Biến 1,8 tấn rác thải nhựa thành đồ nội thất

Hoàng Duy
07/01/2024 - 10:24
Biến 1,8 tấn rác thải nhựa thành đồ nội thất

Một sản phẩm làm từ nhựa tái chế của “Reborn Décor”

Với 8 thành viên đến từ Việt Nam và Indonesia, “Reborn Décor” đã thành công chuyển đổi 1,8 tấn rác nhựa thành những món đồ nội thất đẹp mắt, góp phần giảm lượng khí thải carbon lên đến 4.000 tấn.

Chia sẻ về ý tưởng của dự án, chị Hà Phan Kim Nguyệt, đại diện Dự án, cho biết, tại một chuyến đi đến Cam Ranh (Khánh Hòa), chị bắt gặp những ngư dân đánh bắt gần bờ, lưới cá khi kéo lên chỉ có chai nước, túi nylon… Câu hỏi của đứa bé 4 tuổi "Tại sao trong lưới chỉ có rác mà không có cá?" đã khiến chị trăn trở và ấp ủ dự án từ đó.

Tháng 7/2023, Reborn Décor quy tụ được nhiều bạn trẻ có chung chí hướng tìm kiếm giải pháp tối ưu cho khối lượng rác thải nhựa. "Với sự kết hợp của các bạn trẻ từ Việt Nam và Indonesia, chúng tôi đã phân chia nhân sự vào các bộ phận: thiết kế, sản xuất, điều hành, marketing, tổ chức. Mọi hoạt động chủ yếu được diễn ra tại Việt Nam trong khâu sản xuất và điều hành, tuy nhiên, chúng tôi đã kết nối được nhiều nguồn lực để cùng làm việc tại Việt Nam, Indonesia, Mỹ. Kết quả đạt được của nhóm đã vượt cả kỳ vọng của chúng tôi", chị Hà Phan Kim Nguyệt cho biết. 

Cụ thể, dự án đã huy động được hơn 30 sinh viên thiết kế từ trường Đại học Tôn Đức Thắng và Đại học Kiến trúc TPHCM tham gia thiết kế cho dự án; chuyển đổi 1,8 tấn rác nhựa thành sản phẩm mới, góp phần giảm lượng khí thải carbon lên đến 4.000 tấn. Ngoài ra, dự án đã thực hiện một cuộc triển lãm sản phẩm làm từ rác tái chế, thu hút hơn 1.000 người tham dự và nhiều hoạt động khác. 

"Với những nỗ lực biến rác thải nhựa thành sản phẩm nội thất, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ và tài trợ từ các đơn vị doanh nghiệp ở Việt Nam. Hiện chúng tôi đang xây dựng một khu vui chơi "xanh" cho hơn 800 bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi Đồng tỉnh Đồng Nai", chị Hà Phan Kim Nguyệt cho biết.

Biến rác thải nhựa thành đồ nội thất- Ảnh 1.

Chị Hà Phan Kim Nguyệt, đại diện Dự án “Reborn Décor”

Để có được thành quả như ngày hôm nay, nhóm đã trải qua nhiều khó khăn như: nguồn lực tài chính hạn chế, buộc các thành viên phải chủ động bước ra khỏi vùng an toàn, tìm đến những nhà tài trợ để trình bày ý tưởng. Sự bất đồng ngôn ngữ cũng là một trong những khó khăn mà nhóm phải vượt qua. Văn hóa làm việc của Việt nam, Indonesia, Mỹ có nhiều khác biệt. Tuy nhiên, vì một thế giới không rác thải nhựa, nhóm đã thống nhất văn hóa làm việc của mình là tôn trọng - chủ động lắng nghe để giải quyết vấn đề. Đặc biệt, việc sản xuất từ vật liệu tái chế đòi hỏi phải dành nhiều thời gian, kỹ thuật và quy trình chặt chẽ để ra được sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã đẹp.

Tháng 11 vừa qua, triển lãm nội thất bền vững Reborn Décor đã tạo được ấn tượng với công chúng. 31 tác phẩm được giới thiệu tại triển lãm được làm từ các chất liệu rác thải công nghệ và rác thải đô thị như bo mạch, chíp điện tử, dây điện, dây sạc, tai nghe, nhựa tiêu dùng… Triển lãm đã lan tỏa tinh thần tái chế để giảm thiểu tác động tiêu cực của rác thải nhựa đến môi trường.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm