuối, chuối chặt ngang thân, khoét rỗng ruột, chừng 1 giờ sau là có nước. Nguồn nước để ăn uống thế là đủ, những sinh hoạt khác như tắm, giặt... thì phải xuống suối.

Ông Nê là một trong số những người A Rem giỏi kỹ năng tìm và lấy mật ong rừng. Những tổ ong rừng đóng cao chót vót trên những lèn đá, hay cây cổ thụ cũng chỉ là chuyện thường đối với ông. Lấy được mật ong hay những sản vật khác của rừng, ông Nê lại cắt rừng ra bản nhờ con cháu bán và mua muối, dầu...
Ông Nê bảo cứ sống trong rừng là vợ ông hết đau ốm
Ông Nguyễn Chí Sỹ - Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch - cho biết, vợ chồng ông Đinh Nê nhận nhà do Nhà nước xây chỉ để có chỗ đăng ký nhận gạo Nhà nước cho và các thứ hàng cứu trợ dịp lễ Tết, giáp hạt. Khi nhận nhiệm vụ ở Tân Trạch, hầu như tháng nào ông Sỹ cũng băng rừng vào hang đá để khuyên ông bà trở về bản. Những lần như thế, vì nể lắm, ông Nê cũng chỉ về bản được dăm hôm, rồi lại lặng lẽ trở về hang.
 
Nhiều lần ông Sỹ gặng hỏi ông Nê, cuối cùng ông đành nói thật nguyên nhân không thể về bản với ông Sỹ, đó là do vợ ông không thể sống ở bản được, cứ về bản là bà ấy ốm, về hang lại hết. Thương vợ, ông buộc phải ở lại hang đá cùng vợ.

Bà Y Rú hơn ông Đinh Nê cả chục tuổi. Trước đây, bà Rú vốn là vợ của người chú ông Đinh Nê, nhưng chẳng may ông chú qua đời sớm. Theo tục “nối dây”, bà Rú trở thành vợ của ông Nê.

Người A Rem bảo, đã hàng chục năm qua, chưa bao giờ họ thấy ông bà rời nhau, dù khi đi lấy mật ong trong rừng, hay kiếm cá dưới suối. Ở đâu ông bà cũng như hình với bóng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm