Nhiều trẻ mầm non ở vùng cao đã tận dụng những gì sẵn có của gia đình và tại địa phương làm quà tặng cô giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11). Những món quà giản dị của học trò đã tiếp thêm niềm tin, nghị lực để các cô tiếp tục cống hiến vì học sinh thân yêu.

Xúc động những món quà của trẻ mầm non vùng cao tặng cô giáo ngày 20/11


Nhiều trẻ mầm non ở vùng cao đã tận dụng những gì sẵn có của gia đình và tại địa phương làm quà tặng cô giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11). Những món quà giản dị của học trò đã tiếp thêm niềm tin, nghị lực để các cô tiếp tục cống hiến vì học sinh thân yêu.


Vì yêu thương mà gắn bó

Xúc động những món quà của trẻ mầm non vùng cao tặng cô giáo ngày 20/11 - Ảnh 1.

Trường Mầm non xã Đường Hồng

Trường Mầm non xã Đường Hồng là một ngôi trường ở miền núi cao thuộc vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang, đa số học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn nhưng vẫn có nhiều cô giáo cố gắng bám trường, bám lớp, "cõng chữ" lên non.

Cô Hoàng Thị Tuệ, giáo viên trường Mầm non Đường Hồng cho biết: "Thật sự không sao kể hết những khó khăn nơi đây, đường đi xuống các điểm trường chủ yếu là đường đất, ở điểm trường hệ thống cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nhiều thôn bản chưa có điện thắp sáng. Một số phụ huynh chưa thật sự quan tâm đến việc học tập của con em mình, nhiều em vì gia đình khó khăn nên trong những ngày đông rét buốt các em không có quần áo ấm để mặc đi học. Trước thực trạng này thì chặng đường 10 năm gắn bó với nghề chính là động lực quý báu của tôi, nhiều học sinh của tôi nay đã học lớp 9, khi gặp ngoài đường các em vẫn nhớ và chào cô".

Xúc động những món quà của trẻ mầm non vùng cao tặng cô giáo ngày 20/11 - Ảnh 2.

Các em học sinh giúp cô giáo đẩy xe lên dốc

Khó có thể kể hết những khó khăn và vất vả của những giáo viên vùng cao. Vượt lên gian khó, họ vẫn đang từng ngày bám trường, bám bản gieo mầm cho những ước mơ. Bằng sự tận tâm, tận lực của mình, họ tìm cách tạo điều kiện tốt nhất để học sinh được đến trường, thêm tri thức cho học sinh đồng bào các dân tộc.

Xúc động những món quà của trẻ mầm non vùng cao tặng cô giáo ngày 20/11 - Ảnh 3.

Học sinh mang tặng cô giáo của mình những món quà thân quen, giản dị

Nói về ngày 20/11, cô Tuệ không khỏi xúc động tâm sự: "Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong những năm qua là ngày 20/11 năm 2015, quà cho cô giáo là những quả dưa chuột mà bố mẹ cho các em nhưng các em lại nhường cho tôi. Không chỉ quả dưa chuột mà quà còn là những túi đậu tương, quả bưởi, bắp ngô, những bó rau cải đã ra hoa, đối với bản thân tôi đó là những món quà tinh thần rất lớn. Học sinh vùng cao tương đối nhút nhát nhưng vẫn mạnh dạn thể tình cảm với cô giáo của mình, nếu có thể giúp được gì cho cô giáo của mình thì các em luôn sẵn sàng".

Lùng Cuối là một trong những điểm trường của trường Mầm non Đường Hồng. Những năm gần đây con đường đất dọc triền núi đã được trải bê tông để người dân có thể đi lại dễ dàng hơn. Nằm giữa bốn bề núi rừng, điểm trường Lùng Cuối với những bức tường được sơn màu xanh là một ngôi nhà khang trang ở khu vực này. Lớp Mầm non ở đây có 18 học sinh, các em thuộc 3 độ tuổi khác nhau nhưng chỉ có duy nhất một giáo viên đứng lớp.

Xúc động những món quà của trẻ mầm non vùng cao tặng cô giáo ngày 20/11 - Ảnh 4.

Lớp học Mầm non ở điểm trường Lùng Cuối

Cô giáo Lý Thị Sơn, điểm trường Lùng Cuối, chia sẻ: "Do các con còn nhỏ, việc nghe và nói tiếng phổ thông chưa tốt nên quá trình giảng dạy cũng vất vả hơn. Để các con có thể hiểu bài, cô giáo sẽ giảng bằng tiếng phổ thông, sau đó giảng lại bằng tiếng dân tộc. Vì là lớp ghép giữa các độ tuổi 3, 4, 5 nên giáo viên phải dạy nhiều chương trình khác nhau để phù hợp với độ tuổi của các bé. Để các con có thể tiếp thu, tôi đã phải mất nhiều thời gian hướng dẫn. Nhưng sẽ không vì thế mà nản lòng, sau mỗi lần học sinh thuộc thêm một bài thơ, biết thêm một chữ cái và đọc lại cho tôi nghe, tôi cảm thấy dường như mọi vất vả, mệt mỏi đều được xua tan".

23 năm công tác ở vùng cao, cô Sơn đã có mặt ở hầu hết các điểm trường của trường Mầm non Đường Hồng. Vì thế, cô thấu hiểu hơn ai hết sự khó khăn, vất vả, thiếu thốn của giáo viên và học sinh trong quá trình dạy và học. Suốt những năm trong nghề, cô Sơn không thể nhớ hết những ngày cùng đồng nghiệp lặn lội đến các thôn, bản để tuyên truyền, vận động học sinh không bỏ học giữa chừng. Rồi không ít kỷ niệm với học trò nghèo, tặng quà cho cô giáo của mình nhân ngày 20/11.

Xúc động những món quà của trẻ mầm non vùng cao tặng cô giáo ngày 20/11 - Ảnh 5.

Hái hoa Dã Quỳ tặng cô giáo nhân ngày lễ lớn

"Tôi còn nhớ dịp 20/11 năm 2020, vừa tới điểm trường, các con đã chạy ào ra, mỗi đứa cầm một bó hoa Dã Quỳ tặng cho cô giáo, tuy chỉ là những bó hoa dại ven đường nhưng lại khiến tôi rất xúc động. Hình ảnh những đôi mắt trong veo, mỉm cười ngại ngùng tặng hoa cho cô giáo đã khắc sâu vào tâm trí tôi. Những món quà đó tuy nhỏ nhưng lại là sự động viên lớn lao để cô giáo yên tâm bám bản. Đối với những giáo viên vùng cao như chúng tôi, việc học trò ngày nào cũng đến lớp chính là món quà 20/11 lớn nhất", cô Sơn bộc bạch.

Xúc động những món quà của trẻ mầm non vùng cao tặng cô giáo ngày 20/11 - Ảnh 5.

Còn nhiều điểm trường khác đường chưa được trải bê tông, đi lại rất khó khăn

Chia sẻ về ngày 20/11 cùng những khó khăn của giáo viên công tác ở vùng cao, cô Hoàng Thị Lập, Hiệu trưởng trường Mầm non Đường Hồng, nói: "Ngoài trường chính ở khu trung tâm, trường còn có 9 điểm lẻ, điểm xa nhất cách trung tâm xã 7 - 8km đường đất đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Ngày 20/11 của giáo viên vùng cao giản dị mà ấm áp vô cùng bởi sự mộc mạc, chân thành của học sinh nơi đây; ngoài ra nhà trường sẽ tổ chức lễ kỷ niệm, giao lưu thể thao tri ân các cô. Để các cô yên tâm bám trường, bám bản, Ban Giám hiệu luôn động viên, chia sẻ những khó khăn; bố trí phân công giáo viên tại các điểm trường sẽ có sự luân phiên thay đổi, 2 năm dạy điểm gần thuận lợi, 2 năm dạy điểm trường khó khăn của xã".

Những món quà "vô giá" giữ chân cô giáo trẻ

Đi từ trung tâm huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang trên đoạn đường gập ghềnh hàng chục km về phía Tây là trường Mầm non xã Quyết Thắng. Trong số những cô giáo ở trường, có người đã dạy ở đây hơn 20 năm và cũng có người mới ra trường.

Xúc động những món quà của trẻ mầm non vùng cao tặng cô giáo ngày 20/11 - Ảnh 6.

Nhiều cô giáo trẻ rất yêu nghề

Cô giáo Lý Thị Cận cho biết: "Sau khi tốt nghiệp hệ Cao đẳng tại trường Đại học Tân Trào, năm 2017 tôi về công tác tại trường Mầm non Quyết Thắng. Tôi khi ấy rất vui, vì đã hoàn thành ước mơ được trở thành một giáo viên. Tuy nhiên, việc dạy học cho các em tại miền núi không phải là một điều dễ dàng đối với bất kỳ ai, chứ không riêng một giáo viên mới như tôi".

Xúc động những món quà của trẻ mầm non vùng cao tặng cô giáo ngày 20/11 - Ảnh 7.

Cô giáo Lý Thị Cận và học sinh của mình

Cô Cận nhớ lại: "Còn nhớ sáng hôm đó khi tôi đang mở cửa lớp, một cậu bé lon ton chạy tới đưa cho tôi ba bắp ngô, bé bảo "cô ơi, con luộc ngô cho cô này", lúc đó tôi bất ngờ lắm, hỏi ra mới biết hôm qua bé thấy các bạn cùng lớp ríu rít cắt hoa thủ công tặng cô nên hôm nay đã tặng ngô cho cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Cầm bắp ngô vẫn còn ấm trên tay, tôi nghĩ đây sẽ là những bắp ngô ngon nhất mình từng ăn. Tôi cũng như những đồng nghiệp của mình, không cần những món quà gì cao sang hay đắt tiền cả. Một bông hoa, chiếc lá mà các con tự cắt khi được học trên lớp, đọc một bài thơ hay đơn giản là lời chúc trong những ngày này đã trở thành động lực, giúp chúng tôi vững bước trên con đường mình đã chọn".

Hành trình "cõng chữ" lên non vẫn còn đó những khó khăn vất vả. Nhiều giáo viên đang công tác ở vùng sâu vùng xa chia sẻ nguồn động viên ý nghĩa nhất đối với họ là tình cảm và sự quý trọng của học sinh, phụ huynh và người dân vùng cao dành cho họ. Đây là những động lực giúp họ vượt qua khó khăn, tiếp tục bám bản, bám làng, dạy chữ cho học sinh thân yêu.

Nông Thị Niên
Nông Thị Niên, ST