pnvnonline@phunuvietnam.vn
Xuân mới bên dòng Đắk Bla
Nếu có dịp đến với Kon Tum, bạn sẽ được thấy dòng sông Đắk Bla như dải tơ lụa óng ả, như một áng tóc dài của người thiếu nữ đương xuân. Sông Đắk Bla chảy theo hướng Đông - Tây, ngược lại so với những con sông khác ở nước ta nên được gọi là "dòng sông chảy ngược". Điều đó đã tạo nên nét độc đáo và là biểu trưng riêng của tỉnh.
Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng là vùng đất có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc có những nét văn hóa riêng. Người Tây Nguyên bản địa (Ba Na, Xê Đăng, Giẻ, Triêng, J'rai, Ê đê...) trước đây không đón Tết Nguyên đán như bây giờ mà mỗi năm thường tổ chức các lễ hội ăn mừng theo tập tục truyền thống, một số nơi, bà con lại tổ chức đón năm mới theo dương lịch. Từ khi người Kinh các nơi khác đến định cư (chủ yếu là các tỉnh Nam Trung bộ, Bắc bộ) mang theo những phong tục tập quán của quê hương thì việc đón Tết của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên cũng có nhiều thay đổi, giờ đây hầu hết đã đón tết cổ truyền cùng dân tộc.
Trong ký ức tuổi thơ của tôi, mỗi năm, để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, nhà nào cũng dọn bàn thờ tổ tiên; trang hoàng nhà cửa bằng những bức tranh, tờ lịch có màu sắc nổi bật, ấm áp. Cây mai vàng và những chậu quất, chậu hoa đủ màu sắc như cúc, lay ơn, hướng dương, lan... cũng không thể thiếu trong tổ ấm của mỗi gia đình. Mâm ngũ quả thường gồm có: Mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài và sung với ước nguyện cho một năm mới gặp nhiều may mắn, sung túc. Hầu như nhà nào cũng gói bánh tét, bánh chưng, nấu xôi bằng loại gạo ngon nhất, thơm nhất, chuẩn bị vài con gà, ít ký thịt heo, thịt bò để đón Tết.
Những đứa trẻ được cha mẹ mua cho những bộ quần áo mới để đi chơi Tết. Các gia đình sẽ làm các loại bánh truyền thống như bánh in, bánh thuẫn, bánh phục linh, mứt gừng, mứt dừa... Đây là những thứ không thể thiếu trong mâm cỗ cúng gia tiên vào đêm giao thừa. Những loại bánh, mứt đều do các bà, các mẹ, các chị tự làm. Tối giao thừa, trai gái ra đường ngắm chợ hoa; các mẹ, các chị chuẩn bị mâm cơm cúng thổ địa; các chú, các anh chuẩn bị bàn thờ, thắp nén nhang vòng, nhang trầm, nghe Chủ tịch nước đọc thư chúc Tết...
Việc đầu tiên mà các gia đình thường làm trong ngày Mùng 1 Tết là lên thăm mộ, thắp những nén nhang cho người đã khuất (đây là tập tục của nhiều gia đình người Kinh ở Kon Tum). Sau khi viếng thăm mộ, mọi người cùng nhau đi chùa để cầu an đầu năm. Nhiều chị, nhiều em vẫn giữ nét truyền thống, khoác trên mình những bộ áo dài màu sắc tươi sáng, vui tươi trong không khí đầu xuân lại vừa có ý nghĩa của sự may mắn.
Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, ngày Tết không thể nào thiếu ché rượu cần, ống cơm lam, thịt hun khói, thịt nướng (thịt gà, thịt heo, thịt trâu, thịt bò...) ăn cùng với muối ớt xanh giã cùng lá é. Món ăn người Ba Na, Xê Đăng, Giẻ Triêng... thường chế biến khô, ít khi dùng nước và nướng chín trong ống lồ ô là chính. Mỗi món ăn đều có hương vị đặc trưng riêng, gia vị chế biến các món ăn được sử dụng hài hoà với nhau.
Thông thường, thời tiết ngày Tết ở đây rất đẹp. Sáng ngày 30 Tết, sau khi lo việc nhà xong, bà con dân làng tập trung tại nhà rông, mỗi người một việc để chuẩn bị cho đêm giao thừa. Đêm 30, già làng thay mặt dân làng khấn thần Sông, thần Núi phù hộ người dân sang năm mới có cuộc sống bình yên, no ấm. Sau lời cầu nguyện của già làng, bà con cùng nhau thưởng thức các món ăn, uống rượu ghè, đánh cồng chiêng nhảy múa.
Không cúng kính nhiều như đồng bào Kinh, bà con tổ chức đánh cồng chiêng, uống rượu ghè ở nhà rông, sau đó, đến nhà nhau để chúc mừng năm mới. Chị em phụ nữ chuẩn bị sẵn vài ché rượu cần nhỏ để đãi khách. Rượu cần bà con dành cho ngày Tết thường đặc biệt hơn ngày thường bởi nguyên liệu chính không phải bằng củ mì mà bằng hạt gạo xà cơn (gạo đỏ, vỏ lụa dày). Hạt gạo xà cơn cộng với các nguyên liệu từ thiên nhiên của núi rừng làm cho rượu có vị ngọt và hương thơm nồng nàn. Đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên rất quý khách. Khi được mời rượu dù không uống được, bạn cũng phải cố gắng cạn một cang, nếu không sẽ làm buồn lòng gia chủ...
Một trong những lễ hội trong ngày Tết ở Kon Tum phải kể đến là Lễ hội đua thuyền độc mộc truyền thống trên sông Đăk Bla được tổ chức vào ngày mùng 4 Tết. Từ xa xưa, chèo thuyền độc mộc đã là hoạt động thường ngày trong đời sống sản xuất, sinh hoạt của cư dân vùng ven sông. Thuyền độc mộc được làm thủ công từ những cây gỗ lớn, tầm vóc thuyền là thước đo gia thế, sự giàu có, vững chãi của mỗi gia đình và gắn với tâm linh của cư dân thiểu số sống ven sông.
Trước kia, sau vụ thu hoạch no ấm, những cuộc đua thuyền nho nhỏ nhưng tưng bừng, vui nhộn lại được các thôn, làng tổ chức, cũng là để mừng lúa mới, đón năm mới. Ở đấy, các chàng trai lại có dịp đua tài, thể hiện sức khỏe, sự dẻo dai, khéo léo... Hiện tại, thuyền độc mộc không còn nhiều. Việc gìn giữ những chiếc thuyền cũ là hết sức cần thiết và hàng năm tổ chức Lễ hội đua thuyền được coi là nét đẹp truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Kon Tum.