2 nữ ứng viên ĐBQH khóa XV trẻ nhất: Mong muốn góp tiếng nói về bình đẳng giới, bạo lực gia đình

PVH
17/05/2021 - 15:36
2 nữ ứng viên ĐBQH khóa XV trẻ nhất: Mong muốn góp tiếng nói về bình đẳng giới, bạo lực gia đình

Ứng cử viên Quàng Thị Nguyệt (trái) và Lý Thị An

Trong số 4 ứng cử viên ĐBQH khóa XV trẻ tuổi nhất (đều sinh năm 1997), có 2 gương mặt cựu sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam, đều là người dân tộc Khơ Mú. Đó là chị Quàng Thị Nguyệt và Lý Thị An.

Tự hào đi cùng trách nhiệm

Trong danh sách chính thức 868 ứng cử viên ĐBQH khóa XV, có 4 ứng viên trẻ tuổi nhất đều sinh năm 1997 (24 tuổi). Trong đó 2 nữ ứng viên Quàng Thị Nguyệt và Lý Thị An cùng ở Bản Púng Giắt I, xã Mường Mươn, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên, tham gia ứng cử ĐBQH tại đơn vị bầu cử số 1 (gồm TP Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên Đông, Mường Ảng, Điện Biên).

Chia sẻ với PV Báo PNVN, ứng cử viên Lý Thị An bày tỏ niềm tự hào khi được hiệp thương giới thiệu tham gia ứng cử ĐBQH với cơ cấu đại biểu trẻ, người dân tộc thiểu số. Chị An cho rằng: Trở thành một ứng cử viên ĐBQH không chỉ là niềm vinh dự, tự hào to lớn của bản thân mà đồng thời cũng là trách nhiệm lớn lao của mình trước nhân dân.

Là một nông dân, sinh ra tại mảnh đất vùng sâu vùng xa, Lý Thị An chia sẻ: Bản thân phải luôn gần gũi, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người dân. Đặc biệt, ở vùng miền núi, vùng sâu vùng xa như Điện Biên, bà con còn nhiều khó khăn, kinh tế kém phát triển; phụ nữ và trẻ em còn có những hạn chế về chăm sóc sức khỏe, giáo dục và còn chịu nhiều thiệt thòi bởi các tập tục, tư tưởng bất bình đẳng giới. Là ứng cử viên nữ người dân tộc thiểu số, Lý Thị An bày tỏ mong muốn được góp tiếng nói của mình về bình đẳng giới không chỉ trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội; mà còn là bình đẳng giới ở nông thôn, để giữa nam và nữ đều có điều kiện lao động và thu nhập phát triển như nhau.

2 nữ ứng viên ĐBQH khóa XV trẻ nhất: Mong muốn góp tiếng nói về bình đẳng giới, bạo lực gia đình - Ảnh 1.

Ứng cử viên Quàng Thị Nguyệt

Còn chị Quàng Thị Nguyệt cho biết: Đến thời điểm này, các ứng cử viên đã thực hiện được 5 cuộc tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử. Qua mỗi đợt tiếp xúc, Nguyệt lắng nghe những ý kiến, tâm tư của cử tri, bản thân càng thấy thấu hiểu những kỳ vọng rất lớn của cử tri đang gửi gắm trên vai các ứng viên. Trong giai đoạn nước rút của quá trình vận động bầu cử này, vấn đề mà Nguyệt đặc biệt quan tâm là tình trạng bất bình đẳng giới, nhất là tình trạng bạo lực gia đình. Theo Quàng Thị Nguyệt, tỉnh Điện Biên với đặc thù vùng vùng sâu xa, tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số. Không ít nơi, đồng bào còn giữ phong tục tập quán lạc hậu, nên vấn đề trọng nam khinh nữ, bạo lực gia đình hiện nay vẫn còn nhức nhối trong cộng đồng. 

Với chương trình hành động của mình, ứng viên Quàng Thị Nguyệt cũng đặt lời hứa với cử tri, nếu trúng cử, sẽ cùng các vị ĐBQH kiến nghị những giải pháp mang tính chiến lược, đề xuất với Quốc hội ban hành những văn bản quy phạm pháp luật nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng bạo lực gia đình và tiến tới việc thực hiện bình đẳng giới cả phương diện pháp luật và thực tiễn.

Trải nghiệm đáng nhớ

Nhớ lại thời điểm được hiệp thương giới thiệu ứng cử ĐBQH, Lý Thị An cảm nhận rõ những áp lực rất lớn dồn lên vai của một ứng cử viên mới 24 tuổi. Chị An tự thấy khi đó bản thân như một tờ giấy trắng, chưa hiểu biết gì về Quốc hội, vai trò của người đại biểu dân cử ra sao. Tuy nhiên, những cảm giác lo lắng, bỡ ngỡ cũng dần vơi bớt khi được các cấp, ngành và những đại biểu đi trước hỗ trợ, giúp đỡ.

2 nữ ứng viên ĐBQH khóa XV trẻ nhất: Mong muốn góp tiếng nói về bình đẳng giới, bạo lực gia đình - Ảnh 2.

Ứng cử viên Lý Thị An

Ứng viên Lý Thị An nhớ lại khi tham gia 2 buổi tập huấn dành cho các nữ ứng cử viên ĐBQH tại Hà Nội, do Nhóm Nữ Đại biểu Quốc hội và Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp tổ chức mới đây. Tại buổi tập huấn này, chị An vẫn nhớ như in những chia sẻ kinh nghiệm do Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Bùi Thị Hòa, đại biểu Quốc hội khóa XII, giảng về 5 yếu tố để tiếp xúc cử tri vận động bầu cử đạt kết quả tốt, như: Hiểu địa bàn, biết đối tượng, nắm rõ chương trình tiếp xúc cử tri; Tạo ấn tượng thiện cảm ngay từ ban đầu qua tác phong, ăn mặc, trang điểm thể hiện sự tôn trọng và am hiểu cử tri; Xây dựng nội dung chương trình hành động thuyết phục; Tiếp thu và trả lời câu hỏi đáp ứng mong đợi của cử tri.

Chị An chia sẻ, cũng nhờ những bài học và kinh nghiệm truyền đạt đó đã giúp các nữ ứng viên trẻ thêm tự tin, vững vàng hơn trong từng giai đoạn tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử. Qua buổi tiếp xúc cử tri, chị An càng nhận thức rõ hơn ý nghĩa, vai trò "cầu nối giữa Quốc hội và nhân dân" của một người đại biểu dân cử nếu được cử tri tin tưởng bỏ phiếu cho mình.

Còn ứng viên Quàng Thị Nguyệt tâm sự: "Dù có trúng cử hay không thì việc tham gia ứng cử ĐBQH đã là một hành trình và trải nghiệm rất đáng nhớ mà không phải người trẻ nào cũng có được. Nếu được cử tri, người dân tin tưởng giao trách nhiệm, với tất cả sức trẻ, nhiệt huyết, tôi sẽ cố gắn hết sức mình để góp tiếng nói, đề xuất những chính sách phù hợp với điều kiện và đặc điểm từng vừng, từng dân tộc nhằm nâng cao đời sống người dân, và tạo sự phát triển bình đẳng, bền vững cho cả nam và nữ".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm