65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Thương nhớ Hà Nội xưa…

10/10/2019 - 08:10
Hà Nội phải giàu hơn, phải phát triển hơn, nhưng phát triển đến quên mất những hệ giá trị cốt lõi, bỏ qua sự bền vững về môi trường thì Hà Nội không còn là Hà Nội nữa.

Nhiều người bảo người Hà Nội hay hoài cổ, lúc nào cũng than thở “ngày xưa”. Rằng “ngày xưa” là cái thời của nghèo đói, thiếu thốn, cái thời của cả chục căn hộ chung một cái nhà vệ sinh, cái thời cả khu tập thể phải leo lên leo xuống xách nước sinh hoạt, cái thời muốn ăn bát phở cũng là cả một nỗi thèm thuồng.

Còn Hà Nội ngày nay khang trang hơn, giàu có hơn. Những con đường lớn mở ra tới tận Hoài Đức, Hà Đông, Sóc Sơn, Đông Anh, Trâu Quỳ… Những khu đô thị mới mọc lên lấp lánh với nếp sống văn minh và tiện nghi. Cửa hàng cửa hiệu mở ngày lẫn đêm không thiếu gì cả.

Thiếu nữ Hà Nội 
 
Gánh hàng hoa trên đường phố Hà Nội 
 

Nhưng sao tôi vẫn thấy tiếc Hà Nội của ngày xưa thế. Người Hà Nội không cần ở biệt thự liền kề, không cần chung cư trăm mét vuông 3 phòng ngủ, họ chỉ cần một không gian nhỏ nhắn, vừa vặn nhưng sạch sẽ, chỉn chu. Người Hà Nội cũng không cần đại lộ, chỉ cần ngõ nhỏ, phố nhỏ, người xe chen chúc nhưng biết nhường nhau mà đi vẫn cứ ấm áp.

Hà Nội hôm nay tuy hoa lệ hơn nhưng xô bồ hơn, nhà cao tầng nhiều hơn và ngộp thở hơn, đại lộ nhiều hơn, đường trên cao, cầu vượt đâu đâu cũng thấy nhưng tắc vẫn hoàn tắc. Đêm đêm, những đại đô thị sáng lòe tạo ra những đêm trắng triền miên. Đến bóng tối cũng ô nhiễm thì nói gì đến chất lượng không khí, lỗi đâu chỉ do người nông dân đốt rơm rạ.

Tắc đường ở Hà Nội 
 

Hà Nội hôm nay tiệm ăn, nhà hàng như nấm, con gái cũng đẹp hơn bội phần nhưng sao chẳng còn hình bóng tinh tế thanh lịch từ nếp ăn đến nếp mặc, từ nếp bán hàng đến nếp đi lại. Bún chửi cháo chửi chưa bao giờ là đặc sản của Hà Nội, bởi một cụ bà bán hoa đĩa vỉa hè cũng một điều “dạ thưa” với khách, gặp người trẻ là gọi em xưng tôi. Đó là đặc sản của quá trình đô thị hóa Hà Nội, với cái tốc độ mà người dân chốn kinh kỳ không thể theo kịp nổi, đành chấp nhận cho sự xâm lấn văn hóa từ khắp nơi dồn về.

Tôi không phải một người bảo thủ hay hoài cổ. Hà Nội không thể cứ nghèo mãi, thiếu thốn mãi, không thể cả chục hộ dân chung cái nhà vệ sinh mãi. Hà Nội phải giàu hơn, phải phát triển hơn, nhưng phát triển đến quên mất những hệ giá trị cốt lõi, bỏ qua sự bền vững về môi trường thì Hà Nội không còn là Hà Nội nữa.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm