“Ánh sáng vô hình” và lòng tốt nguyên sơ

26/07/2017 - 11:20
“Ánh sáng vô hình” là tác phẩm văn học nói về chiến tranh thế giới thứ hai, cuộc chiến tàn khốc nhất trong lịch sử loài người. Nhưng toàn bộ cuốn sách dành để kể về những phận người, những cuộc đời rất trẻ, sắp chạm ngõ thanh xuân.
Chiến tranh đã làm gì những kẻ mộng mơ?

Trước khi chiến tranh ập đến, Werner sống trong trại trẻ mồ côi cùng với em gái và những đứa trẻ không cha không mẹ khác, bên cạnh một khu mỏ. Một hôm, cậu tình cờ nhặt được một chiếc đài hỏng, mày mò nối các mạch điện, vặn đi vặn lại cái núm nhỏ, để rồi bất ngờ thấy được thành quả là cả suối âm thanh.

Tiếng người giảng giải những bài học về khoa học, tiếng đàn piano, những âm thanh phát ra từ khối sắt vô tri cũ kỹ ấy thực sự là một món quà, một điều kỳ diệu mà mỗi tối trên căn gác xép của trại trẻ mồ côi, hai anh em cậu đón lấy bằng cả trái tim.
image001.jpg
Bìa sách Ánh sáng vô hình được nhà xuất bản Văn học và Công ty Quảng Văn ấn hành

Từ đó, Werner phát hiện ra mình có niềm đam mê khám phá những tụ điện, những mạch nối của những chiếc đài. Mọi người biết đến cậu với biệt tài sửa chữa những chiếc đài hỏng và khả năng làm việc với những cỗ máy thu phát âm thanh.

Trong lòng Werner khi ấy đã ấp ủ ước mơ gì? Trở thành một kỹ sư, một nhà sáng chế? Có thể lắm chứ. Nhưng những ước mơ không chạm tới cậu, chỉ có cánh tay dài của chiến tranh vươn ra, chộp lấy những gì nó cần, thậm chí cả những đứa trẻ: Quân Đức cần những người có khả năng phát hiện các tín hiệu điện đài của đối phương và xác định vị trí của những “ổ” điện đài.

Từ trại trẻ mồ côi, Werner được tuyển vào một học viện quân sự. Tại đó, cậu gặp những thiếu niên đồng trang lứa được huấn luyện cho các nhu cầu của cuộc chiến, trong đó đáng chú ý nhất là Frederick, một cậu bé có niềm đam mê nghiên cứu các loài chim.

Yêu thiên nhiên, thích đọc thơ của Goethe, cậu bé Frederick từ chối tuân theo những bài huấn luyện chỉ nhằm  mục đích nhào nặn những cậu thiếu niên trở thành những con người tàn ác, man dợ và cậu đã phải nhận sự trừng phạt khiến cậu tàn tật vĩnh viễn về thể xác, chết về tinh thần.

 Trong khi đó, ở nước Pháp, cô bé Marie -Laure 15 tuổi, bị mù, sống hoàn toàn dựa vào bố, một người giữ chìa khóa một bảo tàng ở Paris. Người cha đã mày mò tạo ra một mô hình về thành phố Paris thu nhỏ và hằng ngày kiên nhẫn dạy Marie cách ghi nhớ đường để một ngày kia, cô có thể tự xoay xở một mình.
nha-van.jpg
Nhà văn Anthony Doerr

Cô đang bắt đầu thực hiện một ước mơ nhỏ bé là tự đi được tới viện bảo tàng và về nhà thì chiến tranh ập tới Paris. Hai cha con sơ tán đến nhà ông chú ở Saint Malo, mang theo mô hình thành phố và viên đá huyền thoại mang tên Lửa Biển, một vật quý của bảo tàng để nó không rơi vào tay quân Đức.

Chiến tranh hay số phận đã khiến Marie và Werner gặp nhau tại Saint Malo, sào huyệt cuối cùng của quân Đức ở nước Pháp. Lúc đó, Marie đang ở trong hoàn cảnh cực kỳ nguy hiểm: Viên sĩ quan Đức, kẻ truy tìm viên đá quý trong một thời gian dài, đã phát hiện ra cô bé đang ở một mình trong căn nhà 6 tầng.

Lửa đã cháy, súng đã được giơ lên và bàn tay của viên sĩ quan sắp chạm tới chiếc tủ mà Marie đang trốn thì Werner xuất hiện. Cuộc chiến giữa cậu và viên sĩ quan nổ ra. Nhờ một tiếng động ngẫu nhiên khiến viên sĩ quan sao lãng, Werner trở thành người sống sót. Cậu sống sót để phát hiện ra Marie.

Cái tên Ánh sáng vô hình chắc chắn sẽ không thích hợp để đặt cho một cuốn sách chỉ toàn kể về những ước mơ bị đánh cắp, về tuổi trẻ bị tước đoạt nếu như nó không đồng thời là một câu chuyện cảm động về những cám xúc sáng trong, về lòng tốt, thứ đã đạt giá trị cao nhất khi nó chiến thắng mọi trở ngại của hoàn cảnh, mọi sự phân biệt và khoảng cách.

Trong những giây phút tàn khốc nhất của chiến tranh, trong tiếng bom rung, nhà sập, giữa những cuộc thanh toán cuối cùng trước khi kết thúc, con người ta vẫn cố gắng đối xử tốt với nhau, trong nguyên sơ, nguyên bản của tình người.

Đó là giây phút Werner trong quân phục của lính Đức trở thành người cứu Marie để rồi sau đó cậu phát hiện ra trong sự hàm ơn rằng, chính trong căn nhà đó, ông nội của cô đã phát đi những bài học về khoa học mà cậu và em gái đã đón nghe hằng tối trong trại trẻ mồ côi.

Ánh sáng vô hình còn bắt nguồn từ suy nghĩ và cách nhìn của những người ở lại từ cả hai phía. Trong khi buộc phải sống với di sản mất mát và nỗi đau tận cùng mà chiến tranh để lại, trái tim họ đồng thời nhận ra rằng không còn cách sống nào đáng lựa chọn hơn là cách sống vị tha và nhìn về phía trước. Suy cho cùng sau bao cuộc chiến tranh, điều được con người trên Trái đất này nói đến nhiều nhất vẫn là tình yêu.

Với Ánh sáng vô hình, giải Pulitzer 2015 dành cho nhà văn người Mỹ Anthony Doerr là hoàn toàn xứng đáng. Đây cũng là cuốn sách đứng số 1 trong danh sách 10 cuốn sách văn học hay nhất năm 2015 do Tạp chí Time bình chọn. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm