5G và cơ hội đổi đời cho phụ nữ chỉ từ chiếc điện thoại

Vũ Vũ
10/03/2021 - 11:41
5G và cơ hội đổi đời cho phụ nữ chỉ từ chiếc điện thoại

Ảnh minh họa

Phụ nữ, một lực lượng đông đảo trong giới “streamer”, đang tích cực tận dụng công nghệ 5G siêu tốc để tăng thu nhập. Song, cơ hội luôn đi cùng những thách thức.

Tôi đi học livestream bán hàng

Nguyễn Thanh Huyền (35 tuổi, Hà Nội) là nhân viên của một đơn vị viễn thông. Ngoài giờ làm ở công ty, hàng ngày, Huyền đều đặn livestream bán hàng vào 21h tối. Huyền bán mặt hàng túi xách và mỹ phẩm. Thanh Huyền cho biết: "Những năm gần đây, livestream bán hàng nở rộ giúp loại bỏ tâm lý e ngại không được cầm nắm hay thử sản phẩm khi mua sắm trực tuyến. Nhờ sự tương tác giữa người mua và người bán mà mức độ tin tưởng được tăng lên đáng kể". Cô tiết lộ, tuy là nghề "tay trái" nhưng livestream bán hàng lại trở thành nguồn tạo thu nhập chính của Huyền. Và để có được mức thu nhập vượt "nghề tay phải" của mình, Huyền đã tham gia học livestream bán hàng một cách bài bản.

Chỉ cần vào công cụ tìm kiếm Google, gõ từ khoá "lớp học livestream bán hàng", chỉ trong 0,44 giây, bạn có thể có hơn 1,4 triệu kết quả về các lớp học với địa chỉ cụ thể.

Tại một cơ sở của Học viện NextTech tại Hà Nội, đầu giờ học livestream, các học viên khi được hỏi về những điều vướng mắc khi thực hiện livestream bán hàng, đa số đều có ý kiến "Em không tự tin", "Em thấy giọng mình nghe buồn cười"... Để gỡ rối cho học viên, vị chuyên gia đưa ra một số kỹ năng nói, kỹ năng trang điểm, tạo dáng, diễn xuất trước ống kính máy điện thoại khi livestream.

Nguyễn Diệu Linh (29 tuổi, Ba Đình, Hà Nội), một học viên của lớp học, chia sẻ: "Tôi từng tốt nghiệp chuyên ngành marketing. Song khi quyết định bán hàng online tôi đã phải tham gia một vài khoá học livestream bán hàng. Điều tôi nhận được từ các khoá học là ngoài kỹ năng, các chuyên gia ở đây rất biết cách truyền cảm hứng cho học viên theo đuổi đến cùng con đường mình đã chọn". Diệu Linh cho biết, chị đã học 3 khoá dạy cách bán hàng online với tổng chi phí lên đến 20 triệu đồng.

Nở rộ các lớp học

Theo khảo sát của chúng tôi tại các Học viện NextTech, Học viện Nuu, Học viện Moa... mỗi khoá học livestream bán hàng thường có giá 5 – 7 triệu đồng. Cụ thể, tại học viện Nuu, khoá học livestream bán hàng có giá 5 triệu đồng (đã được khuyến mãi) với 5 buổi học. Nội dung của các buổi học xoay quanh những vấn đề như: Kỹ năng để tự tin khi livestream; kịch bản viết livestream cho mọi sản phẩm; học viên thực hành livestream mô phỏng tại lớp; cách xác định đối tượng khách hàng tiềm năng; cách "giữ chân" khách hàng ở lại theo dõi livestream lâu nhất có thể; cách chốt sales (đơn hàng)...

Bên cạnh hình thức học trực tiếp, các học viện này còn tổ chức chương trình đào tạo online qua zoom. Mô hình lớp học cũng khá đa dạng: Lớp 3-4 học viên, lớp 10 - 15 học viên, có lớp 1 thầy 1 trò, lớp dạy tại nhà, đào tạo tại doanh nghiệp, lớp học chuyên sâu...

Những ngày cuối năm 2020, Tập đoàn công nghệ NextTech đã ra mắt Học viện Livestream NextOn.vn. Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech Group, cho biết: "Sau khóa học, học viên được giới thiệu việc làm hoặc trở thành cộng tác viên bán hàng của hệ sinh thái hơn 80 ngàn doanh nghiệp đang sử dụng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh kỹ thuật số của Tập đoàn NextTech".

Bên cạnh những lớp học, khoá học do các trung tâm mở, những người làm trong giới marketing lâu năm cũng tự mở lớp học. Facebooker Ann Phạm, một chuyên gia thương hiệu trong lĩnh vực làm đẹp, cho biết, trong năm 2020, cô đã trực tiếp giảng dạy gần 60 đội ngũ livestream bán hàng. Bên cạnh các khoá học cơ bản, Ann Phạm còn có những khoá học chuyên sâu như: Chốt sales (đơn hàng) theo 5 nhóm tính cách khách hàng; hay chương trình "gieo thương nhớ" vào tâm trí khách hàng; chương trình sự kiện "Bí mật điều đối thủ không kể với bạn". Mỗi chương trình đều được tổ chức ở hội trường lớn với hàng trăm học viên tham gia.

Facebooker Ann Phạm cho biết, 90% học viên của mình là nữ. Việc xuất hiện xu hướng livestream bán hàng đã tạo cơ hội kiếm tiền, tạo công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ.

5G và cơ hội đổi đời cho phụ nữ chỉ từ chiếc điện thoại - Ảnh 1.

Một giờ học livestream bán hàng online tại Học viện NextTech

Chứng chỉ chỉ có giá trị nội bộ

Theo luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), hoạt động dạy và học bán hàng online được thực hiện trên cơ sở quan hệ cung cầu trên thị trường. Tính đến thời điểm hiện tại, hoạt động đào tạo bán hàng trực tuyến chủ yếu mang tính tự phát. Kết quả buổi học có ý nghĩa giống như một buổi chia sẻ kinh nghiệm, một cuộc hội thảo. Trường hợp các cơ sở giáo dục hoặc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp dạy bán hàng online thì môn học này vẫn chỉ được xác định là môn học ngoại khoá (đào tạo kỹ năng sống). Theo đó, thủ tục đăng ký và tổ chức hoạt động ngoại khóa được thực hiện theo Thông tư 04/2014/TT-BGDĐT về Quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khoá. Hiện cũng chưa có một văn bản nào quy định về việc quản lý hoạt động của các lớp học và dạy bán hàng online này. Mặc dù các học viện có cấp chứng chỉ cho học viên nhưng chứng chỉ này chỉ có giá trị nội bộ. Do không được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép, quản lý nên các lớp học này chưa được nhà nước ghi nhận trình độ.

Trong trường hợp tổ chức, cá nhân mở các lớp học đào tạo bán hàng online phải đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Hoạt động thu tiền phải trên cơ sở tự nguyện. Nếu người dạy có thu nhập thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định pháp luật. Trường hợp có tranh chấp xảy ra thì các bên có thể trình báo sự việc với cơ quan chức năng. Mọi hành vi lợi dụng hoạt động này để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hoặc gây mất an ninh trật tự an toàn xã hội sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

(Còn nữa)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm