Vợ làm 'chủ hộ', gia đình bền vững hơn

24/04/2016 - 22:14
Không phải ngẫu nhiên mà trong thực tế người vợ thường được ví như là “nội tướng”, “tề gia”…
Có vợ “quản lý”, kinh tế gia đình ổn định hơn
Anh Quốc Toản là trưởng phòng kinh doanh công ty xây dựng nhà đất. Những năm 2000, khi anh chưa lập gia đình, công việc rất thuận lợi. Trung bình một tháng, anh có thể nhận được khoản lương là hơn chục triệu đồng. Ở thời điểm đó, thu nhập này là rất cao. Tuy nhiên, một phần là do công việc, anh Quốc Toản hay phải chi trả cho các cuộc giao lưu, nhậu nhẹt. Phần khác, cứ có tiền trong túi là lại nghĩ ra cái để tiêu, không tiêu không chịu được. Vì vậy, hàng tháng, anh hầu như không để dành ra được chút nào.
Năm 2006, anh Quốc Toản cưới vợ, một năm sau, họ có con đầu lòng. Vẫn theo nếp cũ, anh tự làm, tự cầm tiền, tự lo tiêu pha cho cả nhà. Nhưng nhu cầu chi tiêu trong gia đình ngày một tăng. Thị trường nhà đất thì chao đảo khiến công việc gặp nhiều khó khăn rồi đi đến mất việc. Anh quay sang làm nghề môi giới cho thuê nhà, tháng kiếm được dăm triệu, tháng lại trắng tay. Đã có lúc anh Toản thấy lo lắng đến phát điên vì nghĩ không biết rồi đây gia đình mình sống bằng gì. Nhưng với mức lương nhân viên văn phòng của vợ và gần 4 triệu đồng anh đưa, chị thu vén, toan tính cho mọi chi tiêu. Anh Toàn đã nhận ra việc chi tiêu của vợ rất hợp lý, hiệu quả. Chị không chỉ lo đủ cho cả nhà ngày 3 bữa ăn ổn định mà thỉnh thoảng còn để dư được chút ít để mua sắm đồ dùng mới cho gia đình, cho con… Năm 2008, anh Toản có được việc mới, ổn định, thu nhập cao. Tuy nhiên, từ đó đến nay, anh Toản vẫn tình nguyện để vợ làm chủ về kinh tế gia đình. Anh đưa chị tất cả các khoản tiền anh kiếm. Anh để chị toàn quyền lo chi tiêu, phân bổ thu chi trong nhà. Anh tin, khi để vợ tiếp tục làm chủ về các khoản kinh tế trong nhà, gia đình anh sẽ luôn có sự vững vàng về kinh tế…
Vợ được đánh giá là người giỏi thu vén, hợp lý trong chi tiêu (Ảnh minh hoạ)
Chiều vợ là… “văn minh”
Nhà vợ chồng anh Bình nằm trong con ngõ nhỏ mang tên Tự Do (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Anh Bình là công nhân nhà máy cơ khí, vợ anh làm nghề buôn bán nhỏ. Tuy vợ chồng có thu nhập như nhau, cùng làm việc vất vả như nhau nhưng khi trong gia đình có bất kỳ việc gì,  anh Bình cũng luôn tự cho mình có quyền cao hơn cả. Việc vợ anh thỉnh thoảng làm trái ý chồng, anh cảm thấy khó chịu, đều tìm cách “dập tắt” ngay. Đã có lúc anh Bình còn nghĩ “nhà thì phải có nóc” và anh tự cho mình là cái nóc ấy…
Cách đây một năm, nhà anh Bình có hàng xóm mới. Đó là cặp vợ chồng nhìn quá trẻ nhưng hỏi chuyện thì mới biết họ ngang tầm tuổi vợ chồng anh. Chỉ sau thời gian ngắn, hai nhà thành thân thiết. Và, cũng từ đó, anh Bình dần nhận ra, ở nhà bên, người vợ dường như “luôn là số 1” và là “trụ cột”. Chị được đứng tên cùng chồng trong giấy tờ nhà đất, được quản lý sổ tiết kiệm trong ngân hàng. Cuối tuần, cả nhà muốn làm gì, đi đâu, ăn gì, người chồng đều hay quan tâm đến ý kiến của vợ với câu hỏi “Ý em thế nào?”…  Vào bữa tối, khi ở bên này nhìn qua cửa sổ, thấy vợ chồng nhà bên chụm đầu vào nhau cùng nhặt rau, sau đó thì vợ xào nấu, chồng lau bát...
Một lần anh Bình mang chuyện ông hàng xóm sợ vợ kể lại cho anh bạn cũ là thầy giáo. Anh bạn gạt đi “Đấy không phải là sợ vợ mà là tôn trọng vợ.  Người ta có học, văn minh hơn nên cư xử theo kiểu bình đẳng giới đấy”… Về nhà, anh Bình quan sát kỹ hơn. Anh chợt nhận ra  vào mỗi thời khắc người vợ hàng xóm ở bên chồng, bao giờ chị cũng cười tươi, trẻ trung, rạng rỡ. Quay sang cảnh nhà, anh thấy vợ mình lúc nào cũng lụi cụi, cam chịu, gương mặt buồn mệt mỏi. “Phải chăng mình ít học, mình không biết là đã tước mất quyền bình đẳng của vợ, khiến vợ con không vui, gia đình không có cảm giác ấm cúng?”…
Sự bình đẳng luôn mang lại hạnh phúc cho gia đình và người phụ nữ (Ảnh minh hoạ)
Không riêng ở Việt Nam, theo các nhà tâm lý học Italia, quan hệ vợ chồng sẽ rất bền vững nếu người chỉ huy trong nhà là vợ. Gia đình sẽ nhanh chóng tan vỡ nếu quyền lực trong nhà thuộc về người chồng. Khi người đàn bà là “thủ lĩnh” trong hôn nhân, cuộc sống gia đình bình yên vui vẻ và quan trọng là lâu dài hơn. Cũng đồng nghĩa với quan điểm đó, các chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu tâm lý Roma (Italia) cho rằng, trong gia đình, nơi chế độ mẫu hệ ngự trị, nguy cơ ly hôn giảm 30% so với các gia đình đàn ông làm chủ. Hơn thế, số lần chăn gối trong các gia đình có thủ lĩnh là phụ nữ tăng gần gấp đôi. Chưa hết, nếu như ngân sách gia đình thuộc quyền quản lý của vợ (số liệu điều tra trên 1.000 đôi vợ chồng) thì hôn nhân kéo dài ít nhất là 10 năm. Và nó sẽ chỉ kéo dài đến 5 năm, nếu ví tiền của gia đình do chồng quản lý.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm