Bế mạc Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội 2022: Phim về người phụ nữ chuyển giới đoạt giải xuất sắc nhất

Hoài Nhân
13/11/2022 - 09:13
Bế mạc Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội 2022: Phim về người phụ nữ chuyển giới đoạt giải xuất sắc nhất

Cảnh trong him "Paloma" - tác phẩm đoạt giải Phim dài xuất sắc nhất

Đến từ 11 đất nước khác nhau, 11 bộ phim tham gia tranh tài tại hạng mục chính - phim dài - cho thấy một bức tranh đa dạng, nhiều màu sắc với nhiều vấn đề nóng cùng hội tụ tại LHP Quốc tế Hà Nội 2022.

Với khẩu hiệu "Điện ảnh - Nhân văn, Thích ứng và Phát triển", LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ VI 2022 (HANIFF VI) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức từ ngày 8 đến 12/11 là cơ hội để các nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam và thế giới mở rộng giao lưu, hợp tác, trao đổi nghề nghiệp, học tập kinh nghiệm, góp phần phát triển nền điện ảnh Việt Nam, khu vực và quốc tế.

Với chủ đề đa dạng, 11 bộ phim dài dự thi là 11 lát cắt cho thấy cuộc sống hiện đại với nhiều vấn đề nóng hổi, thu hút sự chú ý quan tâm của các nghệ sĩ.

Điện ảnh Iran mang tới LHP bộ phim "Ghép tủy". Bahar - Một phụ nữ đang hạnh phúc trong cuộc hôn nhân thứ hai với người chồng hết mực yêu thương cô buộc phải đối diện với một lựa chọn khó khăn. Đó là tiếp tục sống hạnh phúc và chấp nhận mất đi đứa con trai với người chồng đầu hay ly hôn để tái hợp với chồng cũ nhằm sinh thêm con để cứu mạng đứa con trai đang bệnh nặng.

Phim "Chúng ta đã làm gì sai" (hợp tác giữa điện ảnh Tây Ban Nha và Mexico) đi sâu khai thác tâm lý con người với cái nhìn vào trong bản thể. Với cô gái 36 tuổi Lili, mọi thứ tưởng như diễn ra tốt đẹp giữa cô và người bạn đời của mình. Tuy nhiên, có một nỗi bất hạnh ngấm ngầm đã ngăn cản hạnh phúc mà cô đang có…

Cảnh trong phim "Hoa nhài" của NSND Đặng Nhật Minh

Cảnh trong phim "Hoa nhài" của NSND Đặng Nhật Minh

Khán giả cũng được tiếp cận nền điện ảnh khá mới với Việt Nam là Srilanka. "Thiên thần của đại dương" khai thác đề tài về biển, xoay quanh 6 nhân vật làm việc trong cùng một đoàn đánh bắt cá ở vùng giữa biển vào kỳ nghỉ. Rắc rối ập đến khi họ bỗng nhiên va phải gã Malan, người đã lén lút giấu máy đánh cá ở trên thuyền với ý định di cư bất hợp pháp sang Úc…

Phim "Màn đêm bao phủ" của điện ảnh Myanmar khắc họa cuộc đời của một nhà văn nghèo. Để kiếm sống nuôi mình và người mẹ mắc bệnh ung thư anh buộc phải viết những câu chuyện ma để chiều theo thị hiếu khán giả. Trong anh luôn mơ ước về việc phát hành cuốn sách đầu tiên "thực sự" của mình nhưng cuộc sống khó khăn đã ngăn cản anh được làm điều mình thích…

Phim "Nàng Zere" của điện ảnh Nga kể về bi kịch của một cô gái trẻ tại làng chài khi bị kẹt giữa những toan tính lạnh lùng của người thân và cả người có thế lực nhất trong làng muốn cưới cô làm vợ.

Phim "Người phụ nữ trên tầng áp mái" là sản phẩm hợp tác của 3 nước Ba Lan, Thụy Điển và Pháp mang tới một vấn đề có tính xã hội khi con người rơi vào bế tắc. Mirka, một phụ nữ 60 tuổi, dường như có một cuộc sống bình thường. Vào một buổi sáng, bà bắt đầu ngày mới của mình giống như bao ngày khác, dậy sớm, phơi quần áo cho cả nhà, mua thức ăn cho cá và rồi bà quyết định đi cướp tiền ở ngân hàng bằng một con dao làm bếp…

Điện ảnh Philippines mang tới bộ phim "Người xấu" với cách đặt vấn đề khá lạ khi đặt ra con người xã hội với con người cá nhân. Ở tuổi xế chiều, Anita bỗng trở nên nổi tiếng với những vai phản diện trong các bộ phim. Khi nghe tin về việc sắp sửa lockdown do dịch bệnh bùng phát, Anita vẫn tiếp tục mọi việc để chuẩn bị cho sự trở lại. Suốt cả ngày, bà làm những điều buộc bản thân phải đối mặt với bạo lực và cái chết. Điều đó khiến bà đặt câu hỏi phải chăng mình không chỉ là một người xấu trong phim mà còn là một người xấu cả trong đời thực.

Đại diện cho điện ảnh Pháp là bộ phim "Nhanh như bão", kể về hành trình vượt lên số phận của cô gái nhỏ Zoe. Sẵn niềm đam mê đua ngựa, Zoe đã không may khi gặp thương tật vĩnh viễn bởi con ngựa đua trở chứng. Zoe rơi vào tuyệt vọng và kéo cả gia đình chìm trong bi kịch, đặc biệt khi cha cô đang đứng trước bờ vực phá sản. Nhưng với sự ủng hộ không ngừng của gia đình và sự giúp đỡ của Seb, một người có biệt tài giao tiếp với ngựa, Zoe đã tìm cách chinh phục những điều không thể, tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình.

Đề cập tới đề tài về giới, phim "Paloma" do điện ảnh Ba Lan và Brazil cùng hợp tác kể về Paloma, một phụ nữ chuyển giới. Khi Paloma quyết định thực hiện ước mơ mà cô đã ấp ủ bấy lâu: Tổ chức đám cưới truyền thống trong nhà thờ, vị linh mục đã từ chối. Dù phải chịu đựng bạo lực, sự phản bội, định kiến và bất công nhưng không gì lay chuyển được niềm tin và sự quyết tâm của người phụ nữ chuyển giới này.

Trao giải "Phim dài xuất sắc nhất" cho đoàn phim "Paloma"

Trao giải "Phim dài xuất sắc nhất" cho đoàn phim "Paloma"

Điện ảnh Ấn Độ với bộ phim "Trong sương mù" mang đến một góc nhìn khá lạ. Phim là câu chuyện về một người phụ nữ đã tự trao quyền cho bản thân mình khi trải qua thời thơ ấu đen tối và bị lạm dụng. Trải qua các đổ vỡ tình cảm, cô tìm cách chiếm lĩnh một ngôi nhà trong vùng đất không có người để có được một nơi trú ẩn đáng tin cậy.

Là đại diện duy nhất của nước chủ nhà, phim "Hoa nhài" của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh là một bức tranh lắp ghép với những mảnh đời khác nhau. Họ đã cùng khắc họa lên cuộc sống của những người Hà Nội thuộc tầng lớp bình dân. Cuộc sống luôn vận động và lòng nhân ái, sự quan tâm đến những người xung quanh là chất keo gắn kết để nó trở nên bền vững và có ý nghĩa.

Trong đêm bế mạc 12/11, Ban Tổ chức HANIFF VI đã trao 12 giải thưởng cho các bộ phim, diễn viên, đạo diễn xuất sắc. Cụ thể:

Giải Phim dài xuất sắc nhất được trao cho bộ phim "Paloma" của Brazil.

Giải Phim ngắn xuất sắc nhất thuộc về bộ phim "Khu rừng của Páo" của Việt Nam.

Giải Đạo diễn phim dài xuất sắc nhất được trao cho đạo diễn Hamid Reza Ghorbani phim "Ghép tủy" (Bone Marow) của Iran.

Giải Diễn viên nữ chính phim dài xuất sắc nhất được trao cho diễn viên Kiki Sena, trong phim "Paloma" (Brazil).

Giải Diễn viên nam chính phim dài xuất sắc nhất được trao cho dàn diễn viên của bộ phim "Thiên thần của đại dương" (Srilanka) gồm: Mahendra Perera, Priyantha Sirikumara, Hemal Ranasinghe, Darshan Dharamaraj, Ashan Dias, Suran Dissanayaka, Dasun Patirana.

Giải thưởng của Ban Giám khảo cho phim dài được trao cho phim "Người phụ nữ trên tầng áp mái" - phim của Ba Lan, Thụy Điển và Pháp.

Giải Đạo diễn phim ngắn xuất sắc nhất thuộc về đạo diễn Surya Shahi, phim "Những bánh xe buýt" của Nepal.

Giải Đạo diễn trẻ triển vọng cho phim ngắn (từ 18 - 35 tuổi) được trao cho đạo diễn Trương Thế Thiện với phim "Hành lang ký ức" của Liên bang Nga.

Giải Mạng lưới khuyến khích phát triển điện ảnh châu Á (Netpac) được trao cho phim "Kẻ phản diện" của Philippines và phim "Ghép tủy" của Iran.

Giải Nhất hạng mục Chợ dự án phim được trao cho phim "Chúa Đất" của đạo diễn Đỗ Thanh Sơn (Việt Nam). Giải thưởng của Ban Giám khảo Chợ dự án phim được trao cho dự án phim "Chachacha" của đạo diễn Đỗ Quốc Trung (Việt Nam).

Bên cạnh đó, BTC cũng trao giải Phim Việt Nam được khán giả yêu thích trong Chương trình Phim Việt Nam đương cho phim "Bố già". Đồng thời, tặng Bằng khen cho NSND Đặng Nhật Minh, đạo diễn bộ phim "Hoa nhài" có nội dung đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố Hà Nội.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm