10 năm dạy may cho người khuyết tật

29/05/2017 - 09:50
Chị Lê Thị Tuyết, 45 tuổi, ở tổ 28 phường Hòa Minh (Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã có 10 năm dạy may cho người khuyết tật, giúp nhiều thanh, thiếu niên khuyết tật trở thành thợ may lành nghề.
Từ 6 giờ sang mỗi ngày, Tuyết đã đi chiếc xe máy cọc cạch, vượt hơn 20km đến Trung tâm Hướng nghiệp Từ thiện (nằm trên địa bàn phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) để bắt đầu một ngày làm việc mới. Chờ các em ăn sáng xong, chị nhẹ nhàng bảo các em ngồi vào bàn may và ân cần chỉ cho các em từng động tác nhỏ. Có em vừa ngồi vào bàn may lại đứng dậy ngó ngang ngó ngửa. Chị Tuyết tươi cười đến bên em, nhẹ nhàng bảo em ngồi lại vị trí.

Lớp học có 19 em, với nhiều dạng khuyết tật như câm điếc, liệt nửa người, chân khoèo, tay yếu và cả trẻ tự kỷ. Khả năng may của từng em cũng khác nhau. Có em đã may được hoàn chỉnh 1 sản phẩm, có em động tác còn khó khăn, lóng ngóng. Chị Tuyết ngồi bên 1 em mới vào, tỉ mỉ hướng dẫn cho em những kiến thức đầu tiên của nghề may.
may.JPG
Chị Tuyết hướng dẫn đường may cơ bản cho em Phan Hùng Liên
Chị cho biết, đây là em Phan Hùng Liên, bị thiểu năng trí tuệ, quê ở xã Hiệp Hòa (Hiệp Đức, Quảng Nam), vào Trung tâm từ cuối năm 2016, đang học những đường may cơ bản như đường 2 phân, đường 1 phân, đường 5 li. Dù là động tác đơn giản, song chị Tuyết cũng phải cúi sát, cầm tay em Liên, bày đi bày lại nhiều lần. Tiếp đó, chị lại đến bên một em khác, cũng ân cần, tỉ mỉ hướng dẫn từng động tác nhỏ...

Những gương mặt ngây ngô, học trước quên sau nhưng trước sau chị Tuyết vẫn một mực nhã nhặn, ân cần, vẫn nở nụ cười hiền lành và những lời chỉ bảo chan chứa thương yêu, trìu mến.

Lát sau, chị đến bên các em đã may khá, tận tình chỉ cho các em những kiến thức cao hơn. Chị nhẹ nhàng khuyên: “Các em đã may được đồ bộ rồi, phải tiếp tục học may áo sơ mi, quần tây, phải kiên trì học để nâng cao tay nghề, sau này có thể được các công ty, cơ sở may tuyển dụng hoặc có thể mở tiệm may và sửa quần áo để mưu sinh”.

Không chỉ dạy nghề cho thanh, thiếu niên khuyết tật, hằng tháng, chị Tuyết còn phải lo cả khâu đầu vào, đầu ra của sản phẩm để tự trang trải một phần chi phí đảm bảo cuộc sống cho các em theo chủ trương của Ban giám đốc trung tâm (vì Trung tâm này hoạt động từ nguồn tài trợ và ủng hộ của các nhà hảo tâm, không có nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước).

Chính vì vậy, chị Tuyết đã thực hiện phương châm “dạy nghề đi đôi với làm ra sản phẩm”. Các em tay nghề còn non thì may những sản phẩm đơn giản như tấm lau giày (3.000 đồng/kg, nguyên liệu vải do đơn vị hợp đồng cung cấp).

Các em đã may khá thì được may quần áo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Chị Tuyết cũng dạy các em may túi xách, túi thổ cẩm để bán tại quầy hàng lưu niệm ở Bảo tàng Chămpa Đà Nẵng...

Tất bật suốt ngày, nghỉ trưa ngay tại Trung tâm, đến 5 giờ chiều, chị Tuyết mới trở về nhà. Công việc nhọc nhằn nhưng ít ai biết thu nhập của chị cũng như các đồng nghiệp tại Trung tâm Hướng nghiệp Từ thiện, mỗi tháng chỉ 2-3 triệu đồng.

Chị tâm sự: “Mình may mắn có chồng con chia sẻ, đồng cảm, động viên trong quá trình làm công tác nhân đạo này”. Dẫu khó khăn, chị vẫn say mê, yêu thích công việc, ngày ngày tận tình dạy nghề cho những người khiếm khuyết.

Từ sự dìu dắt của chị, nhiều thanh, thiếu niên khuyết tật đã trở thành thợ may lành nghề, được các cơ sở may tuyển dụng hoặc mở được tiệm may để mưu sinh.

Đơn cử như em Nguyễn Thị Liêng, bị khuyết tật ở tay, quê xã Bình Chánh (Thăng Bình, Quảng Nam), sau 3 năm học nghề tại đây đã may thành thạo nhiều sản phẩm, được Cơ sở May Cẩm Tiên trên đường Núi Thành (quận Hải Châu) tuyển dụng với mức lương 3 triệu đồng/tháng và chu cấp toàn bộ ăn, ở.

Hay như 2 em Ngô Văn Đức và Huỳnh Văn Cường (quê Quảng Nam, cùng bị khuyết tật vận động), vào Trung tâm năm 2013, sau 3 năm học nghề may, đã được Công ty TNHH Huỳnh Nhật Phát ở phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) tuyển dụng. 2 em chung nhau thuê phòng trọ, đồng thời mở quầy may và sửa quần áo ngoài giờ làm việc tại công ty...

Giám đốc Trung tâm Lê Tấn Hồng cho biết, chị Tuyết là một thợ may giỏi, giàu lòng phúc hậu và có khả năng sư phạm tốt, gắn bó với công việc dạy may cho trẻ khuyết tật ở trung tâm này đã tròn 10 năm.
“Dạy may cho trẻ khuyết tật hết sức nhọc nhằn, vất vả, nếu thiếu nhiệt huyết và tính kiên trì thì không thể nào làm được”, ông Lê Tấn Hồng chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm