pnvnonline@phunuvietnam.vn
6 điều giúp ba mẹ bớt than phiền "đi du lịch cùng con quá mệt"
Chị Trang (33 tuổi, hiện đang sống ở Hà Nội) là mẹ của hai em bé Sóc và Sunny. Từ nhỏ, các bé đã được đi du lịch ở khắp mọi nơi. Với mong muốn để con được trải nghiệm nhiều điều thú vị từ những chuyến đi, mỗi năm gia đình chị Trang đều cho bé đi chơi xa ít nhất 1 lần. Các con rất vui vẻ, hào hứng, bố mẹ tuy hơi mệt nhưng luôn hạnh phúc vì gia đình có thêm những kỷ niệm đẹp khi khám phá các vùng đất mới.
Theo bà mẹ 2 con, nhiều gia đình ngại cho con đi chơi xa khi còn nhỏ vì cho rằng đi xa, con trẻ dễ bị mệt, thậm chí đau ốm, bố mẹ cũng mệt theo vì phải trông nom vất vả trong khi con nhỏ "đã biết gì đâu".
"Thực ra tùy quan điểm của mỗi gia đình và bố mẹ, nhưng nếu bạn muốn con có cơ hội được trải nghiệm, khám phá thế giới rộng lớn bên ngoài, được làm quen và thích nghi với nhiều môi trường sống, được có thời gian hòa mình với thiên nhiên, gặp gỡ nhiều người, biết thêm nhiều điều thú vị... thì việc cho con đi chơi xa mặc dù sẽ có một số bất tiện (điều kiện không được như ở nhà, sinh hoạt giờ giấc đảo lộn...) nhưng cũng sẽ mang lại cho con nhiều lợi ích (tự tin, hiểu biết hơn, mở rộng thế giới quan, nâng cao năng lực quan sát, khám phá...).
Có thể với những bạn còn nhỏ (như Sunny nhà mình) sẽ chưa biết nhiều, không nhớ được nhiều về những kỷ niệm của chuyến du lịch lần này khi lớn lên nhưng mình tin rằng những trải nghiệm thời thơ bé sẽ thẩm thấu dần vào con, giúp ích cho sự phát triển sau này của con.
Vì vậy, nếu bố mẹ nào cũng có cùng quan điểm, muốn để con được vui chơi, khám phá qua những chuyến du lịch có thể tham khảo một số bí quyết dưới đây. Mình xin chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân để lên kế hoạch sắp xếp cho cả gia đình có một chuyến du lịch vui vẻ và không quá mệt mỏi khi đi cùng con nhỏ", chị Trang tâm sự.
ĐỂ CÓ CHUYẾN DU LỊCH VUI VẺ CÙNG CON
1. Chọn giờ lên máy bay
Khi đi du lịch xa và phải di chuyển bằng phương tiện máy bay, bố mẹ nên lưu ý chọn giờ lên máy bay sao cho phù hợp với lịch sinh hoạt của con nhỏ. Với người lớn chúng ta thì có thể dễ dàng sắp xếp, bay giờ nào cũng được nhưng với các bạn nhỏ, bố mẹ lưu ý không nên chọn giờ bay quá sớm (vào buổi sáng) hoặc quá muộn (đêm khuya). Giờ lên máy bay nên trừ hao đi 2 tiếng (phải có mặt trước tại sân bay để làm thủ tục) để chuyến bay được thuận lợi.
Theo kinh nghiệm bản thân thì mình thường chọn giờ bay vào tầm buổi trưa (khoảng 12h-13h) bởi vào thời gian này giá vé máy bay cũng mềm hơn, thời gian đúng vào tầm ngủ trưa của con nên khi lên máy bay một lúc con sẽ ngủ thì sẽ đỡ mệt hơn và bố mẹ cũng sẽ có thời gian nghỉ ngơi.
Giờ check in ở khách sạn cũng thường là 14h chiều nên thời gian đáp xuống sân bay để về khách sạn cũng khá hợp lý. Còn nếu bố mẹ không phải lăn tăn về vấn đề chi phí thì có thể chọn giờ lên máy bay trong khoảng từ 8h-10h sáng cũng rất đẹp (thường giá vé sẽ cao hơn).
2. Chuẩn bị đồ ăn và đồ chơi cho con
Ở trên máy bay, trong một không gian kín và đông người, có thể những bạn nhỏ lần đầu đi máy bay sẽ hơi sợ sệt một chút và quấy khóc. Bố mẹ nên chuẩn bị trước một chút đồ ăn nhẹ và đồ chơi (gấu bông, sách, sticker...) cho con để hướng sự chú ý của trẻ sang việc khác và giúp trẻ bớt sợ hãi hơn. Thường thì trên máy bay cũng sẽ có một chút đồ ăn nhẹ (bánh và nước) cho hành khách nhưng bố mẹ cũng nên chuẩn bị những đồ ăn mà các bạn nhỏ nhà mình quen ăn hơn. Như bạn Sóc và Sunny nhà mình thì rất hứng thú với đồ ăn được các cô chú tiếp viên phục vụ.
Nếu con không ngủ và còn thức mà mất trật tự trên máy bay, bố mẹ có thể hướng con đến những cuộc trò chuyện như giới thiệu về nơi mình sắp đến, cho con quan sát bên ngoài cửa sổ của máy bay, giải thích cho con việc máy bay hoạt động như thế nào... hoặc chơi với những đồ chơi đã được chuẩn bị sẵn.
Nhà mình thường mang theo sticker (các bạn nhỏ rất thích trò này) hoặc chơi đố vui, trò chuyện với con về những hướng dẫn trong tờ chỉ dẫn an toàn trên máy bay. Bạn Sóc năm nay đã lớn nên thắc mắc nhiều với mẹ về việc các cô chú tiếp viên hướng dẫn về an toàn bay (khi máy bay gặp sự cố thì phải mặc áo phao thế nào, lấy mặt nạ dưỡng khí ở đâu, nhảy qua cửa thoát hiểm thế nào...). Bố mẹ hãy cố gắng tìm hiểu để giải thích cho con nhé.
3. Chuẩn bị thuốc và những vật dụng cần thiết
Trẻ con không thể nói trước được điều gì, hôm nay đang khỏe mạnh nhưng ngày mai có thể ốm ngay nên bố mẹ cũng lưu ý cần chuẩn bị một số loại thuốc cho con (hạ sốt, siro ho, thuốc xịt mũi, đau bụng, cảm cúm....) và cả nhiệt kế để phòng trường hợp khi cần thiết. Nếu con có chẳng may bị ốm, sốt trong quá trình đi chơi thì bố mẹ cũng hãy bình tĩnh để tìm cách xử lý (tìm hiểu nguyên nhân, hạ sốt, cho uống thuốc cần thiết, hoặc đưa đến cơ sở y tế...). Thường thì nếu không có vấn đề gì đặc biệt, các bạn nhỏ cũng chỉ cảm cúm hoặc sốt do đau họng hay sốt virus nên bố mẹ cũng không nên lo lắng quá.
Bên cạnh đó, cũng cần chú ý mang những vật dụng cần thiết khác như bình sữa, bát ăn dặm, yếm ăn... và đặc biệt đừng quên địu hoặc xe đẩy nếu bé còn nhỏ nhé. Nhà mình có một lần đi chơi quên xe đẩy và đó là bài học mà mình nhớ mãi để rút kinh nghiệm cho lần sau (vì Sunny khi đó chỉ bám mẹ và đòi mẹ bế nên mẹ đã phải bế bạn và cuốc bộ khá nhiều).
4. Chọn nơi ở có dịch vụ tốt
Với những bạn lớn một chút (tầm 5 tuổi trở lên như Sóc nhà mình) thì mình sẽ ưu tiên kiểu du lịch trải nghiệm, khám phá để con có cơ hội tìm hiểu một vùng đất mới, hòa mình với đời sống người dân... Tuy nhiên với những gia đình có con nhỏ hơn, mình khuyên các bố mẹ nên chọn những khách sạn hoặc khu nghỉ dưỡng có không gian rộng, với đẩy đủ dịch vụ (bể bơi, ăn sáng, khu vui chơi...) để tiện nghỉ ngơi và chăm sóc con hơn. Nếu không muốn ở một khu resort biệt lập, bạn có thể chọn ở những khách sạn ở khu trung tâm (không cần quá tiện nghi nhưng ưu tiên sạch sẽ) để tiện vui chơi và trải nghiệm các dịch vụ, cũng như có thể đưa con đến các cơ sở y tế trong trường hợp cần thiết.
5. Vấn đề ăn uống
Việc ăn uống của con có lẽ là vấn đề khiến các bố mẹ quan tâm nhiều nhất khi cho con đi du lịch. Với các bạn nhỏ (dưới 1 tuổi), bố mẹ có thể mua sẵn các loại cháo gói (nếu như con ăn dặm theo cách truyền thống) và nhờ khách sạn hâm nóng để cho con ăn. Hoặc khi đi ăn nhà hàng bố mẹ cũng có thể order họ 1 bát cháo cho con (nếu có).
Với những bé ăn dặm theo phương pháp chỉ huy thì đơn giản hơn (bố mẹ sẽ thấy thực sự nhàn khi cho con ăn dặm theo cách này). Con có thể ăn mọi thứ theo người lớn và việc bạn cần làm chỉ là yêu cầu nhà hàng cung cấp ghế ăn dặm cho trẻ em để con được sử dụng (thường thì các nhà hàng lớn tại các khu du lịch đều có ghế này).
Hai bạn Sóc và Sunny nhà mình thì được ăn dặm kết hợp theo cả ba phương pháp (truyền thống, kiểu Nhật và ăn dặm tự chỉ huy) nên trộm vía cả hai bạn đều ăn được mọi thứ khi đi du lịch cùng gia đình và chúng mình cũng không phải lo lắng quá nhiều về vấn đề này.
6. Chấp nhận việc sinh hoạt không như ở nhà
Khi đi du lịch điều chắc chắn là lịch trình sinh hoạt của con sẽ bị đảo lộn, giờ giấc ăn ngủ không như ở nhà nhưng nếu bố mẹ chấp nhận được và suy nghĩ thoáng hơn thì điều đó cũng không quá quan trọng. Các con có thể đi ngủ muộn, thậm chí là không ngủ trưa. Như Sunny mấy hôm vừa rồi thì thường ngủ một chút trên đường di chuyển và khi về đến khách sạn lại thức chơi rồi tầm chiều tối buồn ngủ quá lại lăn ra ngủ, còn anh Sóc thì mấy hôm không ngủ trưa nên tối mệt quá lại buồn ngủ sớm.
Chúng mình đều chấp nhận điều này và không quá cầu toàn thì mới có thể tận hưởng kỳ nghỉ một cách thoải mái nhất. Hãy coi như là cho con được "sổ lồng" mấy hôm, khi về nhà mình lại sinh hoạt theo nề nếp và trẻ con rất dễ thích nghi. Có thể có bạn sẽ mất mấy hôm đầu làm quen lại với nếp sinh hoạt bình thường nhưng sau đó lại "đâu vào đấy" ngay thôi. Điều quan trọng nhất là cả gia đình đã có những kỷ niệm đẹp cùng nhau và các em bé có thêm những cơ hội khám phá, trải nghiệm.
"Sẽ không có chuyến du lịch nào "hoàn hảo", cũng không có những em bé "ngoan như ở nhà" khi đi du lịch cùng bố mẹ. Chỉ khi người lớn chúng ta thay đổi quan điểm và chấp nhận những điều chưa hoàn hảo, các em bé của chúng ta mới có thêm nhiều hiểu biết hơn sau mỗi chuyến đi, bởi "đi một ngày đàng học một sàng khôn" đúng không các bố mẹ", chị Trang trải lòng.