Ấn Độ: Mang băng vệ sinh đến với phụ nữ, trẻ em nghèo giữa đại dịch Covid-19

Nhu Thụy (Tổng hợp)
14/08/2020 - 18:00
Ấn Độ: Mang băng vệ sinh đến với phụ nữ, trẻ em nghèo giữa đại dịch Covid-19

Deane De Menezes và dự án “Đỏ là màu xanh mới mẻ” (RING)

Đại dịch Covid-19 đang khiến cả thế giới đảo lộn. Do chật vật kiếm từng bữa ăn nên chi phí cho thực phẩm là điều được quan tâm hàng đầu. Vì vậy, việc mua các sản phẩm vệ sinh trở thành thứ yếu nhưng làm tăng nguy cơ tổn hại sức khỏe cho hàng triệu phụ nữ ở Ấn Độ.

Rào cản lớn nhất trong giáo dục với trẻ em gái

Bộ Y Tế Ấn Độ thông báo quốc gia Nam Á này đã vượt ngưỡng 1 triệu ca dương tính với Covid-19. Ấn Độ đứng thứ 3 trên thế giới về số bệnh nhân Covid-19. Chính quyền các địa phương Ấn Độ đang nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus bằng việc phong tỏa, giãn cách xã hội. Tuy nhiên, việc ở nhà gây nhiều khó khăn cho người nghèo, đặc biệt là phụ nữ.

Deane De Menezes (26 tuổi) và nhóm của cô ở bang Mumbai đã không ngừng nỗ lực tiếp cận với phụ nữ sống ở khu vực thu nhập thấp. De Menezes, người lọt vào danh sách những người dưới 30 tuổi có ảnh hưởng nhất châu Á năm 2019 do tạp chí nổi tiếng Mỹ Forbes bình chọn. 

Cô đã xây dựng dự án "Đỏ là màu xanh mới mẻ" (RING) giúp phái yếu không còn phải chịu định kiến kinh nguyệt là dơ bẩn, cung cấp băng vệ sinh chất lượng tốt cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm tạo điều kiện cho họ được tới trường và tìm kiếm việc làm. Thời kỳ kinh nguyệt là yếu tố hàng đầu khiến cho những trẻ em gái không được đến trường ở Ấn Độ. 

Theo ước tính, cứ 5 trẻ em gái thì có 4 em không có điều kiện được sử dụng băng vệ sinh khi lớn lên. Do đó, có băng vệ sinh chính là bỏ được rào cản lớn nhất trong giáo dục đối với trẻ em gái, những đối tượng bị buộc phải ở nhà vì không được tiếp cận với sản phẩm vệ sinh sạch sẽ.

Trong 3 tháng qua, Deane De Menezes đã phân phối hơn 240.000 băng vệ sinh trên toàn Mumbai, tiếp cận với ít nhất 14.000 cô gái trẻ và phụ nữ. De Menezes giải thích: "Trong thời gian phong tỏa phòng chống Covid-19, phụ nữ và trẻ em gái sống ở khu vực thu nhập thấp hoặc là người di cư mất quyền chăm sóc vệ sinh, do mất thu nhập, không có sản phẩm vệ sinh kinh nguyệt và sự kỳ thị gắn liền với kinh nguyệt. Mặt khác, phụ nữ không được sử dụng nhà vệ sinh sạch sẽ và nước sinh hoạt để giặt giũ nên rất dễ nhiễm trùng, bị bệnh phụ khoa. Do đó, việc cung cấp đủ băng vệ sinh cho chị em là vấn đề cấp thiết".

Cuộc chiến chống “Khủng hoảng băng vệ sinh” - Ảnh 2.

Nhiều phụ nữ nghèo được phát băng vệ sinh miễn phí

Cô De Menezes cùng với các tình nguyện viên của RING phối hợp với các tổ chức phi chính phủ, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), nhóm Brihanm ERIC Municipal Corporation (BMC) để quyên góp băng vệ sinh và nâng cao nhận thức cho phụ nữ về thời kỳ kinh nguyệt và phòng chống Covid-19. RING cũng mua băng vệ sinh từ một nhóm tự lực (SHG) được điều hành bởi một chương trình của chính phủ có tên Asmita Yojana, nơi phụ nữ nông thôn kiếm kế sinh nhai từ việc sản xuất băng vệ sinh.

RING cũng đã khởi động một chiến dịch có tên #PassOnThePad để quyên tiền giúp đỡ nhiều phụ nữ hơn và đang lên kế hoạch tổ chức các hội thảo trực tuyến, sắp xếp cho các nhà trị liệu thực hiện một phiên thảo luận về lý do tại sao một số phụ nữ có thể gặp phải hội chứng tiền kinh nguyệt nghiêm trọng (PMS) trong thời gian phong tỏa. RING nhấn mạnh, việc tiếp cận với các sản phẩm băng vệ sinh là quyền cơ bản của mọi phụ nữ cho dù có đại dịch hay không. RING thúc đẩy nhóm SHG sản xuất băng vệ sinh có thể phân hủy sinh học.

Những người cùng chí hướng

Không chỉ có Deane De Menezes, Hoa hậu Thế giới 2017 Manushi Chhillar bày tỏ lòng biết ơn của mình với Chính phủ Ấn Độ khi họ đã liệt kê băng vệ sinh vào một mặt hàng thiết yếu trong cuộc khủng hoảng do Covid-19. Cô kêu gọi chính phủ quan tâm đến việc phát băng vệ sinh miễn phí cho phụ nữ nghèo và người khuyết tật, những người dễ bị tổn thương nhất trong giai đoạn này.

Cuộc chiến chống “Khủng hoảng băng vệ sinh” - Ảnh 3.

Hoa hậu Thế giới 2017 Manushi Chhillar đi đến các vùng để thực hiện dự án thiện nguyện

Manushi Chhillar từng chiến thắng tại đấu trường Miss World ngày 18/11/2017. Cô sinh ra trong một gia đình có truyền thống theo nghề y tại bang Haryana, phía Bắc Ấn Độ và rất gần New Delhi. Theo truyền thống gia đình, Chhillar theo học chương trình cử nhân y khoa và phẫu thuật tại Trường y Bhagat Phool Singh tại Haryana. 

Cô mong muốn trở thành bác sĩ phẫu thuật tim và mở chuỗi bệnh viện phi lợi nhuận tại các vùng nông thôn. Triết lý sống của cô là "Ngừng mơ ước là ngừng sống". Manushi cũng ủng hộ một chương trình phi lợi nhuận mang tên Project Shakti. Đây là một chương trình giúp phụ nữ địa phương trên khắp Ấn Độ để trao quyền cho họ và giúp họ kiếm sống. Chị em sẽ được hướng dẫn cách làm băng vệ sinh có thể phân hủy sinh học. 

Cô Manushi truyền bá kiến thức về cách chăm sóc cơ thể trong thời gian "đèn đỏ" cho phụ nữ nông thôn và phân phát băng vệ sinh miễn phí cho nhiều cộng đồng. Dự án đã giúp thay đổi cuộc sống và nhận thức của hơn 5.000 phụ nữ.

Cuộc chiến chống “Khủng hoảng băng vệ sinh” - Ảnh 4.

Nhiều phụ nữ nghèo được phát băng vệ sinh miễn phí

Các tổ chức phi lợi nhuận, các tình nguyện viên và những doanh nghiệp vì cộng đồng cũng đang cố gắng thay đổi tình hình, nhất là với những khu vực nông thôn hẻo lánh. Ngày càng tăng số lượng nam giới tham gia vào các chương trình xóa bỏ định kiến về kinh nguyệt. Điều này cho thấy sự thay đổi văn hóa xã hội, nơi những người trẻ tuổi hành động về các vấn đề quan trọng với họ. 

Anh Nishant Bangera (28 tuổi), lần đầu tiên biết về những khó khăn mà phụ nữ Ấn Độ gặp phải lúc đến kỳ kinh nguyệt khi tham gia một chương trình của công ty 3 năm về trước. Sau đó, anh bắt đầu chương trình của riêng mình, từ đến gặp mặt trực tiếp các bé gái, người mẹ ở khu ổ chuột cho đến tổ chức lễ hội với âm nhạc, trò chơi với nội dung chứng minh kinh nguyệt không phải là xấu. Bangera không phải là người đàn ông đầu tiên cố gắng phổ biến các kiến thức về kinh nguyệt tại quốc gia Nam Á này.

Trước đó, năm 2014, Arunachalam Muruganantham được tạp chí Time bình chọn vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất năm vì đã làm ra những chiếc băng vệ sinh chất lượng tốt cho phái yếu. Lấy cảm hứng từ Muruganantham, Chitransh Saxena (26 tuổi), một chàng trai khác đã thành lập MyPad Bank, một tổ chức phi chính phủ chuyên phân phối băng vệ sinh cho những phụ nữ nghèo khó ở Bareilly, một thành phố ở Uttar Pradesh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm