Bình phẩm, chê bai ngoại hình người khác nhìn từ góc độ pháp lý

Đinh Thu Hiền
16/04/2023 - 11:48
Bình phẩm, chê bai ngoại hình người khác nhìn từ góc độ pháp lý

Hình minh họa

Người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trong xã hội, các nghệ sĩ … thường là nạn nhân của “body shaming” - cụm từ để nói về việc bình phẩm, chê bai ngoại hình của người khác. Cuộc bàn luận của PV Báo Phụ nữ Việt Nam cùng các luật sư xoay quanh vấn đề này nhìn từ góc độ pháp lý.

PV: Luật sư cho biết, việc bình phẩm, chê bai ngoại hình người khác sẽ bị xử lý thế nào theo pháp luật hiện hành?

Luật sư Đỗ Ngọc Thanh, Đoàn Luật sư TPHCM: Theo quy định tại Điều 20 Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam thì mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. 

Do đó, mọi người đều cần tuân thủ quy định này và không được sử dụng lời nói khó nghe để miệt thị, phỉ báng, xúc phạm nhân phẩm, ngoại hình hoặc bất kỳ đặc điểm nào của người khác.

Bình phẩm, chê bai ngoại hình người khác nhìn từ góc độ pháp lý  - Ảnh 1.

Luật sư Đỗ Ngọc Thanh

Việc bình phẩm hoặc chê bai về ngoại hình người khác, theo quan điểm của cá nhân tôi, là ở mức độ nặng. Nó không còn đơn thuần là những lời nói trêu ghẹo, đùa giỡn thông thường nữa mà có mục đích làm nhục người khác. Do đó, đây được xem là một hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, tâm lý, hay sức khỏe của người bị bình phẩm hoặc bị chê bai. 

Tùy thuộc vào tính chất và mức độ của hành vi, việc này có thể được xem là hành vi vi phạm pháp luật và cũng tùy thuộc vào tính chất và mức độ của hành vi, người thực hiện việc bình phẩm, chê bai đó có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với hành vi chưa đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.

Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi chê bai ngoại hình người khác có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể:

1. Người có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác thì bị phạt tiền từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng.

2. Xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ thì bị phạt tiền từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng.

3. Xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình bị phạt từ 5.000.000 - 20.000.000 đồng.

Ngoài ra, nếu người nào đó đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự và nhân phẩm cá nhân trên môi trường mạng như trên mạng xã hội, thì căn cứ theo điểm a khoản 3 Điều 99 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng. 

Cũng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định này, người có hành vi lợi dụng mạng xã hội xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.

Trường hợp Cơ quan chức năng có thẩm quyền xác định có đủ dấu hiệu của tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "làm nhục người khác" theo điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi 2017. 

Theo đó, người nào xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Đối với tội làm nhục người khác có mức phạt cao nhất đến 05 năm tù giam.

Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang, Đoàn Luật sư TPHCM: Cụm từ được sử dụng phổ biến trên thế giới là "body shaming" thường mang ý nghĩa tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến tâm lý, danh dự và nhân phẩm của người đó.

Bình phẩm, chê bai ngoại hình người khác nhìn từ góc độ pháp lý  - Ảnh 2.

Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay, danh dự, nhân phẩm của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Do đó, hành vi bình phẩm, chê bai về ngoại hình người khác sẽ bị xử phạt tùy vào mức độ của hành vi.

Về quy định tại điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình thì hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác, đã được luật sư Đỗ Ngọc Thanh nhắc phía trên.

Trong trường hợp có hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự về tội "làm nhục người khác" mức phạt cao nhất lên đến 5 năm tù đối với trường hợp gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc làm nạn nhân tự sát.

Ngoài việc phải chịu các chế tài của pháp luật, về hành chính hoặc hình sự như trên thì người có hành vi "body shaming" mà gây thiệt hại thì còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Bộ luật dân sự.

PV: Vậy ranh giới của hành vi chê bai, bình phẩm về ngoại hình của người khác có cụ thể và rõ ràng hay không để phạt hành chính hay hình sự? Ví dụ hành vi chỉ là vô tình, không hữu ý. Hoặc ngược lại, là cố tình, lặp đi lặp lại nhiều lần?

Luật sư Đỗ Ngọc Thanh: Ranh giới của hành vi bình phẩm hoặc chê bai về ngoại hình người khác không phải lúc nào cũng rõ ràng và cụ thể. Có thể xem xét nhiều yếu tố để đánh giá tình tiết và tính chất của hành vi, nó có thể bao gồm:

- Tính chất của hành vi: Bình phẩm hoặc chê bai về ngoại hình của người khác có tính chất xúc phạm, lăng mạ, phỉ báng, hay chỉ là ý kiến đánh giá chân thành, tôn trọng.

- Tính cố ý của hành vi: Hành vi có tính cố ý hoặc chỉ là vô tình. Nếu là vô tình, người vi phạm có nỗ lực để bù đắp hay không.

- Mức độ của hành vi: Hành vi như thế nào, có mức độ nghiêm trọng đến mức độ nào. Hành vi đó có ảnh hưởng tiêu cực đến danh dự, nhân phẩm, tâm lý hay sức khỏe của người bị bình phẩm hoặc chê bai hay không.

- Tình tiết xung đột: Hành vi có xảy ra trong tình trạng xung đột, tranh chấp giữa các bên hay không.

Dựa trên những yếu tố này, cơ quan chức năng sẽ đánh giá và quyết định xử lý hành vi này bằng hình thức phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào tính chất và mức độ của hành vi, cũng như mức độ nghiêm trọng của hậu quả gây ra. 

Tuy nhiên, việc xác định ranh giới cụ thể và rõ ràng của hành vi này là một vấn đề khá phức tạp và phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể vì hiện nay vẫn chưa có quy định xâm phạm đến mức nào thì bị xử lý hành chính.

Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang: Theo tôi, cần xác định các hành vi vi phạm pháp luật nói chung, đến mức phải xử lý bằng các biện pháp chế tài của pháp luật (phát sinh trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự), có thể căn cứ vào 2 yếu tố sau đây:

Thứ nhất, căn cứ vào yếu tố lỗi, không cần xác định thiệt hại của nạn nhân hoặc hậu quả. Lỗi cố ý là căn cứ để xử lý và áp dụng chế tài phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi. Các tình tiết định khung hoặc tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được xem xét áp dụng theo quy định;

Thứ 2, căn cứ vào thiệt hại của nạn nhân, tất nhiên có xét đến mối quan hệ nhân - quả giữa hành vi trái pháp luật và hậu quả. Trường hợp này, mức độ thiệt hại (có thể định tính, định lượng được) là căn cứ để xử lý và áp dụng chế tài mà không phụ thuộc yếu tố lỗi (bao gồm cả lỗi vô ý hoặc cố ý). 

Các tình tiết định khung hoặc tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được xem xét áp dụng theo quy định.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm