'Vợ nhặt' ngày Tết

15/02/2016 - 03:00
Trong đêm giao thừa, chàng trai nghèo khó bỗng dưng cưu mang một người con gái, dắt về nhà và gọi là “vợ”.
Duyên phận tìm đến nhau

Ngoài đời, Nguyễn Văn Tài (SN 1985, ngụ quận 4, TPHCM) mang vẻ mặt lạnh lùng, có phần cộc cằn, cánh tay săm trổ vằn vện. Bỏ học từ nhỏ, đến khi 15 tuổi thì Tài đã dạn dày sương gió trên trường đời. Từ bán vé số, đánh giày, làm công nhân, trông giữ xe… Tài đều trải qua cả. Tưởng sẽ khó gần nhưng khi hỏi về việc “bỗng dưng… có vợ con” thì Tài cười ngượng ngùng giải thích: “Có lẽ, do duyên phận cả”.

Đêm 30 Tết, được nghỉ làm nên Tài ghé xóm trọ cũ thăm vài người bạn. Trên đường đi, anh bỗng dừng lại vỉa hè - nơi cô gái trẻ, tên Nguyễn Thị Thúy An (SN 1986) đang ôm đứa con trai nhỏ run cầm cập vì đói lạnh. Hỏi ra, Tài mới biết cô gái bị “nhà chồng” bỏ rơi nên phải ngủ ngoài đường với tấm bạt và cái mùng rách. Sẵn không khí rộn ràng Xuân sang, Tài chở 2 mẹ con đi ăn tối trên chiếc xe máy cà tàng rồi đề nghị cùng xem bắn pháo hoa gần đường hoa Nguyễn Huệ.

Tình cờ nghe được câu chuyện đời của An, Tài bất thần, hai dòng nước mắt bỗng rơi xuống gò má. Anh không ngờ, đời An lại khổ đến vậy, còn bi đát hơn cả mình nữa. Ba mẹ bỏ rơi từ nhỏ, An sống nhờ tình thương của người dì. Năm lên 19 tuổi, dì An đi lấy chồng, đành bỏ mặc An bơ vơ giữa dòng đời.

Cô xin làm nhân viên bán cà phê rồi quen một thanh niên, làm nghề giữ xe. Cả hai dù sống với nhau như vợ chồng, chẳng hề cưới xin. Khi còn hơn một tháng nữa trở dạ thì anh chàng kia “bỏ của chạy lấy người”.

Người dì thấy tội nghiệp, chạy qua dúi vội vào túi An 2 triệu đồng để làm phí “vượt cạn”. Đứa bé cất tiếng khóc chào đời mà khi có tình thương yêu của người thân, gia đình khiến An hụt hẫng. Một tay “cò” thấy vậy vội đến tìm An đòi mua đứa con nhỏ với giá 15 triệu đồng. Khi cầm tiền, An vội rùng mình rồi xin trả lại tiền và giữ chặt con trong vòng tay.

Vì không đủ tiền nuôi con, nhiều lần thiếu tiền nhà trọ nên An bị chủ nhà “tống cổ” đi nơi khác. Quay lại tìm “chồng” thì “mẹ chồng” chẳng cần đến máu mủ, nếu muốn sống cùng thì phải trả 100.000 đồng/ngày. Ngày 23 Tết, An đành ôm con ra vỉa hè, uống nước trừ cơm, nhiều khi sống nhờ bằng tiền bố thí của người khác. Và điều kỳ diệu đã đến khi An gặp Tài ngay trong phút giây chông chênh, lo sợ đó... Khi giao thừa vừa điểm, Tài nhẹ nhàng nói: “Thôi hai mẹ con về nhà tôi ngủ tạm đi. Chứ sống ở ngoài đường thế này nguy hiểm lắm”. An bẽn lẽn gật đầu vì chẳng còn cách nào khác.

Cả nhà ngơ ngác khi Tài mang theo hai mẹ con người lạ về. Nhưng rồi ai cũng thương cảm cho số phận đáng thương của An. “Nhà mình cũng nghèo khổ. Căn phòng thuê trọ chật chội thêm cái nệm mỏng cho mẹ con nó nằm ngủ cũng chẳng sao”, mẹ Tài nói.

Sáng hôm sau, Tài chở mẹ con An đi chơi Tết. Lần đầu tiên trong cuộc đời, An cảm nhận được niềm hạnh phúc trọn vẹn đến vậy. Còn trái tim của Tài cũng thấy rộn rã hơn khi có An trong nhà. Anh bắt đầu thích bữa cơm ấm áp do An nấu cơm, được nghe thấy tiếng cười hồn nhiên, giòn tan của con trẻ. 1 tháng, anh ngỏ lời: “Anh muốn làm bờ vai, chỗ dựa vững chắc cho mẹ con em”. Trái tim người phụ nữ cút côi khẽ rung động trước tấm lòng nhân hậu và tình yêu của người đàn ông xa lạ. An khóc nói với Tài rằng: “Có lẽ, cả cuộc đời này sẽ không tìm thấy ai tốt như anh nữa”. Tài ôm chặt An vào lòng: “Anh chẳng biết mình tốt xấu thế nào. Chỉ làm theo những gì con tim mình mách bảo. Thế thôi”!
 Tổ ấm hạnh phúc của vợ chồng anh Tài
Lung linh hai tiếng gia đình

Điều khiến nhiều người cảm động là chuyện của hai người lại được mẹ Tài ủng hộ. Bà không hề xét nét vì An có con riêng, mặc cảm vì Tài tự nhiên dắt một người con gái lang thang về. Từ đó, Tài chính thức là người đàn ông có vợ, có con. Hàng xóm biết chuyện, có người đàm tiếu nhưng Tài đều bỏ ngoài tai.

Với số tiền lương giữ xe chỉ 4 triệu đồng/tháng, Tài phải co kéo đủ đường mới có đủ tiền mua sữa cho con, mua cơm cho vợ. Rồi khi thằng bé Khang bị dịch sởi phải cấp cứu, Tài lại bỏ công bỏ việc vào bệnh viện chăm con. Nói về “gánh nặng” này, Tài bộc bạch: “Tôi yêu thương An thật lòng nên cực khổ cỡ nào cũng muốn che chở, đem lại những gì tốt đẹp nhất mẹ con cô ấy”. Từ ngày “lên chức”, Tài chú tâm làm ăn hơn, không còn lê la cà phê, nhậu nhẹt nữa. Tình nghĩa vợ chồng ấm áp dường như làm cho Tài thay đổi hẳn tâm tính. Từ một anh chàng thô lỗ, cộc cằn, Tài đã trở thành một người chồng thật sự khi đón nhận hạnh phúc của gia đình.

Gần 1 năm “nhặt” được vợ về, Tài bảo có vài lần hai người cãi nhau nhưng không đến mức to tiếng. Hiện tại, An chưa tìm được việc làm. Buổi sáng, cô phụ chồng giữ xe ở bãi, buổi chiều thì hai vợ chồng chở nhà về tổ ấm trên chiếc xe máy cà tàng. Cơm nước xong xuôi, Tài lại chở 2 mẹ con đi dạo phố, cậu nhỏ ngồi phía trước hát nghêu ngao bài hát “Cả nhà thương nhau” học được trong xóm trọ nghèo. An chia sẻ: “Tình yêu của cả hai cũng đơn giản vì quá hiểu, đồng cảm với nhau nên chỉ cần có những giây phút ấm áp, vui vẻ như vậy thôi là đã cảm thấy hạnh phúc lắm rồi”. Đời người phụ nữ đôi khi may mắn mỉm cười trong chớp mắt sau những tai ương. Nó như một thứ phúc phận mà không ai định trước.

Tết năm nay, họ đang cùng nhau đón một mùa Xuân hạnh phúc trọn vẹn và sẽ tiếp tục bước tiếp trên đoạn đường dài. Mỗi lần gọi điện cho Tài, tôi lại khẽ mỉm cười khi giai điệu nhạc chờ ca khúc “Ba ngọn nến lung linh” ấm áp vang lên: “Gia đình, gia đình. Bên nhau mỗi khi đớn đau. Bên nhau đến suốt cuộc đời”...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm